MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất ngờ về thương vụ 1 vốn 100 lời của Quốc Cường Gia Lai

12-11-2022 - 16:55 PM | Doanh nghiệp

Sau khi thâu tóm toàn bộ vốn điều lệ tại Công ty TNHH Phú Việt Tín (100% vốn nhà nước) thì Công ty CP Quốc Cường Gia Lai nhanh chóng bán lại cho các doanh nghiệp và cá nhân khác để thu lợi hàng trăm tỷ đồng.

1 vốn hơn 100 lời

Ngày 12/11, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết đã ban hành văn bản số 68/BC-STNMT-VP báo cáo về kết quả thực hiện Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong đó có kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP, ngày 13/5/2021 của TTCP.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, nhà đất ở địa chỉ 39-39B Bến Vân Đồn , phường 12, quận 4, TPHCM thuộc tài sản công. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM nói rằng, bản chất của việc cho phép Công ty TNHH Phú Việt Tín (có chức năng kinh doanh bất động sản) được đầu tư dự án là nhà nước cho phép doanh nghiệp nhà nước được tiếp tục sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt mà không phải là việc giao đất cho đối tượng khác không thông qua đấu giá.

Qua nội dung giải trình, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM khẳng định, việc nghiên cứu và tham mưu giải quyết công việc là đúng với quy định của pháp luật. Nguyên nhân dẫn tới nhận định về sự chưa phù hợp với Luật Đất đai của TTCP thì có những lý do khách quan. Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường bỏ ngỏ quan điểm xử lý đối với khu đất công này.

Công ty TNHH Phú Việt Tín là doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước. Trong đó, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai góp 4,32 triệu đồng, chiếm 72% vốn điều lệ và Công ty cao su Bà Rịa góp 1,68 triệu đồng, chiếm 28% vốn điều lệ. Công ty TNHH Phú Việt Tín là đơn vị sở hữu khu đất hơn 6.200m2 ở số 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TPHCM.

Bất ngờ về thương vụ 1 vốn 100 lời của Quốc Cường Gia Lai - Ảnh 1.

Khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4 đã xây xong nhà và bàn giao căn hộ cho cư dân.

Liên quan đến khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã ký văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) giải trình việc thiếu sót, không công bố thông tin về “những giao dịch bất thường” liên quan đến góp, thoái vốn tại Quốc Cường Gia Lai diễn ra từ năm 2013-2017.

Trong văn bản giải trình, Quốc Cường Gia Lai nêu: Từ ngày 24/1/2013-26/8/2017, công ty có 14 giao dịch chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng với tổng giá trị các giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý là giao dịch thương vụ Quốc Cường Gia Lai đồng ý chuyển nhượng phần vốn góp của mình trong Công ty TNHH Phú Việt Tín.

Ngày 4/8/2014, Hội đồng quản trị Công ty CP Quốc Cường Gia Lai ra quyết định cử bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc làm đại diện phần vốn góp 5,94 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99% vốn của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tại Công ty TNHH Phú Việt Tín.

Ngày 10/9/2014, Hội đồng quản trị Công ty CP Quốc Cường Gia Lai ra quyết định nhận chuyển nhượng 0,72% phần vốn góp với giá 43,2 triệu đồng từ Công ty TNHH MTV Tổng Công ty cao su Đồng Nai. Nhận chuyển nhượng 0,28% phần vốn góp với giá 16,8 triệu đồng từ Công ty TNHH MTV cao su Bà Rịa. Như vậy, Quốc Cường Gia Lai đã nhận chuyển nhượng là 1% từ 2 công ty trên, tương đương 60 triệu đồng. Từ đây, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã sở hữu 99,5% vốn góp Công ty TNHH Phú Việt Tín.

Chưa đầy 1 tháng sau khi quyết định sở hữu gần như toàn bộ Công ty TNHH Phú Việt Tín, ngày 3/9/2014, Hội đồng quản trị Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã ra quyết định chuyển nhượng 0,5% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho bà Lại Thị Hoàng Yến với giá 3 tỷ đồng.

Đến ngày 14/11/2014, Hội đồng quản trị Công ty CP Quốc Cường Gia Lai ra quyết định chuyển nhượng 94% phần vốn góp của mình trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho 2 công ty khác.

Cụ thể, 40% vốn điều lệ Phú Việt Tín được chuyển nhượng với giá hơn 340 tỷ đồng cho Công ty CP Bất động sản Thịnh Vượng. 54% vốn điều lệ còn lại được chuyển nhượng cho Công ty CP Biệt thự Thành phố với giá hơn 459 tỷ đồng. Như vậy, số tiền mà Quốc Cường Gia Lai thu về sau khi chuyển nhượng thành công 94% phần vốn góp của mình trong Công ty TNHH Phú Việt Tín là gần 800 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, với phi vụ trên Quốc Cường Gia Lai lãi ròng hàng trăm tỷ đồng.

Như vậy, thông qua việc mua toàn bộ vốn điều lệ tại Công ty TNHH Phú Việt Tín, Quốc Cường Gia Lai đã nhanh chóng bán lại cho các doanh nghiệp, cá nhân khác để kiếm lợi hàng trăm tỷ đồng.

Hiện nay, dự án này đã đầu tư xây dựng hoàn thành và bán hết cho người sử dụng. Tuy nhiên, do dự án đang bị thanh tra , kiểm tra nên các hộ dân mua căn hộ tại dự án vẫn chưa được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đang tiếp tục kiểm tra lại dự án thực hiện theo kết luận thanh tra số 757 của TTCP ngày 13/5/2021 về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TPHCM.

Giao đất không qua đấu giá

Vào ngày 13/5/2021, TTCP ban hành kết luận Thanh tra số 757/KL-TTCP. Theo đó, về xử lý kinh tế, TTCP kiến nghị xử lý 2.054 tỷ đồng, hơn 6.000.000 USD và 464.000m2 đất. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc có dấu hiệu hình sự thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Tại kết luận 757/KL-TTCP, TTCP đã chỉ ra nhiều dự án sai phạm. Trong đó, dự án số 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4 do Công ty TNHH Phú Việt Tín làm chủ đầu tư với diện tích đất là 6.202m2.

TTCP cho biết, khu đất trên có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước do 2 đơn vị là Tổng công ty Công ty cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa, thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quản lý.

Bất ngờ về thương vụ 1 vốn 100 lời của Quốc Cường Gia Lai - Ảnh 2.

Quốc Cường Gia Lai giải trình liên quan đến việc thâu tóm khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4.

Hai công ty trên sau đó đã góp vốn lập ra Công ty TNHH Phú Việt Tín (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) để đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch. Năm 2009, Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH Phú Việt Tín, địa chỉ trụ sở chính 39-39B Bến Vân Đồn.

Ngày 25/3/2010, UBND TPHCM có quyết định số 1366 thu hồi và giao đất tại số 39-39B Bến Vân Đồn cho Công ty TNHH Phú Việt Tín đầu tư xây dựng thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ. Đến năm 2014, UBND TPHCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất của khu đất là hơn 186 tỷ đồng, Công ty Phú Việt Tín đã nộp tiền.

TTCP kết luận, việc Công ty TNHH Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời việc UBND TPHCM có quyết định số 1366 thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty TNHH Phú Việt Tín (pháp nhân mới) làm nhà đầu tư thực hiện dự án số 39-39B Bến Vân Đồn mà không thông qua đấu giá là không đúng với khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai 2003 và điểm 3,4, Mục I Thông tư số 03/2009/TT-BKH ngày 16/4/2009 của Bộ Kế hoạch Đầu tư về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

TTCP đề nghị Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra, có biện pháp để xử lý. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản nhà nước thì chuyển hồ sơ và tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định, không để thất thoát tài sản nhà nước.

Theo Duy Quang

Tiền phong

Trở lên trên