MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM: “Nóng” chuyện 2% phí bảo trì chung cư bị chiếm dụng

28-07-2015 - 11:15 AM | Bất động sản

Sáng nay 28-7, kỳ họp thứ 18 HĐND Tp.HCM khóa VIII đã khai mạc. Ngoài một số vấn đề về tình hình phát triển kinh tế-xã hội thành phố trong 6 tháng qua, chuyện nhiều chủ đầu tư đang chiếm dụng 2% phí bảo trì chung cư và dự án đem thế chấp ngân hàng đặc biệt được quan tâm.

Tóm tắt

- Song song với đó, các quỹ đầu tư nước ngoài đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Tp.HCM, do vậy thị trường nhà ở cũng sẽ thu hút một lượng lớn vốn khi họ hợp tác với các doanh nghiệp trong nước mua lại dự án hay bắt tay xây dựng mới lại để gia nhập thị trường.

- Trong đợt tiếp xúc cử tri toàn thành phố trước thềm kỳ họp này, đa số các ý kiến đều tập trung vào vấn đề cần có những biện pháp chế tài thật mạnh để chấp dứt tình trạng các chủ đầu tư dự án dây dưa trong việc giải quyết 2% tiền bảo trì nhà chung cư theo quy định.


Tồn kho BĐS giảm mạnh

Theo báo cáo của UBND Tp.HCM, tính đến hết tháng 6/2015, trên thị trường Tp.HCM các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã bán được 8.501/14.490 căn hộ tồn kho, chiếm tỷ lệ 58,67%. Đồng thời, có 11 dự án được "chia nhỏ" căn hộ, với quy mô 6.184 căn hộ, tăng lên từ 1.626 thành 7.810 căn hộ.

Trong bối cảnh thị trường BĐS đang phục hồi mạnh, nhiều chính sách hỗ trợ tốt vừa có hiệu lực sẽ giúp cho con số hàng tồn kho này tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm. Trong đó, kỳ vọng lớn nhất vẫn là lượng khách mua nhà là Việt kiều vì luật đã cho phép người nước ngoài sở hữu nhà dài hạn tại Việt Nam.

Song song với đó, các quỹ đầu tư nước ngoài đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Tp.HCM, do vậy thị trường nhà ở cũng sẽ thu hút một lượng lớn vốn khi họ hợp tác với các doanh nghiệp trong nước mua lại dự án hay bắt tay xây dựng mới lại các dự án danh dở để gia nhập thị trường.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết thêm lũy kế đến ngày 15/5/2015, hạn mức cho vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đạt 3.004,77 tỷ đồng, cho 3.974 khách hàng vay. Trong đó, 703 tỷ đồng dành cho 3 doanh nghiệp và gần 2,3 nghìn tỷ đồng cho 3.972 cá nhân vay. Đến nay, tốc độ giải ngân đạt 1.668,51 tỷ đồng.

Ngoài ra, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tính đến ngày 31/5 có 4.176 khách hàng đã được các ngân hàng thương mại cam kết cho vay, tổng số tiền là 3,1 nghìn tỷ đồng. Doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình là 1,7 nghìn tỷ đồng, dư nợ hiện tại là trên 1,6 nghìn tỷ đồng, với 3.860 khách hàng.

Dành đất cho nhà ở xã hội

Theo số liệu từ Sở Xây dựng Tp.HCM, với thêm hơn 8,3 triệu m² nhà ở được hình thành trong năm 2014, lũy kế từ năm 2011 đến nay, Tp.HCM đã phát triển được 32,8 triệu m² sàn xây dựng nhà ở, đạt 84% so chỉ tiêu 39 triệu m² theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX.

Cụ thể, thành phố đã phát triển gần 29.500 căn chung cư thương mại (400 căn hộ hạng sang và 8.300 căn hộ cao cấp, gần 8.100 căn hộ trung cấp và 12.617 căn hộ bình dân); di dời, tháo dỡ, cải tạo, xây dựng mới và thay thế được hơn 320.000m² sàn chung cư cũ; hoàn thành 20 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 6.000 căn với 379.000m² sàn xây dựng…

Trong 6 tháng qua, thành phố đã khởi công 1 dự án nhà ở xã hội có quy mô 168 căn hộ, xem xét công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư 3 dự án nhà ở xã hội mới. Hiện, thành phố đang hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện thêm 8 dự án nhà ở xã hội khác trong thời gian tới.  Tính đến hết quý 2/2015, các chủ đầu tư đã bán được 745 căn nhà ở xã hội có nguồn vốn ngoài ngân sách, đã cho thuê, thuê mua 341 căn hộ thuộc sở hữu nhà nước.

Thành phố cũng đã cho phép chuyển đổi 1 dự án tại Hóc Môn từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tính đến nay, đã có 9 dự án đủ điều kiện, với quy mô 4.024 căn hộ được phép chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

Theo các đại biểu HĐND, với xu hướng trở thành một siêu đô thị trong tương lai, Tp.HCM đang phải đối mặt với việc “nở” các khu đô thị, khu dân cư. Do đó, giải pháp thiết kế đô thị đảm bảo được hài hòa nhu cầu ở của người dân trong và ngoài thành phố phải được tính trước một bước, nếu không thành phố sẽ là một đô thị lớn bị “nén” chặt.

Cần phong tỏa tài khoản chủ đầu tư

Ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.HCM, cho rằng trong đợt tiếp xúc cử tri toàn thành phố trước thềm kỳ họp này, đa số các ý kiến đều tập trung vào vấn đề cần có những biện pháp chế tài thật mạnh để chấp dứt tình trạng các chủ đầu tư dự án day dưa trong việc giải quyết 2% tiền bảo trì nhà chung cư, theo quy định.

“Bên cạnh đó, người dân sống hàng chục năm trời trong chính căn hộ mình mua mà không khác gì đi ở nhà thuê vì không cầm được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Nhiều chủ đầu tư đã cầm cố dự án trong ngân hàng thương mại để có vốn đầu tư. Thành phố cần phải có biện pháp xử lý thật nghiêm những trường hợp này nhằm ổn định đời sống người dân”, ông Năng phát biểu.

Theo quy định tại Luật Nhà ở, chủ đầu tư có trách nhiệm tạm lập tài khoản để quản lý kinh phí khi chưa thành lập được Ban quản trị nhà chung cư. Quy định là vậy, nhưng hầu như tại các chung cư khi đưa vào hoạt động, người dân hay phản ánh chủ đầu tư luôn tìm mọi cách chiếm dụng khoản tiền này. Thậm chí, một số chủ đầu tư thu xong sử dụng sai mục đích, đem số tiền đó đi đầu tư vào mục đích khác, gây bức xúc rất lớn cho dân cư.

Một số đại biểu HĐND cho rằng thành phố không phải là không có quy định chặt chẽ để buộc các chủ đầu tư dự án phải thực hiện nghĩa vụ này, tuy nhiên do việc phối hợp thanh kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng thiếu đồng bộ, dẫn đến việc chúng ta cứ mãi loay hoay với những bức xúc, khiếu kiện này liên tục.

Một đại biểu khẳng định thêm thành phố phải tính đến chuyện cho phong tỏa tài khoản của những chủ đầu tư chây ỳ thực hiện theo quy định. Song song đó, sau khi kiểm tra, các sở ngành liên quan phải nêu đích danh từng chủ đầu tư trên trang thông tin điện tử của mình hoặc trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Nặng hơn, thành phố cần xem xét cấm những chủ đầu tư này tham gia đấu giá, đấu thầu đầu tư các dự án có sử dụng đất trên địa bàn.


Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên