MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tướng Đồng Sỹ Nguyên kể chuyện “chốt” làm cầu Chương Dương

17-02-2015 - 23:55 PM | Bất động sản

Năm 1983, cầu Chương Dương được coi là công trình đạt kỷ lục về tiến độ thi công trong lịch sử ngành Cầu đường.

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ký ức về những năm tháng giữ cương vị Bộ trưởng GTVT vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm trí của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nhất là những kỷ niệm về quá trình xây dựng cầu Chương Dương, một công trình đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ kỹ sư cầu đường Việt Nam.

Tháng 4/1982, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Đảng và Nhà nước phân công đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng GTVT. Ngay khi ngồi vào “ghế nóng”, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên đã cho rà soát lại toàn bộ hệ thống giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không để đưa ra các giải pháp khắc phục, từng bước đưa ngành GTVT vượt khó.

“Sau khi rà soát, tôi nhận thấy một vấn đề bất cập nổi lên khi hầu hết các tuyến đường bộ huyết mạch trong cả nước đều còn tình trạng phương tiện đường bộ vượt sông bằng phà chứ không có cầu để đi. Đây là một vấn đề nhức nhối khiến người dân bức xúc bởi nó lãng phí rất nhiều thời gian”, nguyên Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên nhớ lại.

Thậm chí, lúc đó ở Thủ đô, ngoài cầu Thăng Long đang được xây dựng, Hà Nội chỉ có duy nhất cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Tuy là độc đạo nhưng cây cầu này lại quá nhỏ và chật hẹp nên chỉ phục vụ ngành Đường sắt, các phương tiện thô sơ qua lại, khiến giao thông qua đây thường xuyên ách tắc và là nỗi ám ảnh cho bất kỳ ai muốn vượt sông Hồng.

Để đáp ứng những đòi hỏi từ thực tiễn, đầu tháng 12/1983, phương án xây dựng cầu vượt sông Hồng đã được tập thể lãnh đạo Bộ GTVT thông qua. Tuy nhiên, lúc này lại có hai luồng ý kiến khác nhau về phương án thiết kế cầu. Nhiều người cho rằng, cần phải làm cầu bê tông vượt sông Hồng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện cơ giới, trong khi một số người khác lại nghiêng về phương án chọn cầu treo để xây dựng.

“Lúc ấy, yêu cầu làm cầu vượt qua sông Hồng đã rất cấp bách và không thể chậm trễ hơn được nữa. Nếu làm cầu treo cáp cứng thì đội ngũ kỹ sư cầu đường của chúng ta chưa có công nghệ, còn xây dựng cầu treo cáp mềm trong thời bình thì lại không an toàn cho các phương tiện. Sau khi nghe anh em kỹ thuật trình bày các giải pháp thiết kế, tôi đã quyết định lựa chọn phương án làm cầu bê tông dầm thép”.

Sau khi đã “chốt” được phương án kỹ thuật, một vấn đề nổi cộm khác là lựa chọn vị trí xây cầu. Đơn vị thiết kế đưa ra ba phương án: Xây dựng cầu Chương Dương ở khu vực bến phà Đen (nay là khu vực tiếp giáp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), ở vị trí như hiện nay và cuối cùng là ở khu vực phía Bắc cầu Long Biên.

“Tôi quyết định lựa chọn vị trí xây dựng cầu như hiện nay với hướng tuyến làm cầu từ QL5 đi thẳng vào trung tâm Thủ đô. Đây là phương án rất khoa học và tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khẳng định.

Giữa tháng 12/1983, cầu Chương Dương được khởi công xây dựng. Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT cộng với những nỗ lực vượt bậc của đội ngũ kỹ sư, công nhân cầu đường, cầu Chương Dương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 30/6/1985.

“Kế hoạch xây dựng cầu trong hai năm nhưng đã hoàn thành chỉ trong vòng một năm rưỡi. Đây là công trình đạt kỷ lục về tiến độ thi công chưa từng có trong lịch sử ngành Cầu đường Việt Nam lúc bấy giờ”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhớ lại.

Theo Đình Quang

PV

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên