Bảy tháng đầu năm 2022, 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra hôm nay (11/8), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2022, đề xuất 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.
- 11-08-2022Giải pháp nào cho các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu Zero Carbon vào năm 2050?
- 11-08-2022Chính phủ muốn có cái nhìn thực chất về tình hình kinh tế và khó khăn của doanh nghiệp
- 11-08-2022Hải Phòng: Tạo điều kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư
Theo Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 7/2022, cả nước có 871.275 doanh nghiệp đang hoạt động. Thị trường đặc biệt là thị trường nội địa của các doanh nghiệp trong một số ngành phục hồi trên 75%-85% so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19. Doanh thu 7 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch.
Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực tế các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất. Số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn ở mức cao.
Năm 2021, cả nước có 54.960 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, tăng 90,8% so với bình quân giai đoạn 2016-2020. 7 tháng đầu năm 2022, 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện, khu vực doanh nghiệp thiếu vắng lực lượng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh chụp giật, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà nước, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, nhất là về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại...
Một số chính sách trong chương trình phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp còn có tỷ lệ giải ngân thấp, tình hình xây dựng một số văn bản hướng dẫn còn chưa bảo đảm được tiến độ yêu cầu đề ra. Đồng thời, việc thực hiện và giải ngân một số chính sách đã được ban hành còn chậm, đạt kết quả thấp, chưa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vào thời điểm cần thiết, làm giảm hiệu quả của chương trình. Mức độ tiếp cận của doanh nghiệp với một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ còn hạn chế.
Thực hiện ngay 4 nhóm nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp
Trước tình hình này, Bộ KH&ĐT đề xuất 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, trong đó 4 nhóm cần triển khai ngay, và 4 nhóm có tính dài hạn.
Bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai ngay trong ngắn hạn, bao gồm: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại chưa được giải quyết triệt để, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; Tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước.
Về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, Bộ KH&ĐT cho biết, tính đến hết tháng 7, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm, gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ước khoảng 89,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó: số tiền thuế gia hạn khoảng 43 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 46,2 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, cần khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Cuối cùng là tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo kỹ năng người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thiếu hụt thị trường.
Với các nhóm giải pháp trên, Bộ KH&ĐT đề xuất Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện trình Chính phủ phương án giảm thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, triển khai hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của giá xăng dầu như hỗ trợ ngư dân bám biển, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, người thu nhập thấp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất chính sách hỗ trợ chi phí xăng dầu phù hợp, giúp ngư dân vươn khơi, bám biển.
Bộ Tài chính cũng khẩn trương nghiên cứu, báo cáo về đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19; ban hành thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước vốn chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ KH&ĐT đề xuất Bộ Xây dựng và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở địa phương khẩn trương công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường trong điều kiện giá cả hàng hoá.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục có giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ.
Tính đến ngày 22/7/2022, gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 340 nghìn người lao động đang làm việc trong 3,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho gần 5000 người lao động quay trở lại làm việc tại khoảng 600 doanh nghiệp.
Tiền phong