MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Lê Hoàng Châu: Doanh nghiệp BĐS đã có đủ điều kiện để vượt khó

14-05-2015 - 07:55 AM | Bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng, nhiều vấn đề của thị trường bất động sản tuy chưa phải đã được giải quyết tận gốc nhưng những điều đạt được ban đầu về mặt chính sách, sự sôi động của thị trường, lòng tin của người dân đã bắt đầu quay trở lại.

Tóm tắt:

 

- Hai bộ luật quan trọng có hiệu lực thi hành vào tháng 7/2015 tới, sẽ là chính sách có ảnh hưởng lớn đến thị trường.

- Các quy định buộc doanh nghiệp phải ký quỹ đầu tư dự án và có thể bị “mất trắng” nếu làm ăn làn nhàn, chây ỳ. Việc này góp phần loại bỏ những anh “tay không bắt giặt”, giúp thị trường minh bạch hóa hơn.

- Cơ chế chính sách cho bất động sản đang được điều chỉnh theo hướng gọn hơn, cởi mở hơn. 

- Nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, lạm phát được kìm chế, niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng đã trở lại tạo điều kiện cơ bản để các doanh nghiệp thành lập mới, tìm kiếm cơ hội kinh doanh.


Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS là những điều mà thị trường đang mong đợi. Các khuôn khổ pháp lý này sẽ tác động như thế nào đến thị trường BĐS trong giai đoạn tiếp theo?

Ông Lê Hoàng Châu: Có thể nói 2015 là năm mà thị trường BĐS đón nhận hàng loạt tin vui từ các bộ luật, nghị định mới được ban hành và sắp có hiệu lực thi hành. Đáng chú ý là hai bộ luật quan trọng trên sẽ có hiệu lực thi hành vào tháng 7/2015 tới, sẽ là chính sách ảnh hưởng lớn tới thị trường.

Điểm nhấn là, Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài được mua nhà ở thương mại với thời hạn 50 năm tại Việt Nam, được xem là một cơ hội “mở” rất lớn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường. Bên cạnh đó, việc tăng cường quản lý nhà nước đối với quy hoạch, kế hoạch phát triển BĐS và hoạt động của các doanh nghiệp BĐS, sẽ tạo cơ sở đảm bảo sự cân đối chung trong việc phát triển thị trường gắn với quá trình phát triển chung của nền kinh tế chúng ta, nâng cao tính minh bạch, tính khả thi của thị trường.

Song song đó, cùng với các chính sách hỗ trợ tín dụng với sự sẵn sang tham gia của nhiều ngân hàng thương mại sẽ giúp người dân mua nhà dễ dàng hơn… nhất định sẽ tác động mạnh đến cung – cầu và tính thanh khoản của thị trường BĐS trong tương lai.

Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn tình trạng làm ăn khá bát nháo của một số lượng không nhỏ doanh nghiệp “tay không bắt giặt”.  Ông nghĩ trong thời gian tới chuyện này sẽ chấm dứt phần nào?

Thị trường BĐS thời gian qua có xảy ra một số hiện tượng tranh chấp, bán nhà trên giấy, lập dự án nhưng không triển khai, đảm bảo giấy tờ theo đúng cam kết với khách hàng, năng lực yếu kém, làm ảnh hưởng đến thị trường chung. Tuy nhiên, với sự ra đời của các Luật mới, những trường hợp tương tự sẽ khó có thể xảy ra bởi nhiều quy định ràng buộc đối với chủ đầu tư cũng như bảo vệ người mua nhà một cách tuyệt đối.

Cụ thể, Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS 2014 có quy định rõ chủ đầu tư phải thực hiện bảo lãnh đối với tất cả các khách hàng về nghĩa vụ tài chính khi phát sinh giao dịch giữa 2 bên thông qua chứng thư bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy, chủ đầu tư sẽ rất có “lật kèo”, cầm tiền mà không giao bán sản phẩm đúng cam kết vì tiền đã đã được “cắm” tại ngân hàng, chỉ khi nào thực hiện xong nghĩa vụ số tiền đó mới thực sự về tay người bán.

Hơn nữa, cũng có các quy định buộc doanh nghiệp phải ký quỹ đầu tư dự án và có thể bị “mất trắng” nếu làm ăn làn nhàn, chây ỳ. Việc này góp phần loại bỏ những anh “tay không bắt giặt”, giúp thị trường minh bạch hóa hơn.

Tại hội thảo bất động sản năm 2015 mới đây, nhiều ý kiến cho rằng điểm yếu nhất của thị trường hiện nay là quy trình để có thể có quyền sử dụng đất? Ông có thể nói gì về điều này?

Đây là vấn đề mà chúng ta không thể kỳ vọng vào ngày một ngày hai có thể giải quyết được. Tình hình này xảy ra đã lâu, đã kéo dài triền miên, mà cũng tương đối trầm trọng, không chỉ đối với doanh nghiệp nước ngoài mà còn với tất cả doanh nghiệp trong nước. Trong lĩnh vực BĐS, thủ tục hành chính đã và đang làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng chi phí kinh doanh, làm nản lòng các nhà đầu tư…

Như tôi đã nói, cơ chế chính sách đang được điều chỉnh theo hướng gọn hơn, cởi mở hơn.  Tuy nhiên, việc thực thi mới là quan trọng! Chính phủ thì cải cách nhưng chính quyền địa phương lại tự ý đặt ra những quy định nằm ngoài quy định chung. “Vua thì ở xa, ban nha thì ở gần” là câu nói mà mọi doanh nghiệp BĐS đều thuộc khi nói về thực trạng này. Nói thế không phải là chúng ta chấp nhận, nhưng bằng sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và từ những góp ý của hiệp hội đã được các cấp lắng nghe, tình hình này phần nào đã được cải thiện.

Ông có thể cho biết lý do vì sao chỉ trong vòng 3 tháng qua, lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới tăng nhanh một cách bất thường?

Hiện nay cũng có nhiều ý kiến cho rằng số lượng doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp BĐS nói riêng gia tăng đến 50% trong quý I-2015 là nhằm “né” chính sách. Bởi vì, sắp tới quy định mới về vốn thành lập doanh nghiệp BĐS tối thiểu là 20 tỷ sắp có hiệu lực. Tuy nhiên thực tế không hẳn như vậy.

Trước tiên, nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, lạm phát được kìm chế, niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng đã trở lại tạo điều kiện cơ bản để các doanh nghiệp thành lập mới, tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Đồng thời, cùng với sự “cởi mở” của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... quy định rõ ràng về vấn đề thành lập, giải thể, phá sản DN tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp có thể tham gia hoặc rút lui khỏi thị trường một cách thuận lợi.

Ngoài ra, quy luật phát triển đối với thị trường BĐS sau thời gian dài đóng băng, giá cả xuống đáy đã đang có dấu hiệu nhích dần lên, tạo cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, với sự nhanh nhạy, nắm bắt để tham gia của nhiều doanh nghiệp sẽ giúp thị trường trở nên sôi động, cạnh tranh tạo thêm nhiều sản phẩm tốt cho người tiêu dùng.

Đăng Khải

CTV - Minh Tú

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên