MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hút FDI vào bất động sản: Nửa sự thật chưa nói!

05-12-2014 - 16:07 PM | Bất động sản

Một điều đáng lo ngại hiện nay, vốn cho bất động sản đã kẹt lại còn bị chảy ngược ra nước ngoài bằng những thủ thuật vô cùng tinh xảo.

Theo quan điểm của một chuyên gia tại Đại học Kinh tế Quốc dân, trước nay, Việt Nam vẫn luôn đặt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng chú ý trong hoạt động thu hút vốn ngoại vào lĩnh vực này ở Việt Nam thời gian qua.

Trong khi chính sách Việt Nam tăng cường thu hút vốn ngoại vào bất động sản nhưng bản chất vấn đề lại nằm ở chỗ vốn trong nước chảy ra nước ngoài nhiều hơn

“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lại chạy dự án, bán dự án đó lại cho doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp trong nước huy động tiền của người dân sau đó xây dở dang và bán lại cho nhau còn nhà đầu tư nước ngoài ôm cục tiền chạy ra ngoài”, chuyên gia này khẳng định.

Theo vị chuyên gia này, thực trạng trên tức là đầu tư nước ngoài chuyển từ mục đích thu hút vốn của nước ngoài trở thành việc Việt Nam cung cấp tiền cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua lĩnh vực bất động sản.

“Bản chất không còn là FDI mà là vốn đầu tư gián tiếp (DFI), tức là mình đã ít tiền còn bị chảy ra thông qua bất động sản bằng những thủ thuật vô cùng tinh xảo”, vị chuyên gia này khẳng định.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong cuộc chơi toàn cầu, còn có nhiều vấn đề trong mối tương quan giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.

“Các doanh nghiệp trong nước liệu có làm giá được với nhà đầu tư nước ngoài hay chỉ làm giá được với người tiêu dùng trong nước”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn khác, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, quan điểm trên có phần thực tế, tuy nhiên vấn đề này còn phải tranh luận nhiều.

Theo ông Nam, chính sách FDI của Việt Nam hiện có 2 mục tiêu chính. Đó là chúng ta huy động được nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào và hiện đang có phong trào, sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực để thu hút đầu tư nước ngoài càng nhiều càng tốt.

Thứ hai, thông qua việc thu hút vốn FDI, chúng ta tiếp thu được công nghệ, tiếp thu được quản lý, kinh nghiệm….

Theo phân tích của ông Nam, ở các lĩnh vực khác như đầu tư lĩnh vực công nghiệp như sản xuất ô tô chẳng hạn. Doanh nghiệp phải bỏ tiền ra xây dựng nhà máy, nhập phụ tùng gần như là toàn bộ nguồn vốn chủ yếu từ nước ngoài sau đó sản xuất ra mới đem bán được.

Nhưng đối với lĩnh vực bất động sản lại có chính sách cho phép bán tài sản hình thành trong tương lai, do đó chủ đầu tư có thể huy động vốn từ người dân, khách hàng thậm chí vay tiền từ ngân hàng trong nước.

Do vậy, theo ông Nam, trước đây Luật Kinh doanh bất động sản cho một chính sách đồng đều là các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản được huy động vốn tối đa 70%  từ người dân.

Cũng theo thông tin từ ông Nam, hiện đã có quy định nhà đầu tư nước ngoài huy động vốn nội địa thấp hơn nhà đầu tư trong nước chưa kể còn rút bán lại mặc dù không nhiều vì đa phần nhà đầu tư trong nước không làm được phải bị thu hồi.

“Gọi đầu tư để mang vốn vào chứ không thể huy động vốn trong nước như thế là không đúng. Còn đối với các dự án được kinh doanh, nếu không kinh doanh nhà nước sẽ thu hồi là chính không được chuyển nhượng”, ông Nam khẳng định.

Mặt khác, vị lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho rằng, trường hợp chuyển nhượng theo hình thức bán công ty, công ty chỉ thành lập để bán đang là sự lách luật nhưng không thuộc phạm trù của Bộ Xây dựng mà là vấn đề của bộ ngành khác.

Về vốn pháp định theo luật cũ là 6 tỷ đồng, số vốn này thực tế không cao, cho nên đã xảy ra thực trạng ai cũng đi kinh doanh bất động sản.

Ông Nam phân tích: “Với vốn pháp định chỉ 6 tỷ đồng, tôi nói là một ô tô BMW 4 tỷ cộng máy tính văn phòng thuê, máy phô tô đã đủ 6 tỷ, ai cũng kinh doanh được bất động sản”.

Do đó, theo ông Nam, vừa qua trong dự thảo mới của Bộ Xây dựng, mục tiêu nâng vốn pháp định lên 50 tỷ đồng là muốn loại bớt những tay chơi nghiệp dư bằng cách đưa vốn pháp định lên cao.  

Tuy nhiên, trong bất động sản còn những lĩnh vực khác như dịch vụ và các lĩnh vực tư vấn, thậm chí có những doanh nghiệp mua bán lại căn hộ nên việc giảm vốn pháp định tối thiểu xuống 20 tỷ đồng, ông Nam cho biết thêm.

Theo Vũ Minh

thanhhien

Diễn đàn đầu tư

Trở lên trên