MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỗi năm TP.HCM cần 1 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng giao thông

12-10-2015 - 08:33 AM | Bất động sản

Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Tp.HCM ngày càng tăng nhanh mà ngân sách Nhà nước có giới hạn, thì mô hình hợp tác công - tư (PPP) sẽ là một đòn bẩy huy động vốn cho thành phố trong giai đoạn tới.

Tóm tắt

Theo ước tính của Sở Giao thông vận tải Tp. HCM, để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông đô thị mỗi năm thành phố cần phải đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Nguồn kinh phí này quá lớn, do vậy việc đánh giá các phương thức tạo vốn đang thực hiện và đề xuất những phương thức mới có thể áp dụng là điều cần thiết cho sự phát triển đô thị thành phố hiện nay.


Đó là những ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Về giải pháp huy động vốn xã hội hóa cho các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật của thành phố”, do Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Tp.HCM (HFIC) tổ chức.

Được biết, trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, HFIC đã hợp tác với nhiều tổ chức tín dụng uy tín trong và ngoài nước như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… để đồng tài trợ nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn Thành phố với tổng mức huy động, cam kết cho vay và đồng tài trợ của các tổ chức này cho HFIC là 9.026 tỷ đồng.

Đó là các dự án như: Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, Cầu Sài Gòn II, cảng Tân Cảng–Hiệp Phước, Nhà máy nước BOO Thủ Đức, nhà máy nước Kênh Đông, dự án đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ…

Theo ước tính của Sở Giao thông vận tải Tp. HCM, để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông đô thị mỗi năm thành phố cần phải đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Nguồn kinh phí này quá lớn, do vậy việc đánh giá các phương thức tạo vốn đang thực hiện và đề xuất những phương thức mới có thể áp dụng là điều cần thiết cho sự phát triển đô thị thành phố hiện nay.

Trong khi đó, nhiều năm qua nguồn cho vay vốn viện trợ chính thức (ODA) từ bên ngoài của Tp. HCM rất hạn chế, phải thực hiện theo quy định của Việt Nam, đồng thời phải tuân thủ theo các điều kiện của tổ chức cho vay nên có những điều khoản của nhà tài trợ khác biệt với quy định về xây dựng cơ bản trong nước làm phát sinh những thủ tục pháp lý. Các nhà thầu thường do nhà tài trợ chỉ định nên không có lợi cho các nhà thầu Việt Nam, việc này đã dẫn đến hiện tượng là nhà thầu trong nước mạnh về tài chính, công nghệ nhưng vẫn nhìn “người ngoài” thực hiện dự án.

Một khó khăn lớn khác đang tồn tại đã làm cho việc áp dụng mô hình PPP tại thành phố không thành công, là công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư đều kéo dài, chưa thực hiện đồng bộ. Bởi vì, các nhà đầu tư nước ngoài luôn muốn sớm được giao đất sạch để triển khai dự án trong khi vốn ngân sách cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng lại không được bố trí kịp thời.

Đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, cho thấy mô hình PPP là một kênh kêu gọi đầu tư rất mới nhưng sẽ mang lại cho thành phố nhiều kinh nghiệm trong việc nâng cao năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả thực hiện dự án, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đồng thời hài hòa lợi ích cho cả 3 đối tượng là nhà nước (quản lý dịch vụ), doanh nghiệp (cung cấp dịch vụ) và người dân (thụ hưởng dịch vụ).

Trước mắt, để mô hình này được hoạt động một cách “trơn tru” và hiệu quả để tạo tiền đề về sau, thành phố cần tập trung hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia dự án hình thức PPP. Đồng thời, tùy vào từng tình huống và thời điểm cụ thể, các sở, ngành liên quan của thành phố sẽ ngồi lại với doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, trượt giá, hoàn vốn...

Ngoài việc thí điểm mô hình PPP cho các dự án hà tầng giao thông, theo một số nhà đầu tư, Tp. HCM trong tương lai cũng cần chú trọng kêu gọi tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; dự án cải tạo chỉnh trang các khu nhà hiện có; các khu đô thị mới; các dự án có mục đích sử dụng đa chức năng hoặc đầu tư theo các chỉ đạo cụ thể của UBND thành phố.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên