BĐS Tây Nam Bộ – điều kiện đánh thức “rồng Sóc Trăng”
Sóc Trăng được mệnh danh là con rồng thứ 9 – nhánh cuối cùng của hệ thống sông Cửu Long đi qua trước khi đổ ra biển Đông tại Trần Đề.
Năm 2019 sẽ đánh dấu bước tiến lớn của Sóc Trăng trên nhiều khía cạnh, đánh thức được tiềm năng không chỉ ở kinh tế biển, hay nông nghiệp mà còn ở đầu tư công nghiệp và đầu tư vào hạ tầng BĐS, tạo điều kiện giúp "rồng Sóc Trăng" chuyển mình thức giấc.
Đồng bằng sông Cửu Long trước cơ hội dịch chuyển dòng vốn
Theo báo cáo từ VCCI Cần Thơ thì Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng có kết quả điều hành tốt khi có 5 tỉnh trong vùng lọt top 10 của chỉ số PCI (Đồng Tháp ở top 3), 6 tỉnh xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, toàn vùng đã đóng góp đến 20% GDP cho cả nước. Thậm chí, khoảng hơn 9.500 doanh nghiệp mới được thành lập trong năm 2018 đã tạo nên một bức tranh kinh tế toàn cục đầy kỳ vọng cho "vùng đất chín rồng".
Mặt khác, theo các chuyên gia Bất động sản, thị trường đã không còn là sự độc tôn của các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, mà đã lan rộng hầu hết các vùng miền, đặc biệt là những tỉnh lẻ "vệ tinh". Dù thực chất giá trị bất động sản miền Tây vẫn chưa thể sánh ngang với các điểm nóng truyền thống, nhưng vẫn cho thấy sức hấp dẫn rõ rệt từ cuối năm 2018 khi nhiều dự án đất nền - nhà phố ở các tỉnh như Hậu Giang, Kiên Giang và Vĩnh Long có số lượng giao dịch vượt dự kiến.
Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi chằng chịt vừa là ưu điểm khi tạo thế mạnh về nông nghiệp lúa nước, nhưng cũng là khuyết điểm lớn của Đồng bằng sông Cửu Long khiến giao thương hạn chế, "giam chân" tiềm năng liên kết vùng. Bởi vậy nên từ trung ương đến địa phương đã quyết tâm thay đổi diện mạo hạ tầng khu vực, nhiều dự án giao thương huyết mạch đã được triển khai ráo riết, như tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tuyến đường sắt cao tốc nối liền TP.HCM - Cần Thơ, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Kinh tế "vươn mình", hạ tầng giao thông cải thiện, sự dịch chuyển dòng vốn sẽ thúc đẩy hơn nữa giá trị đầu tư vào nhiều khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hàng loạt dự án cải thiện hạ tầng giao thông Sóc Trăng
Xét về khía cạnh đường bộ, tỉnh Sóc Trăng đã hoàn thành mục tiêu đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ đạt tiêu chuẩn cấp III, cấp IV đồng bằng. Các dự án tuyến ngoại thành "kích cầu" kinh tế nổi bật gồm: nâng cấp tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ TP. Sóc Trăng đi huyện Châu Thành; đầu tư hệ thống cầu giao thông trên tuyến Quốc lộ 61B, mở rộng, nâng cấp Quốc lộ Quản lộ - Phụng Hiệp. Còn riêng hạ tầng giao thông nội thành được địa phương quan tâm bảo đảm thông suốt từ ấp đến khóm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Tỉnh Sóc Trăng cũng đang cố gắng để hoàn thành mục tiêu 100% đường ôtô đến trung tâm xã trong năm 2020.
Xét về khía cạnh đường biển, tỉnh Sóc Trăng cực kì quan tâm bởi tiềm năng kinh tế biển lớn của địa phương. Hiện tại, tỉnh đang triển khai bến cảng phục vụ tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo; Bến cá Mỏ Ó; cảng Trung tâm Nhiệt điện Long Phú; bổ sung quy hoạch tuyến vận tải Trần Đề - Côn Đảo và cảng hàng hóa 2.000 tấn; kêu gọi đầu tư cảng Đại Ngãi, cảng Cái Côn; lập thủ tục bổ sung cảng nước sâu ngoài khơi khu vực Trần Đề vào Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.
Được sự hỗ trợ và tạo điều kiện từ Trung ương, trong tương lai Sóc Trăng sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, hệ thống giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp, vùng, hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Sóc Trăng đang cố gắng hoàn thành mục tiêu 100% đường ôtô đến trung tâm xã trong năm 2020.
Giá trị BĐS tiềm năng của Sóc Trăng
Được mệnh danh là con rồng thứ 9 – nhánh cuối cùng của hệ thống sông Cửu Long đi qua trước khi đổ ra biển Đông tại cửa Trần Đề. Có thể nói rằng năm 2019 sẽ đánh dấu một bước tiến lớn của Sóc Trăng trên nhiều khía cạnh, đánh thức được tiềm năng không chỉ ở kinh tế biển, hay nông nghiệp mà còn ở đầu tư công nghiệp và đầu tư vào hạ tầng BĐS, tạo điều kiện giúp "rồng Sóc Trăng"chuyển mình thức giấc.
Tình hình thu hút đầu tư tại Sóc Trăng cũng có phản hồi rất tích cực, nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng đến tìm kiếm cơ hội tại Sóc Trăng. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 với nguồn vốn lên đến 120.000 tỷ đồng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã tiếp xúc, giới thiệu cơ hội đầu tư cho 435 lượt nhà đầu tư, có 85 dự án đầu tư được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 1,64 lần so giai đoạn 2011 - 2015; trong đó, có 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn 3.152 tỷ đồng.
Cửa Trần Đề, Sóc Trăng trên bản đồ.
Một số dự án đã và đang triển khai, như: Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất hàng may mặc, túi xách, giày da và nguyên phụ liệu; Dự án đầu tư Nhà máy may Nhà Bè - Sóc Trăng, Nhà máy điện gió Công Lý… Khi hoàn thiện các dự án này sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra diện mạo mới cho Sóc Trăng, giúp lượng lao động tập trung cùng các lĩnh vực dịch vụ cũng phát triển để đáp ứng kịp thời, và kéo theo là sự phát triển về nhu cầu nhà ở cũng như hạ tầng bất động sản tại đây.
Trên thực tế chỉ trong năm 2019, Sóc Trăng đã ghi nhận sự "chào sân" của hàng loạt ông lớn như Công ty cổ phần tập đoàn FLC, Tập đoàn Youngone (Hàn Quốc). Cạnh đó, dự án Vincom Shophouse Sóc Trăng đã đi vào hoạt động, Khu đô thị tái định cư 5A tiếp tục được triển khai, dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt đã được quy hoạch. Công ty CP BĐS LinkHouse Tây Nam - đơn vị uy tín, có kinh nghiệm triển khai thành công nhiều dự án tại thị trường Tây Nam Bộ như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long cũng đã có mặt tại thị trường này với dự án cận trung tâm thành phố Sóc Trăng.