Bật mí chiến lược giúp CEO Bán đấu giá Lạc Việt thành công
Là người “ngoại đạo”, nhưng chỉ sau 5 năm tham gia lĩnh vực bán đấu giá và miệt mài theo đuổi chiến lược “đại dương xanh”, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Bán đấu giá Lạc Việt trở thành một cái tên không thể không nhắc đến khi nói đến lĩnh vực này.
Trò chuyện với bà Hạnh giữa không gian rộng lớn của khu trưng bày tài sản đấu giá đầu tiên tại Việt Nam do Lạc Việt xây dựng mới thấy hết được tâm huyết của bà với lĩnh vực bán đấu giá. Từ một người “ngoại đạo” nhưng chỉ sau 5 năm, bà Hạnh đã đưa Lạc Việt trở thành một trong 18 doanh nghiệp bán đấu giá chuyên nghiệp. Với 2 chi nhánh lớn tại TPHCM và Đà Nẵng, 8 văn phòng đại diện cùng đội ngũ luật sư dầy dặn kinh nghiệm, các đấu giá viên chuyên nghiệp.
Năm 2015, tổng giá trị tài sản Lạc Việt đem ra đấu giá lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2016, khoảng 1.600 tỷ đồng. Đặc biệt, là doanh nghiệp đầu tiên tổ chức phiên bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam, Lạc Việt đang đến rất gần ngôi vị một trong những doanh nghiệp dẫn đầu.
Cơ duyên nào đưa bà đến với bán lĩnh vực bán đấu giá?
Năm 2010, kinh doanh bất động sản chìm sâu vào khủng hoảng. Sau rất nhiều nỗ lực cầm cự, tôi quyết định rời bỏ lĩnh vực kinh doanh này. Trong lúc đang loay hoay tìm hướng đi mới thì một số người bạn cho biết Lạc Việt đang cần tìm một CEO cho mảng bán đấu giá. Dù chưa có kinh nghiệm gì, nhưng tôi vẫn quyết định thử bằng cách mua 30% cổ phần của Lạc Việt.
Quyết định “thử” đấy khiến bà gặp khó khăn gì không?
Nhiều lắm! Thời điểm đấy, bán đấu giá vẫn còn rất mới mẻ ở nước ta. Cả người mua lẫn người bán đều không ai hiểu gì về đấu giá cả. Lạc Việt lúc đó đang bị âm 1.8 tỷ đồng, thị trường, khách hàng, bộ máy kinh doanh đều chưa có gì. Còn tôi thì kiến thức không, kinh nghiệm không. Tất cả như tờ giấy trắng vậy.
Điều gì giúp bà vượt qua được những khó khăn này?
Tôi nghĩ đó là đam mê. Đây là lĩnh vực “thiên biến vạn hóa”, mỗi loại tài sản đem ra đấu giá phải có cách thức tổ chức chào bán khác nhau. Càng làm càng thấy nhiều thách thức, càng thách thức lại càng muốn vượt qua. Và khi vượt qua rồi thì thấy mình càng trưởng thành, càng đam mê với nghề hơn.
Nhưng đam mê có lẽ chưa đủ mà còn cần một cái đầu nhanh nhạy và một chiến lược khôn ngoan nữa?
Đúng thế! Thời kỳ đầu, chúng tôi xác định phải nỗ lực nắm bắt mọi cơ hội khi thị trường đang là “đại dương xanh” nên đề ra chiến lược “vừa xây vừa làm”. Một mặt xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên môn nòng cốt, hệ thống quy trình nghiệp vụ. Một mặt hoàn thiện bộ máy quản trị và vận hành kinh doanh theo hướng bài bản, chuyên nghiệp.
Giai đoạn này, chúng tôi “chiến đấu” với một tinh thần khởi nghiệp thực sự. Chúng tôi nhận tổ chức bán từ những loại tài sản phức tạp như : tang vật, tài sản vi phạm hành chính của nhà nước đến những cuộc đấu giá quy mô lớn như quyền sử dụng đất có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí, những mảng dịch vụ nào các công ty đối thủ chưa dám bước chân vào thì chúng tôi lại coi đó là “đại dương xanh” cho mình và cứ thế “xông pha” (cười).
Sau khi gặt hái thành công, tại sao Lạc Việt vẫn vất vả đi tìm “đại dương xanh” khi mở dịch vụ đấu giá các tác phẩm nghệ thuật?
Các cụ nói “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, với chúng tôi “chiến lược đi trước là chiến lược khôn”. Tháng 7/2017, khi Luật đấu giá tài sản có hiệu lực, các đối thủ xuất hiện nhiều hơn, “đại dương xanh” sẽ dần bị “nhuốm đỏ”. Muốn là một trong những doanh nghiệp đi đầu, chúng tôi phải luôn đi khai phá thị trường mới. Với lợi thế tiên phong trong lĩnh vực bán đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, cùng trung tâm trưng bày tài sản, đây sẽ là mảng dịch vụ cốt lõi của chúng tôi.
Không ngừng phát triển theo xu hướng thị trường, triết lý kinh doanh của Lạc Việt là gì?
Chữ Tín luôn đặt lên hàng đầu.
Phong cách lãnh đạo chị muốn hướng đến khi điều hành Lạc Việt ở giai đoạn mới là gì?
Vẫn như từ trước đến nay : mạnh mẽ và quyết đoán (cười).