MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ký bảo lãnh ngân hàng bảo vệ người mua nhà: Không ai áp đặt ai

16-06-2015 - 14:20 PM | Bất động sản

Quy định chủ đầu tư có ngân hàng bảo lãnh nếu muốn bán nhà hình thành trong tương lai tạo thêm “sức nóng” cho thị trường bất động sản, nơi mà người mua lâu nay vẫn thấp thỏm vì cam kết tiến độ của chủ đầu tư.

Tóm tắt

- Ở đây là câu chuyện chủ đầu tư phải đóng một khoản phí để tổ chức tín dụng đứng ra cam kết đảm bảo cho giao dịch thành công, nó giống như hoạt động mở chứng thư đảm bảo (L/C) trong hoạt động thương mại. Quy định này sẽ kích thích người dân mua nhà nhiều hơn, tạo thanh khoản cao và thị trường sẽ nóng hơn.

- Một khi đã chọn được một dự án đã được ký kết bảo lãnh, chứng tỏ dự án đó đã đạt được các chuẩn mực và tiềm năng phát triển nào đấy. Như vậy, khách hàng có thể an tâm về việc họ không chịu bất kỳ rủi ro nào từ dự án đó.

- Một vài ngân hàng cho biết hiện nay, do chiến lược cạnh tranh của mỗi ngân hàng khác nhau, nên phần trăm phí bảo lãnh vẫn không được tiết lộ.


Đi trước một bước

Cụ thể, Điều 56 của Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) quy định, chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Trường hợp không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì ngân hàng bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

Ở đây là câu chuyện chủ đầu tư phải đóng một khoản phí để tổ chức tín dụng đứng ra cam kết đảm bảo cho giao dịch thành công, nó giống như hoạt động mở chứng thư đảm bảo (L/C) trong hoạt động thương mại. Quy định này sẽ kích thích người dân mua nhà nhiều hơn, tạo thanh khoản cao và thị trường sẽ nóng hơn. Đây sẽ là một công cụ giúp bảo vệ người mua nhà tốt hơn so với trước đây. ”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cho biết.

Còn đúng nửa tháng nữa (1/7/2015) trước khi quy định này có hiệu lực, một số chủ dự án tại Tp. HCM đã bắt đầu áp dụng bằng việc ký kết bảo lãnh với nhiều ngân hàng thương mại.

“Lên tiếng” đầu tiên là Tập đoàn Novaland đã ký kết với ngân hàng VPBank cam kết bảo lãnh cho người mua 4 dự án nhà ở do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư. Một số dự án cao cấp khác tại phường Thảo Điền (quận 2) và quận Bình Thạnh cũng thực hiện hình thức bảo lãnh này.

Tiếp theo đó, ngày 14/6, công ty Sacomreal đã ký kết hợp tác với các ngân hàng OCB, ACB, HDB thực hiện  bảo lãnh cho tất cả các sản phẩm do Sacomreal đầu tư. Ngoài ra, trong từng dự án mang thương hiệu Sacomreal sẽ có những ngân hàng đối tác uy tín khác tham gia bảo lãnh.

Cụ thể, tại lễ ký kết ngân hàng bảo lãnh cho người mua bất động sản, ngân hàng OCB đã ký cam kết thực hiện bảo lãnh cho các sản phẩm thuộc dự án Jamona City ở quận 7. Ngân hàng ACB ký cam kết sẽ thực hiện bảo lãnh cho các sản phẩm thuộc dự án Jamona Reverside (quận 7), sẽ được công bố ra thị trường vào quý 3/2015. Ngân hàng HDB ký cam kết thực hiện bảo lãnh cho các sản phẩm thuộc dự án Carillon 3 quận Tân Bình, sẽ được công bố ra thị trường vào quý 3/2015.

Theo tiết lộ của ngân hàng ACB, trước thời điểm ngày 1/7 ngân hàng này sẽ hợp tác với một số đối tác khác cùng thực hiện ký bảo lãnh dự án cho người mua nhà của nhiều chủ đầu tư có tên tuổi trên địa bàn Tp.HCM.

Quy trình giám sát chặt chẽ

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, cho rằng quy định này giúp tránh được viễn cảnh kiện tụng, tranh chấp triền miên khi người mua đã ký hợp đồng góp vốn mua nhà hình thành trong tương lai nhưng rất nhiều chủ đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ. Ngoài ra, quá trình thanh lọc những nhà phát triển bất động sản “tay không bắt giặc” sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Đồng thời tăng tính minh bạch cho thị trường, thanh khoản sẽ tăng lên khi người dân mua nhà ngày một nhiều vì quyền lợi của mình được đảm bảo.

Cùng quan điểm trên, ông Huỳnh Trung Minh, Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân, ngân hàng HDBank, cho biết đối với các ngân hàng khâu lựa chọn đối tác để đầu tư là hết sức quan trọng và mất nhiều thời gian. Một khi đã chọn được một doanh nghiệp BĐS để ký kết bảo lãnh, chứng tỏ dự án đó đã đạt được các chuẩn mực và tiềm năng phát triển nào đấy. Như vậy, khách hàng có thể an tâm về việc họ không chịu bất kỳ rủi ro nào từ dự án đó.

“Thị trường đang ấm lên thấy rõ, khách hàng có nhiều lựa chọn, ngân hàng cũng đang rất cần đối tác do vậy việc ký bảo lãnh ngân hàng luôn hướng đến mục tiêu làm cho khách hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Hoàn toàn không có chuyện ai áp đặt ai trong việc hợp tác này, hoặc là có thỏa thuận ngầm nào đấy”, ông Minh nói.

Khi được hỏi về mức phí bảo lãnh này liệu có làm giá nhà tăng lên trong thời gian tới hay không, một vài ngân hàng cho biết hiện nay, do chiến lược cạnh tranh của mỗi ngân hàng khác nhau, nên phần trăm phí bảo lãnh vẫn không được tiết lộ.

Tuy nhiên, mức phí đều phải mang tính cạnh tranh, chứ không có sự áp đặt từ một ngân hàng lên ngân hàng khác khi cùng tham gia bảo lãnh cho một chủ đầu tư. Ngoài ra, khi một dự án được tung ra thị trường, doanh nghiệp đã tính toán mọi chi phí đầu tư để cho ra một giá thành cuối cùng, do vậy chi phí bảo lãnh này không làm tăng giá bán trong thời gian tới.

Ông Ngô Tấn Long, Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn Ngân hàng ACB, nhận định đây là một dịch vụ trọn gói, vì vậy mức phí sẽ có nhiều ưu đãi hơn so với các loại phát hành bảo lãnh thông thường khác.

"Phía ngân hàng chắc chắc có lợi vì thu thêm phí bảo lãnh. Nhưng trách nhiệm thì vô cùng lớn, vì không chỉ cho vay để đầu tư dự án mà nay còn bảo lãnh cả người mua nhà. Do vậy, chúng tôi phải đi rất sát cùng chủ đầu tư để dự án được triển khai đúng cam kết", ông Long nói.

Còn về việc có hay không chuyện ngân hàng và chủ đầu tư “bắt tay nhau” thông qua hợp đồng bảo lãnh, ông Minh khẳng định rằng hiện nay cạnh tranh về dịch vụ ngân hàng đang diễn ra khá gay gắt, do đó chuyện chủ đầu tư bắt tay hoặc thông đồng với ngân hàng rất khó xảy ra vì ngân hàng sẽ là đối tượng bị tác hại đến uy tín lớn nhất lâu dài. Trong khi đó, chủ đầu có thể mất uy tín với một dự án nào đấy. Vì vậy, phía ngân hàng không muốn tự rước lấy rủi ro vào mình.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên