MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM: Giải pháp nào để người dân mua được nhà ở xã hội?

24-12-2015 - 09:22 AM | Bất động sản

Theo tính toán, việc chi trả ban đầu cho một căn nhà xã hội là 20% tổng số tiền căn hộ, còn lại sẽ được trả dần cả lãi lẫn gốc. Trung bình mỗi tháng người dân phải trả từ 4,5 – 7,5 triệu đồng để sở hữu một căn hộ. Muốn vậy, thu nhập của gia đình phải gấp đôi hoặc gấp 3 mức chi trả trên mới đủ điều kiện để mua nhà.

Tóm tắt

Bên cạnh nguồn cung còn hạn chế thì với mức chi trả hàng tháng để sở hữu một căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội có phần khó khăn so với năng lực tài chính của người thu nhập thấp. Đó là những nguyên nhân chính mà người thu nhập thấp không có nhà...


Giai đoạn 2011 – 2015, TP. HCM đã phát triển thêm khoảng hơn 39 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt hơn 17m2/người. Theo đó, thành phố đã hoàn thành 15 dự án nhà ở xã hội, quy mô 2.442 căn nhà ở xã hội, tổng diện tích sàn xây dựng đạt 228.231m2. Riêng 3 năm trở lại đây có 13 dự án nhà ở xã hội với tổng cộng 6.055 căn hộ, trong đó 6 dự án thực hiện từ nguồn vốn ngân sách với 934 căn hộ và 7 dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách với 5.121 căn hộ.

Theo đánh giá của các sở ngành thành phố, giai đoạn 2011 – 2015, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn do điều kiện nguồn vốn ngân sách thành phố rất hạn hẹp nên chưa thể bố trí vốn trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

“Bên cạnh nguồn cung còn hạn chế thì với mức chi trả hàng tháng để sở hữu một căn hộ thuộc các dự án nhà ở xã hội có phần khó khăn so với năng lực tài chính của người thu nhập thấp. Đó là những nguyên nhân chính mà người thu nhập thấp không có nhà”, ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng Tp. HCM khẳng định.

Ông Trần Trọng Tuấn lý giải, nhà ở xã hội của thành phố phát triển không tương xứng với nhu cầu nhà ở của người dân vì lượng người có nhu cầu nhà ở là rất lớn. Ngoài ra, người thu nhập thấp cũng khó tiếp với nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng Tp. HCM cho biết, để tạo quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, thành phố đã chủ động thực hiện 2 phương thức. Thứ nhất, hoán đổi giá trị quyền sử dụng đất để đổi quỹ nhà. Thành phố không sử dụng vốn ngân sách để đầu tư nhà ở xã hội, chủ đầu tư tự ứng vốn xây dựng. Theo đó, các chủ đầu tư được quyền sử dụng đất khi đất do nhà nước trực tiếp quản lý, bằng giá trị quyền sử dụng với diện tích dự án nhà ở xã hội đã và đang đầu tư. Sau khi đầu tư xây dựng xong chủ đầu tư giao lại cho nhà nước quỹ nhà ở xã hội tương đương giá trị quyền sử dụng đất hóa đổi theo giá thị trường.

Thứ hai là chuyển đổi nhà ở tái định cư sang làm nhà ở xã hội nhằm tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu đang cao hiện nay. Kết hợp với đó, thành phố sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ vay tiền mua nhà với lãi suất ưu đãi.

Một giải pháp để tạo quỹ đất cho nhà ở xã hội mà Sở Xây dựng đang tính đến là đề nghị thành phố ưu tiên sử dụng vốn ngân sách để di dời giải phóng mặt bằng các quỹ đất khoảng 200-300ha có quy hoạch chưa phải là đất ở nhưng vị trí gần nhà ga các tuyến metro để tạo quỹ đất sạch, sau đó mới điều chỉnh quy hoạch với chức năng để phát triển nhà ở xã hội.

Để tăng nguồn cung và phát triển các dự án nhà ở xã hội phù hợp hơn với nhu cầu của người dân Sở Xây dựng cho rằng, cần sớm lập quy hoạch phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, triển khai đầu tư một cách đa dạng các loại hình nhà ở xã hội để bán và nhà ở xã hội cho thuê để phù hợp hơn với khả năng chi trả của người dân.

Song song đó, thành phố sẽ thực hiện các quy định đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội và công khai, minh bạch trong việc tiếp cận nhà ở trong các dự án nhà ở xã hội. Tránh tình trạng những người không thuộc dạng mua nhà ở xã hội lợi dụng mua để đầu cơ, còn người thu nhập thấp vẫn không hưởng được chính sách nhà ở.

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên