MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội "nóng" với vấn đề giao khoán trắng đất nông, lâm trường

10-11-2015 - 11:50 AM | Bất động sản

Sáng ngày 11/10, Quốc hội đã có buổi thảo luận về Báo cáo giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014.

Tóm tắt

Nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc.


Tại buổi thảo luận đa số các đại biểu tán thành cơ bản với Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014 và thống nhất cao việc Quốc hội ban hành nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức khác có nguồn gốc đất đai từ nông trường, lâm trường quốc doanh.

Vấn đề việc giao đất của các nông, lâm trường có nhiều sai phạm được các đại biểu đề cập đến. Đại biểu Cao Thị Xuân - Tỉnh Thanh Hóa cho hay các nông lâm trường giao đất xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật như giao khoán đất nông, lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp.

"Nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc", đại biểu Xuân cho biết.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Hải - tỉnh Nghệ An: "Vấn đề mâu thuẫn, xung đột đất đai của người dân và các công ty nông lâm nghiệp đang xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân do người dân thiếu đất sản xuất, các công ty nông lâm nghiệp lại để đất hoang hóa nhiều. Mâu thuẫn đất đai ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, giảm cơ hội sản xuất kinh doanh".

Trước vấn đề này, đại biểu tỉnh Nghệ An đề xuất giải pháp quy hoạch đất đai cho các công ty nông, lâm nghiệp phải hài hòa tránh bất hợp lý, bên cạnh đó tăng cường quản lý nhà nước về đất đai nói chung, định kỳ thanh tra kiểm tra các trường hợp sai phạm. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch diện tích quản lý, sử dụng đất tai các nông, lâm trường.

Đại biểu Bùi Thị An - Hà Nội cũng kiến nghị: "Cần rà soát đánh giá lại 3-6 tháng một lần toàn bô các công ty đã được giao đất, thông qua các chuyên gia đánh giá độc lập về năng lực quản lý của các nông, lâm trường. Sau khi đánh giá xong, sẽ có quyết định giao. Giao cho các công ty khai thác rừng theo hướng bền vững, không theo hướng triệt hạ".

Đại biểu Trương Văn Vở - Đồng Nai cũng góp ý về vấn đề quản lý sử dụng đất nông, lâm nghiệp: "Trước những tồn tại trong việc sử dụng đất nông, lâm trường đang còn yếu kém tôi đề nghị cần siết chặt quản lý để không xảy ra tranh chấp. Nếu việc quản lý đất đai không rõ ràng xảy ra tình trạng khoán trắng, sử dụng sai mục đích. Hiện nay phải xem nông, lâm trường là kinh tế chủ lực của nhà nước, nhiều mô hình của tập đoàn cao su Việt Nam, mô hình Công ty cà phê Việt Nam đã đóng góp vào nguồn thu ngân sách".

Về vấn đề cấp giấy chứng nhận cho các nông, lâm trường quốc doanh nhiều đại biểu cho rằng còn chậm, đến nay còn 43,5% số đơn vị với 54,2% diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra nhiều nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước khi được sắp xếp lại theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, sau khi sắp xếp lại đã chuyển đổi loại hình tổ chức, thay đổi chế độ sử dụng và thu hẹp quy mô đất đai, nhưng chưa làm thủ tục điều chỉnh hoặc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số nông, lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây có diện tích cấp lớn hơn diện tích hiện nay đang quản lý, sử dụng, do hồ sơ giao đất không sát thực tế (giao chồng lấn vào diện tích đất của dân đang sử dụng).

Về vấn đề này đại biểu Phương Thị Thanh - Bắc Cạn có ý kiến: "Đề nghị Chính phủ cho kinh phí để các tỉnh để đo đạc, cấp giấy chứng nhận cho các nông, lâm trường".

Việc quản lý sử dụng rừng phòng hộ cũng được nhiều đại biểu nhắc tới, Đại biểu Trần Minh Diệu - tỉnh Quảng Bình cho biết: "Hàng trăm ngàn ha rừng phòng hộ đang chuyển thành rừng sản xuất sẽ gây ra hậu quả khôn lường, nguyên dân dễ xảy ra lũ lụt, hạn hán ngày càng tăng. Dự thảo nghị quyết cần chuyển theo hướng hạn chế tối đa chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng kinh tế".

Để giải quyết tình trạng rừng phòng hộ vừa có chức năng phòng hộ vừa có thể là rừng kinh tế, đại biểu Phạm Thị Mỹ Lê – Bình Phước nêu ý kiến: "Việc quản lý đất nông, lâm trường hiện đã có những chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều tồn tại, diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện nay đang bị thu hẹp. Để khắc phục tình trạng trên, nên chọn loại cây trồng rừng phù hợp. Tôi đề nghị đưa cây điều vào trong cây được trồng rừng. Cây điều có tuổi thọ cao, có tác dụng giữ đất, chống xoáy mòn nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế".

Thanh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên