MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ: Gay cấn đến phút cuối

04-11-2022 - 10:27 AM | Tài chính quốc tế

Ngày 8/11 tới, hàng chục triệu cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử trên khắp nước Mỹ, được gọi đầy đủ là các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống.

Mặc dù Tổng thống Joe Biden không có tên trong các lá phiếu của cử tri nhưng những ứng cử viên được bầu vào quốc hội, chính quyền cấp bang và các cấp thấp hơn sẽ có những tác động đáng kể đến việc hoạch định và thực hiện các chính sách của Nhà Trắng trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ cũng như cuộc sống của người dân Mỹ trong vài năm tới.

Đến hết ngày 13/9, tất cả các bang trên toàn nước Mỹ đã tổ chức xong bầu cử sơ bộ để chọn ra ứng cừ viên đại diện cho đảng mình ra tranh cử vào ngày tổng tuyển cử ngày 08/11 tới, trừ bang Lousiana. Riêng bang này sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ muộn hơn, đúng ngày 08/11 và tổ chức tổng tuyển cử sau đó gần 1 tháng, ngày 10/12.

Cuộc đua giành quyền kiểm soát Quốc hội

Trong kỳ bầu cử năm nay, nước Mỹ sẽ bầu lại 35 ghế thượng nghị sỹ liên bang, trong đó 15 ghế hiện do đảng Dân chủ nắm giữ và 20 ghế do đảng Cộng hòa nắm giữ; toàn bộ 435 ghế hạ nghị sỹ liên bang; 36 ghế thống đốc bang, 30 ghế bộ trưởng tư pháp và 27 ghế ngoại trưởng cấp bang, hàng nghìn nghị sỹ cấp bang và quan chức địa phương cấp thấp hơn khác….

Trong các cuộc bầu cử nói trên thì quan trọng nhất là cuộc bầu cử nghị sỹ quốc hội liên bang, mang tính quyết định đối với cán cân quyền lực trong chính trường Mỹ và là cuộc chạy đua gay gắt giữa hai đảng lớn nhất là đảng Dân chủ cầm quyền và đảng Cộng hòa.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ: Gay cấn đến phút cuối - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AP

Trong cuộc bầu cử năm 2020, tại Hạ viện, đảng Dân chủ đã giành đa số với tỉ lệ 222/213. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù đảng Dân chủ vẫn đang nắm đa số nhưng chỉ còn giữ lợi thế 220/212 so với đảng Cộng hòa. Tại Thượng viện, sau khi giành thêm được 2 ghế tại bang Georgia, đảng Dân chủ giành được tổng cộng 50 ghế gồm 48 ghế của đảng và 2 ghế độc lập.

Theo hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống là Chủ tịch Thượng viện nhưng chỉ bỏ lá phiếu quyết định trong trường hợp các cuộc biểu quyết mà hai bên có số phiếu bằng nhau. Sau khi Phó Tổng thống Kamala Harris chính thức tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1/2021 thì đảng Dân chủ chính thức chiếm thế đa số trong Thượng viện Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử 2022, đảng Dân chủ không thông qua Cương lĩnh mới mà tiếp tục trung thành với Cương lĩnh 2020, trong đó nhấn mạnh đến các vấn đề đối nội hơn là đối ngoại.

Tại hầu hết các bang và kể cả một số cấp bầu cử thấp hơn như các quận, các thành viên đảng Dân chủ đã thông qua cương lĩnh của riêng bang mình làm cơ sở vận động, tranh cử với đảng Cộng hòa. Cương lĩnh tranh cử của đảng Dân chủ ở cấp bang được căn cứ theo cương lĩnh toàn quốc và chủ yếu tập trung vào các vấn đề nội bộ của Mỹ và các vấn đề dân sinh, xã hội hàng ngày.

Về phía mình, đảng Cộng hòa không tổ chức Đại hội toàn quốc trước mùa bầu cử và tiếp tục trung thành với Cương lĩnh tranh cử 2020 trên cơ sở Cương lĩnh 2016. Ngày 15/04, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã thông qua Quy định 2022, được sửa đổi dựa trên Quy định của đảng Cộng hòa 2020, trong đó bao gồm các quy định về bầu cử và cơ cấu của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa cho đến đại hội tiếp theo.

Tuy nhiên, tại một số bang như Texas, Indiana, Montana, South Dakota… các thành viên đảng Cộng hòa đã thông qua Cương lĩnh 2022 riêng. Hầu hết cương lĩnh tranh cử tại các bang đều theo tinh thần chung của đảng Cộng hòa và nổi bật nhất là Cương lĩnh của bang Texas công bố ngày 06/07. Cương lĩnh này tràn ngập quan điểm cực hữu như tuyên bố ông Biden chỉ là Tổng thống tạm quyền vì không được bầu hợp pháp, chỉ trích việc kiểm soát súng đạn, coi đồng tính là lối sống không bình thường, phản đối phá thai…

Kinh tế là vấn đề được cử tri quan tâm nhiều nhất

Vấn đề được cử tri Mỹ quan tâm nhất trong kỳ bầu cử năm nay vẫn là kinh tế, hay cụ thể là lạm phát và việc làm. Theo các kết quả thăm do dư luận, có tới 70-80% số người được hỏi cho biết kinh tế sẽ là yếu tố tác động lớn đến lá phiếu trong ngày bầu cử 08/11 tới.

Về lạm phát, giá cả nhiều loại mặt hàng đặc biệt là nhiên liệu đã giảm đáng kể nhưng giá tiêu dùng vẫn tăng khoảng 8% so với trung bình năm ngoái. Trong khi đảng Dân chủ cho rằng lạm phát có liên quan đến các sự kiện toàn cầu, chẳng hạn như cuộc chiến ở Ukraine hay chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch Covid-19, thì đảng Cộng hòa cho rằng chi tiêu của chính phủ mới là nguyên nhân chính.

Ngược lại, khía cạnh việc làm lại là một điểm sáng cho Chính quyền Tổng thống Biden. Trong thời gian qua, Mỹ đã khôi phục được khoảng 17 triệu việc làm so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Con số việc làm được tạo mới gia tăng đều đặn trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn khoảng 3,5% so với mức kỷ lục 14,7% hồi tháng 4/2020.

Vấn đề tiếp theo là quyền phá thai vốn đang được đảng Dân chủ vận động mạnh mẽ khi coi đó như một cuộc trưng cầu dân ý về quyền sinh sản. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy có tới 35% số cử tri đảng Cộng hòa và 60% cử tri đảng Dân chủ coi đây là một trong các vấn đề quan trọng đối với cuộc sống của họ trong thời gian tới.

Kể từ khi phán quyết Roe v Wade năm 1973 của Tòa án Tối cao, hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc, bị đảo ngược vào tháng 6/2022, nhiều bang bảo thủ ở Mỹ đã thông qua các luật hạn chế phá thai, bao gồm cả lệnh cấm gần như hoàn toàn.

Ngay sau khi phán quyết bị đảo ngược, uy tín và sự ủng hộ của cử tri giành cho đảng Cộng hòa nhanh chóng giảm sút, đặc biệt là trong tầng lớp cử tri là nữ ở độ tuổi thanh niên.

Sau vụ bạo loạn ngày 06/01/2021 khi hàng nghìn người ủng hộ ông Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ thì câu hỏi về nền dân chủ Mỹ nổi lên như một chủ đề tranh luận chính trong chiến dịch tranh cử.

Với việc ông Trump hé lộ khả năng quay lại tranh cử Tổng thống vào năm 2024, phe Dân chủ tuyên bố việc ngăn chặn đảng Cộng hòa trở lại nắm quyền là cần thiết để bảo vệ nền dân chủ Mỹ. Trong các tuyên bố mới đây nhất, Tổng thống Biden và các ứng cử viên Dân chủ liên tục sử dụng ngôn từ mạnh mẽ, cáo buộc đảng Cộng hòa là chủ nghĩa bán phát xít, là đảng “đầy giận dữ, bạo lực, thù hận, chia rẽ”.

Phe Dân chủ cũng cáo buộc các thành viên trung thành với ông Trump là mối đe dọa với nền dân chủ Mỹ khi không chấp nhận ý nguyện của người dân mà chấp nhận bạo lực chính trị.

Ngoài ra, một số vấn đề xã hội dai dẳng, kéo dài hàng chục năm qua trong đời sống chính trị của người dân Mỹ như chính sách nhập cư, kiểm soát súng đạn, an toàn công cộng hoặc biến đổi khí hậu… cũng là những vấn đề được cử tri quan tâm nhưng không thu hút được sự chú ý như trong một số cuộc bầu cử trước đây.

Gay cấn đến phút chót

Các cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay không chỉ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa mà còn là cuộc đua giữa các phe phái trong nội bộ từng đảng. Về phía đảng Dân chủ, hiện chia thành hai phái chính là trung tả và cánh tả. Trong đó, phái trung tả chiếm khoảng 70% với quan điểm chống Trump kịch liệt, tiêu biểu như Tổng thống Biden, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hay Thị trưởng thành phố New York Eric Adams…

Phái cánh tả chiếm hơn 20% với những đại diện như Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren, Hạ nghị sỹ Alexandria Ocasio-Cortez… Ngoài ra, trong đảng Dân chủ còn có một số ít theo phái cực tả, phản đối mạnh mẽ các chính sách và quan điểm của hai phái kia.

Đối với đảng Cộng hòa, mặc dù cũng chia ra nhiều trường phái, nhưng mâu thuẫn nổi bật nhất hiện nay là giữa hai phe chống và ủng hộ cựu Tổng thống Trump. Trong đó, phe ủng hộ ông Trump vẫn chiếm tới 70% thể hiện qua tầm ảnh hưởng của ông Trump đối với đảng Cộng hòa và những ứng cử viên được ông này ủng hộ.

Phe chống đối ông Trump mặc dù chiếm thiểu số nhưng lại là các nghị sỹ có uy tín và tiếng nói như các Thượng nghị sỹ Lisa Murkowski, Mitt Romney, Ben Sasse và các Hạ nghị sỹ Liz Cheney, Adam Kinzinger…

Kỳ bầu cử lần này cũng được xem là một trong những kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ phức tạp và khó dự báo. Trong giai đoạn đầu tranh cử, các cuộc thăm dò và mô hình dự báo đều đưa ra các kết quả bất lợi cho đảng Dân chủ khi cho thấy đảng Cộng hòa có khả năng giành được chiến thắng và chiếm đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện khi “làn sóng đỏ lấn át màu xanh”, màu sắc đại diện dùng để phân biệt hai đảng.

Trong giai đoạn quan trọng vào tháng 8 và tháng 9, việc Tổng thống Biden và đảng Dân chủ thông qua được một số đạo luật quan trọng như Đạo luật kiểm soát an toàn súng đạn, Đạo luật khuyến khích sản xuất bán dẫn cho nước Mỹ, Đạo luật giảm lạm phát… đã giành lại được phần nào uy tín và sự ủng hộ của cử tri.

Những ứng cử viên và cử tri lạc quan của đảng Dân chủ thậm chí bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh lật lại thế cờ, tiếp tục duy trì quyền kiểm soát tại cả hai viện quốc hội hoặc ít nhất là Thượng viện.

Tuy nhiên, vào giai đoạn nước rút, trong tháng 10 vừa qua, phe đỏ lại dần dần lấy lại lợi thế. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận cuối tháng 10, đảng Cộng hòa gần như chắc chắn sẽ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong khi cuộc đua tại Thượng viện quay trở lại tỷ lệ 50/50.

Kết quả bầu cử khó đoán định

Tại Hạ viện, các cuộc thăm dò dư luận và mô hình dự báo bầu cử cho thấy đảng Dân chủ đang ở thế bất lợi so với đảng Cộng hòa ở nhiều khu vực. Việc Dân chủ “hụt hơi” trong cuộc đua tại Hạ viện xuất phát từ một số nguyên nhân như xu hướng lịch sử, theo đó đảng của các đương kim Tổng thống thường mất ghế trong bầu cử giữa nhiệm kỳ; cơ cấu phân chia khu vực bầu cử 10 năm một lần theo điều tra dân số có lợi cho đảng Cộng hòa và đặc biệt là tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Biden đang ở mức rất thấp.

Trong các cuộc thăm dò cuối tháng 10, tỷ lệ ủng hộ đối với ông chủ Nhà Trắng chỉ ở mức 40%, có xu hướng giảm so với trong tháng 9 và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức thấp nhất 36% hồi tháng 5-6 vừa qua. Tỷ lệ không ủng hộ hoặc cho rằng nước Mỹ đang đi chệch hướng lên tới gần 60% cho thấy số người dân Mỹ ủng hộ ông Biden đang giảm đi và rơi vào thời điểm không thể tồi tệ hơn.

Tại Thượng viện, tỷ lệ ủng hộ hai đảng có nhiều thay đổi theo từng mốc thời gian và cho đến thời điểm trước bầu cử một tuần thì đang gần như cân bằng. Lợi thế lớn nhất của đảng Dân chủ hiện nay là các ứng cử viên đều là những thành viên gạo cội, có nhiều kinh nghiệm và uy tín cộng với các quan điểm chính sách gần gũi hơn với đa số người dân Mỹ, đặc biệt là về các vấn đề phúc lợi xã hội và quyền phá thai.

Cho đến nay, mặc dù hàng nghìn cuộc thăm dò dư luận và mô hình dự báo đã được thực hiện nhưng không một hãng thăm dò nào có thể khẳng định ai sẽ là người giành chiến thắng trong từng cuộc đua cụ thể. Bầu cử Mỹ thường tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ và trong kỳ bầu cử năm nay cũng không là ngoại lệ. Hai nhân tố được cho là sẽ có tác động lớn đến kết quả bầu cử năm nay nhưng khó đánh giá là các ứng cử viên lưỡng lự, chưa quyết định bỏ phiếu ủng hộ “xanh hay đỏ” và cá nhân cựu Tổng thống Trump.

Trong các cuộc thăm dò mới nhất, có khoảng 10% số cử tri được hỏi chưa đưa ra quyết định của mình, thậm chí là chưa biết có đi bỏ phiếu hay không. Tuy nhiên, số liệu cho thấy, nếu toàn bộ số cử tri này đi bỏ phiếu có thể sẽ bất lợi cho đảng Dân chủ khi đa số không ủng hộ chính sách của Tổng thống Biden cũng như cho rằng nước Mỹ đang đi chệch hướng.

Đối với cá nhân cựu Tổng thống Donald Trump, ông này vẫn là người có ảnh hưởng lớn trong đảng Cộng hòa khi đa số cử tri Cộng hòa cho rằng ông Trump vẫn là người lãnh đạo đảng và có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Ông Trump cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử hiện nay.

Về tỷ lệ ủng hộ của cử tri Cộng hòa cho một ứng cử viên được ông Trump giới thiệu, 21% cho biết chắc chắn sẽ ủng hộ, 14% có thể sẽ ủng hộ, và 10% nhiều khả năng sẽ ủng hộ. Mặc dù vẫn có 44% số cử tri Cộng hòa nói sự ủng hộ của ông Trump sẽ không có hiệu quả nhưng chỉ có 10% sẽ phản đối.

Cuộc đua Hạ viện khá rõ ràng, Thượng viện khó lường

Mặc dù kết quả chính thức của cuộc bầu cử sắp tới chỉ được công bố sau ngày 08/11 nhưng được dự báo sẽ không nằm ngoài 3 kịch bản, bao gồm: đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện; đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện, đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện; và cuối cùng là đảng Dân chủ thất bại ở cả hai viện Quốc hội Mỹ.

Theo đánh giá của giới chuyên gia bầu cử và các kết quả thăm dò dư luận, tính đến thời điểm cuối tháng 10, thì kịch bản thứ hai, đảng Dân chủ tiếp tục kiểm soát Thượng viện, đảng Cộng hòa giành chiến thắng tại Hạ viện, nhiều khả năng sẽ diễn ra nhất. Khả năng tiếp theo sẽ là kịch bản thứ ba và gần như không có cơ hội cho kịch bản thứ nhất diễn ra.

Đối với kịch bản thứ hai, để giành lại thế đa số tại Hạ viện, đảng Cộng hòa sẽ cần giành thêm ít nhất 5 ghế trong khi phải duy trì được 212 ghế như hiện nay và 01 ghế trống vốn thuộc đảng Cộng hòa. Theo các kết quả thăm dò dư luận và mô hình dự báo kết quả bầu cử, hiện có khoảng 177-191 khu vực bầu cử chắc chắn bầu cho ứng cử viên đảng Dân chủ và 199-211 khu vực bầu cử chắc chắn bầu cho ứng cử viên đảng Cộng hòa.

Trong đó, 33 khu vực bầu cử còn lại hiện đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa hai đảng nhưng cũng chỉ tập trung chính vào một số bang như Michigan, New Hamsphire, Ohio, California và Texas.

Tại Thượng viện, cuộc đua ngày càng trở nên quyết liệt và gay gắt hơn. Đảng Cộng hòa chỉ cần giành thêm được 1 ghế là có thể phá vỡ thế cân bằng và chiếm đa số. Trong số 35 ghế Thượng nghị sỹ được bầu lại, hiện có từ 8-11 ghế nhiều khả năng thuộc về đảng Dân chủ trong khi con số này của đảng Cộng hòa là từ 14-19. Cuộc chạy đua giành 5 chiếc ghế còn lại sẽ tập trung vào các bang, vốn được xem là hay thay đổi như Arizona, Georgia, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin.

Thách thức đối với chính quyền Biden đang ở phía trước

Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ diễn ra vào ngày 8/11 tới sẽ có tác động sâu sắc đến hai năm tiếp theo trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden ở Nhà Trắng. Với việc kịch bản thứ 2 và thứ 3 có nhiều khả năng diễn ra thì Chính quyền Tổng thống Biden được dư báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hoạch định và thực thi các chính sách của mình trong hai năm tới.

Với kịch bản thứ hai, Tổng thống Biden sẽ vấp phải hàng loạt các trở ngại chủ yếu trong thực hiện chính sách đối nội như các dự luật chi tiêu, phúc lợi xã hội, chăm sóc y tế, nhập cư… Việc đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện cũng đồng nghĩa với việc cuộc chiến ngân sách và tài khóa sẽ leo thang nhanh chóng.

Nếu không đạt được đồng thuận về tài khóa, rất có thể sẽ xảy ra nguy cơ Chính phủ liên bang phải đóng cửa một phần thậm chí vỡ nợ, điều đã từng nhiều lần diễn ra trong thời kỳ Chính quyền Tổng thống Obama.

Ngoài ra, Hạ viện cũng có thể khởi động các cuộc điều tra nhằm vào cá nhân Tổng thống Biden hoặc các thành viên nội các, ví dụ như hoạt động kinh doanh của con trai ông Biden, quỹ đối phó Covid-19. Tuy nhiên, việc kiểm soát Thượng viện sẽ vẫn giúp Chính quyền Tổng thống Biden thực hiện các chương trình nghị sự riêng, hạn chế khả năng hủy bỏ hoặc cản trở của phe Cộng hòa tại Hạ viện.

Trong kỳ bầu cử năm nay, đảng Dân chủ của Tổng thống Biden còn đứng trước nguy cơ thất bại tại cả hai viện Quốc hội Mỹ theo như kịch bản thứ 3. Theo đó, các chương trình nghị sự của Tổng thống Biden có thể bị đóng băng hoàn toàn và ông chủ Nhà Trắng chính thức trở thành Tổng thống “vịt què”.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden vẫn có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn các dự luật đồng thời đàm phán để thúc đẩy chương trình nghị sự riêng. Để đảo ngược phủ quyết của Tổng thống, phe Cộng hòa cần ít nhất đa số áp đảo với 2/3 số nghị sỹ trong quốc hội ủng hộ và điều này có thể không dễ dàng đạt được vì đảng Cộng hòa khó có thể giành được hơn 60 ghế Thượng nghị sỹ trong cuộc bầu cư sắp tới.

Trong lịch sử nước Mỹ, đã từng có nhiều Tổng thống “vịt què” nhưng vẫn đạt được các thành tích quan trọng trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ của mình, như D. Roosevelt, Ronald Reagan và George W. Bush. Để đạt được sự đồng thuận và ghi được dấu ấn đáng kể, điều mà Tổng thống Biden cần làm có lẽ là tập trung vào những lợi ích chung của người dân và nước Mỹ hơn là tìm cách củng cố các cơ sở và nền tảng ủng hộ đảng phái chính trị của mình./.

Trong 22 cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ từ năm 1934 đến 2018, đảng của Tổng thống đương nhiệm mất trung bình 28 ghế Hạ viện và 4 ghế Thượng viện. Về tỷ lệ thành công, đảng của Tổng thống mới chỉ 3 lần giành thêm ghế tại Hạ viện và 6 lần tại Thượng viện, 2 lần giành thêm ghế tại cả hai viện Quốc hội trong các kỳ bầu cử trước đây.

Một xu thế chung trong đời sống chính trị Mỹ là đảng cầm quyền thường mất ghế tại Quốc hội khi cử tri Mỹ có xu thế bỏ phiếu phản đối Tổng thống đương nhiệm trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Theo Vũ Hợp - Phạm Huân

VOV

Trở lên trên