MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất đồng về ngân sách: Chính phủ Mỹ tiếp tục bị đóng cửa?

04-01-2019 - 11:23 AM | Tài chính quốc tế

Các cuộc thảo luận trong ngày 2/1 giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo phe Dân chủ tại hai viện Quốc hội Mỹ tiếp tục kết thúc trong bất đồng.

Cuộc chiến giữa Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nghị sỹ đảng Dân chủ tại Quốc hội nhằm mở cửa lại Chính phủ, cũng như cấp tiền cho kế hoạch xây dựng bức tường ở biên giới với Mexico vẫn chưa có kết quả.

Bất đồng về ngân sách: Chính phủ Mỹ tiếp tục bị đóng cửa? - Ảnh 1.

Nhà trắng và phe Dân chủ tại Quốc hội tiếp tục bất đồng về ngân sách. Ảnh: Hemis.fr.

Các cuộc thảo luận trong ngày 2/1 giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo phe Dân chủ tại hai viện Quốc hội Mỹ tiếp tục kết thúc trong bất đồng. Trong khi đó hôm qua (2/1), các nghị sỹ đảng Dân chủ chính thức giành lại quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ, báo hiệu giai đoạn khó khăn với chương trình nghị sự của ông chủ Nhà Trắng.

Bất đồng chưa được tháo gỡ

Cho đến thời điểm hiện nay, căng thẳng giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ về khoản ngân sách 5 tỷ USD xây bức tường biên giới với Mexico, nguyên nhân khiến chính phủ phải đóng cửa một phần từ ngày 22/12/2018 vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Trong ngày 3/1, đảng Dân chủ tiếp tục đề xuất thông qua gói chi tiêu gồm 2 phần, bao gồm một dự luật cấp tiền cho Bộ An ninh Nội địa ở mức hiện tại cho tới hết ngày 8/2 và cung cấp 1,3 tỷ USD cho việc xây hàng rào biên giới cùng với 300 triệu USD cho các biện pháp củng cố an ninh biên giới khác gồm công nghệ và camera giám sát. Phần hai của gói chi tiêu sẽ dùng để cấp tiền cho các cơ quan liên bang hiện đang không được tài trợ, như Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại và Bộ Giao thông, cho đến hết ngày 30/9.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà dự luật không có lại chính là khoản ngân sách 5 tỷ USD mà Tổng thống Trump đòi hỏi. Chính vì thế, triển vọng thành công của kế hoạch này dường như không mấy sáng sủa khi đảng Cộng hòa, đang nắm đa số tại Thượng viện cũng như cá nhân Tổng thống Trump đang sẵn sàng phản đối. Khoản tiền 5 tỷ USD nếu nằm trong tổng ngân sách của chính phủ Mỹ thì không hề lớn nhưng lại mang tính chất biểu tượng quan trọng đối với Tổng thống Trump. Việc phải rút lại đề xuất này sẽ được xem là thất bại nặng nề của cả đảng Cộng hòa và Tổng thống Trump trước đảng Dân chủ. Trong trường hợp không thông qua gói chi tiêu trên, tất cả chỉ trích sẽ chuyển sang nhằm vào cá nhân ông Trump và đây không phải là điều mà ông chủ Nhà Trắng mong muốn. Chính vì thế, mâu thuẫn về khoản 5 tỷ USD không phải không thể thỏa hiệp mà nằm ở việc hai bên sẽ đưa ra những nhượng bộ nào và đến mức nào.

Phe Dân chủ muốn gây khó dễ?

Ngày 3/ 1, Quốc hội khóa mới của Mỹ đã nhóm họp phiên đầu tiên trong bối cảnh chính phủ đóng cửa và chưa có giải pháp tháo gỡ nào khả thi. Tại Hạ viện, Hạ nghị sỹ kỳ cựu của đảng Dân chủ Nancy Pelosi, 78 tuổi, đã được bổ nhiệm làm tân Chủ tịch sau khi đảng này giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái.

Việc bà Pelosi trở thành Chủ tịch Hạ viện lần thứ 2 được xem là sự khởi động cho cuộc chiến không khoan nhượng giữa Hạ viện do đảng Dân chủ nắm đa số với Tổng thống Trump và Thượng viện, vẫn do phe Cộng hóa kiểm soát. Bên cạnh đối đầu về bức tường biên giới, đảng Dân chủ sẽ thách thức Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa trên hàng loạt các vấn đề khác, từ các cuộc điều tra của Quốc hội đối với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016 cho tới mâu thuẫn về chính sách nhập cư, chăm sóc sức khỏe liên quan đến Obamacare.

Đối với cá nhân Tổng thống Trump và các thành viên chính phủ, một số nghị sỹ chủ chốt của đảng Dân chủ từng nhiều lần tuyên bố sẽ thúc đẩy mở các cuộc điều tra mới nhằm vào một số cáo buộc như xung đột lợi ích, lạm dụng tiền quỹ tranh cử, lạm quyền hay đòi công khai hồ sơ, chứng từ thuế. Thậm chí, đảng Dân chủ còn muốn mở lại các cuộc điều tra về một số quyết định bổ nhiệm, bãi nhiệm thành viên nội các của Tổng thống Trump xem các quyết định này có cản trở việc thực thi công lý hay không. Đi xa hơn nữa, không ít ý kiến trong đảng Dân chủ còn đề xuất kế hoạch tham vọng hơn, đó là bắt tay vào thực hiện các thủ tục để tìm cách phế truất chức vụ Tổng thống của ông Trump.

Thách thức với ông Trump

Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần do mâu thuẫn giữa hai đảng và không thể thông qua ngân sách hoạt động. Trong tất cả các lần đóng cửa chính phủ thì các phe phái, kể cả cá nhân Tổng thống đều tìm cách đổ lỗi cho nhau. Tuy nhiên, trong lần đóng cửa hiện nay dường như các lãnh đạo chủ chốt của cả Cộng hòa và Dân chủ đều không xuất hiện hoặc đưa ra các chỉ trích cứng rắn trong suốt những ngày qua. Hầu hết các tuyên bố về việc chính phủ đóng cửa xuất phát từ cá nhân Tổng thống Trump, và điều này cũng giải thích được phần nào việc dư luận lại quan tâm hơn đến vai trò của ông chủ Nhà Trắng.

Các thách thức đối với nửa cuối nhiệm kỳ cũng như kế hoạch tái tranh cử của Tổng thống Trump phần nào có thể là nguy cơ chính phủ có thể phải thường xuyên đóng cửa một phần. Tuy nhiên, khó khăn nhất là các vấn đề về chính sách, cả đối nội lẫn đối ngoại và những bê bối cá nhân. Trong thời gian vừa qua, chính quyền Tổng thống Trump đang bổ sung hàng loạt các vị trí nhân sự quan trọng nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý toàn diện, được đánh giá là “nghiêm trọng và kéo dài” với Hạ viện do đảng Dân chủ phát động.

Nhóm tư vấn này gồm 4 thành viên, từng là các luật sư uy tín của Bộ Tư pháp Mỹ. Theo một số nguồn tin, đảng Dân chủ hiện nay đang theo dõi gần 100 quan chức trong nội các của chính quyền Tổng thống Trump nhằm điều tra và khởi tố. Không chỉ vậy, cách thức điều hành chính phủ có phần khác biệt so với các chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Trump, vốn giúp ông giành được sự ủng hộ trong thời gian đầu cầm quyền cũng đang bộc lộ những thiếu sót nghiêm trọng. Cho đến nay, ông Trump vẫn là tổng thống Mỹ duy nhất chưa vượt qua được tỷ lệ ủng hộ 50% kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội lưỡng viện Mỹ sẽ nhóm họp trong ngày hôm nay (4/1) tại Nhà Trắng để tiếp tục thảo luận về vấn đề kinh phí xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico – trở ngại cuối cùng khiến chính phủ Mỹ dừng hoạt động một phần những ngày qua.


Theo PV

VOV

Trở lên trên