Trục lợi từ gói 30.000 tỉ đồng
Cách trục lợi khá đơn giản: một căn hộ có giá trên 1,05 tỉ đồng được tách thành hai hợp đồng để “chạy” vay ưu đãi từ gói 30.000 tỉ đồng.
- 21-01-2015Vay gói 30.000 tỉ đồng: Không khó!
- 27-08-2014Cực khó tiếp cận gói 30.000 tỉ đồng
- 03-07-2014Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Muốn khơi thông gói 30.000 tỉ đồng, phải sửa Nghị quyết 02
- 28-11-2013Đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỉ đồng
Theo quy định căn hộ phải có giá dưới 1,05 tỉ đồng mới đủ điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng, nhưng chủ đầu tư nhiều dự án đã chẻ nhỏ hợp đồng để người mua căn hộ có giá cao hơn mức này vẫn đủ điều kiện vay vốn ưu đãi.
Chiêu trò này giờ không còn là bí mật nữa, mà nhân viên môi giới công khai gọi điện thoại, gửi thư chào mời đến người mua.
“Gọt chân cho vừa giày”
Được môi giới quảng cáo mua căn hộ chung cư Triều An (đường Bùi Tư Toàn, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) có thể vay gói 30.000 tỉ đồng lãi suất 5% trong vòng 15 năm, anh Đ.T.H. đã đến xem và đồng ý mua một căn hộ ở lầu 10, rộng 76m2, trị giá gần 1,1 tỉ đồng.
Thế nhưng đến lúc ký hợp đồng, anh H. té ngửa khi chủ đầu tư là Công ty CP bất động sản Tân Phước đề nghị tách thành hai phần, hợp đồng giá 912 triệu, phần còn lại 179 triệu thu bên ngoài với một phiếu thu khác mang tên “tiền chênh lệch hệ số tầng”. Khi anh H. thắc mắc thì chủ đầu tư giải thích phải làm như vậy mới đủ điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng.
Bằng cách này anh H. đã được Ngân hàng (NH) Công thương VN (VietinBank) chi nhánh Bắc Sài Gòn cho vay 640 triệu đồng từ gói 30.000 tỉ đồng. Đó không phải là trường hợp cá biệt. Theo quy định mới hiện nay, khách hàng mua căn hộ thương mại giá dưới 1,05 tỉ đồng là đủ điều kiện vay nhưng chủ đầu tư vẫn “lập lờ” áp dụng quy định giá dưới 15 triệu đồng/m2 để buộc người dân đóng tiền chênh lệch ngoài hợp đồng.
Anh L.H.X., khách hàng mua dự án chung cư Tecco Tower Tham Lương (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM), bức xúc cho biết ban đầu chủ đầu tư giải thích thu tiền chênh lệch bên ngoài để lách vay gói 30.000 tỉ đồng nhưng thực chất chủ đầu tư lợi dụng để thu tiền chênh lệch bên ngoài.
Theo biên bản phiếu thu tiền của anh L.H.X. do sàn giao dịch bất động sản Hoàng Nam - đơn vị phân phối độc quyền dự án này - ký tên và đóng dấu có ghi rõ “thu hộ chủ đầu tư Tecco tiền chênh lệch căn hộ”, số tiền 42,2 triệu đồng.
“Do ban đầu tôi không muốn đóng khoản tiền chênh lệch bên ngoài nên người của sàn giao dịch bất động sản Hoàng Nam đã cho hai nhân viên xuống thuyết phục tận nhà. Các nhân viên này giải thích đây là chủ trương mới của chủ đầu tư và nói làm như vậy để được vay gói ưu đãi, nếu không NH sẽ làm khó”, anh X. cho biết.
Tháng 7 vừa qua, anh V. (quận Phú Nhuận) cũng được môi giới chào mời mua căn hộ GP tại quận Bình Tân (TP.HCM). Theo bảng tính mà nhân viên môi giới đưa cho anh V., căn hộ có diện tích 86,83m2, có giá gốc hơn 1,35 tỉ đồng (có VAT) nhưng sau khi trừ đi một số khoản thì giá thể hiện còn 1,29 tỉ đồng.
Từ đây chủ đầu tư làm động tác tách thành hai hợp đồng, hợp đồng mua bán dùng để vay NH có giá hơn 974 triệu đồng, phần hơn 317 triệu còn lại là hợp đồng nội thất. Anh V. cho biết nhân viên môi giới nói nếu mua anh sẽ được NH cho vay tối đa đến 779 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.
Phổ biến ở Hà Nội
Tình trạng trên cũng diễn ra khá phổ biến tại Hà Nội. Qua thông tin rao bán căn hộ trên mạng, sáng 15-8 chúng tôi tìm tới tòa chung cư BMM nằm trong khuôn viên khu đô thị Xa La (Q.Hà Đông, Hà Nội) do Công ty TNHH sản xuất thương mại BMM (Công ty BMM) và Công ty cổ phần Sông Đà 12 làm chủ đầu tư.
Tại đây, một nam thanh niên tên T. tự giới thiệu là nhân viên văn phòng giao dịch của chủ đầu tư dẫn chúng tôi đi xem căn hộ. Theo T., tòa nhà đã bàn giao nhà từ lâu, tuy nhiên hiện vẫn còn một lượng lớn căn hộ chưa bán được.
Với các căn diện tích từ 62 - 75m2 đều có thể vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng. Mặc dù khi hỏi giá bán, T. cho biết dao động từ 17,5 -17,8 triệu đồng/m2, tương đương trên 1,080 tỉ đồng đến trên 2,2 tỉ đồng/căn hộ, tức cao hơn mức quy định được phép vay gói tín dụng ưu đãi (tổng giá trị căn hộ dưới 1,05 tỉ đồng).
Khi chúng tôi bày tỏ băn khoăn về việc giá bán vượt quá quy định được tiếp cận gói tín dụng, T. lý giải: “Đó là giá giao dịch mà anh phải trả cho chủ đầu tư, còn thực chất giá bán trong hợp đồng chỉ có 13,5 triệu đồng/m2 thôi. Như vậy tổng giá trị căn hộ vẫn dưới 1,05 tỉ đồng, đảm bảo đủ điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng”.
Theo T., khi khách hàng đồng ý mua căn hộ sẽ ký hợp đồng với chủ đầu tư trong đó ghi giá bán là 13,5 triệu đồng/m2. Hợp đồng này sẽ được chủ đầu tư giới thiệu cho NH để khách hàng có thể vay vốn từ gói tín dụng. Riêng khoản tiền chênh lệch giá bán (từ 4 - 4,3 triệu đồng/m2), khách hàng sẽ thanh toán riêng cho chủ đầu tư. Khoản thanh toán này không ghi vào hợp đồng và không cần hóa đơn chứng từ.
Cũng tại khu chung cư trên, chúng tôi vào tìm hiểu một căn hộ tại tầng 9. Chủ căn hộ cho hay khi tiếp cận để mua nhà cũng được nhân viên ở đây tư vấn cách mua tương tự.
Sẽ kiểm tra ngay
Ông Lê Đức Thọ, tổng giám đốc VietinBank, nói đến nay NH chưa phát hiện trường hợp nào lách luật để trục lợi từ gói 30.000 tỉ đồng như Tuổi Trẻ phản ánh. Tuy nhiên ông Thọ cho biết sau khi nhận được phản ánh, ông sẽ cho kiểm tra, nếu phát hiện sẽ yêu cầu dừng ngay, tùy mức độ vi phạm cụ thể sẽ xử lý. “Quan điểm của NH là cho vay phải đúng đối tượng, đúng quy định”, ông Thọ nói.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, hiện điều kiện cho vay gói 30.000 tỉ đồng đã mở hơn so với trước. Cụ thể, chỉ còn quy định chung là giá trị nhà ở thương mại giá tối đa 1,05 tỉ đồng, không còn giới hạn diện tích tối đa không quá 70m2 và giá trị không vượt quá 15 triệu đồng/m2 như trước.
Ông Minh cho biết quy định trị giá căn hộ không quá 1,05 tỉ đồng là phải tính trên toàn bộ hợp đồng, không thể tách ra phần thô riêng, phần trang thiết bị riêng để lách. “Từ phản ảnh của người dân, NH Nhà nước TP sẽ cho kiểm tra để nắm bắt tình hình, từ đó xem vì sao NH lại cho vay với những trường hợp như vậy và có biện pháp xử lý NH làm sai quy định”, ông Minh nói.
Ông cũng cho rằng một tháng trước NH Nhà nước có nghe phản ảnh tình trạng này nhưng chủ yếu xảy ra ở địa bàn Hà Nội, NH Nhà nước cũng cho rà soát trên địa bàn TP nhưng chưa phát hiện. Nay nếu tình trạng này đã lan vào TP.HCM, NH sẽ cho kiểm tra ngay.
Theo luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang (TP.HCM), phần lỗi lớn nhất ở đây là các doanh nghiệp (DN) bất động sản đã lách quy định để bán được hàng. Tuy nhiên thiệt hại lớn nhất lại rơi vào người mua vì sau này nếu NH Nhà nước kiểm tra phát hiện sẽ thu hồi khoản chênh lệch do hỗ trợ lãi suất.
“Không những vậy, việc lách để qua mắt cơ quan quản lý của các DN bất động sản còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người vay sau này vì dù hội đủ điều kiện được vay nhưng họ lại không tiếp cận được gói vay do những người không đủ điều kiện trước đó đã vay hết rồi”, ông Xoa nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - nói việc DN thu tiền bên ngoài sổ sách nhằm lách quy định là một hành vi trục lợi từ gói 30.000 tỉ đồng. Đây là điều đáng lên án. Ở đây DN đã lợi dụng chính sách cho vay ưu đãi đối với người thu nhập thấp đô thị nhằm bán nhanh sản phẩm.
“Để hiện tượng này xảy ra chứng tỏ khâu thẩm định cho vay đang có vấn đề. Bởi theo quy định, muốn được vay thì danh sách phải được duyệt từ sở xây dựng. Ngoài ra cần làm rõ liệu có sự móc nối giữa chủ đầu tư các dự án trên và NH không?”, ông Châu nói.
Theo một chủ đầu tư các dự án nhà ở thu nhập thấp tại TP.HCM, hiện trên thị trường đã xuất hiện nhiều dự án lợi dụng gói 30.000 tỉ đồng để trục lợi. Cái lợi là vừa bán được hàng và lách được thuế vì các khoản thu ngoài sổ sách DN không kê khai và đóng thuế.
Ép khách hàng mua bảo hiểm
Cũng theo phản ảnh từ người vay, nhiều NH cho vay đưa ra điều kiện khách hàng phải mua bảo hiểm mới xét duyệt cho vay gói 30.000 tỉ đồng. Phần lớn khách hàng mua nhà tại dự án Tecco Tower Tham Lương đang phải bỏ ra khoảng 11 - 12 triệu đồng để mua bảo hiểm cho khoản vay mua nhà từ gói 30.000 tỉ đồng của NH BIDV.
Anh M. (Phú Nhuận) bức xúc: “NH ép chúng tôi mua bảo hiểm mới được vay dù trong quy định về gói 30.000 tỉ đồng không có điều này”. Theo anh M., khoản bảo hiểm là hơn 12 triệu đồng, mua của Công ty bảo hiểm BIDV Sài Gòn. Hàng trăm khách hàng khác cũng trong tình cảnh tương tự.
Khi chúng tôi liên lạc với anh C.Đ.N., chuyên viên phòng khách hàng cá nhân của BIDV chi nhánh 3-2, để làm thủ tục vay thì anh N. cho biết khoản bảo hiểm này là khách hàng phải mua để đảm bảo rủi ro cho khoản vay.
“Nếu khách hàng vay 550 triệu đồng thì mức bảo hiểm là 11 triệu đồng cho 15 năm, tính ra mỗi tháng có mấy chục ngàn đồng thôi. Cái này là quy định của NH bên em nên anh muốn vay thì phải mua bảo hiểm”, anh N. nói.
Trong khi đó theo quy định về gói 30.000 tỉ đồng đã ghi rõ ràng các NH không được thu bất cứ chi phí hoặc vẽ thêm thủ tục nào cho khách hàng. Theo ông Lê Hoàng Châu, việc NH bán bảo hiểm cho khách hàng là sự móc nối với chủ đầu tư, giá trị bảo hiểm này người dân mất hẳn trong khi NH có thêm nguồn thu.
Mới giải ngân hơn 25%
Theo HoREA, tính đến tháng 6-2015, giải ngân gói 30.000 tỉ mới đạt được trên 25% là quá thấp và không đạt như kỳ vọng. Tại TP.HCM đến hết tháng 6-2015 các ngân hàng thương mại đã ký cam kết tín dụng 4.677 tỉ đồng, giải ngân được 2.009 tỉ đồng (chiếm 6,69% gói tín dụng ưu đãi).
Trong đó có 1.498,4 tỉ đồng cho cá nhân vay và 510,6 tỉ đồng cho ba doanh nghiệp vay (Công ty CP TV TM DV địa ốc Hoàng Quân vay 443 tỉ đồng, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Tân Bình vay 19 tỉ đồng, Công ty CP Đầu tư Thủ Thiêm vay 48,6 tỉ đồng).
Tuổi trẻ