Bế tắc dự án hỗ trợ hoàn vốn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sau gần 7 năm đưa vào sử dụng nhưng nguồn thu phí vẫn chưa đủ bù đắp chi phí lãi vay phải trả.
Các dự án hỗ trợ hoàn vốn cao tốc Hà Nội- Hải Phòng đã bị treo nhiều năm nay, khiến nhiều địa phương đề nghị thu hồi các dự án này.
- 09-09-2022Dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực bất động sản thay đổi thế nào từ năm 2010 đến nay?
- 07-09-2022Top 10 tỉnh, thành có dòng vốn FDI chảy vào tăng nhiều nhất từ năm 2010 đến nay?
- 06-09-20225 thành phố trực thuộc Trung ương từng đóng góp 40% vào quy mô GDP cả nước, con số này hiện thay đổi ra sao?
Ngoài việc được giao triển khai tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, VIDIFI được giao đầu tư 5 khu đô thị (KĐT) và 7 khu công nghiệp (KCN) ở các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Trong quá trình triển khai, số lượng dự án bị “rơi rụng”, hiện chỉ còn 5 KĐT và 5 KCN.
Chưa thực hiện đầy đủ cam kết hỗ trợ
Theo Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết của Nhà nước cho Dự án BOT đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà nước cam kết hỗ trợ tối đa 39% tổng mức đầu tư công trình.
Thời hạn để kích hoạt các khoản hỗ trợ nói trên là sau 2 năm kể từ khi Dự án được đưa vào khai thác. Với khoản hỗ trợ đó, sau khi cập nhật các thông số như các khoản thu, chi thực tế để tính toán lại phương án tài chính đối với Dự án theo Quyết định 746/QĐ-TTg, thì thời gian hoàn vốn của dự án này là 29 năm, với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 9,39%.
Tuy nhiên, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Anh Tú- Tổng giám đốc VIDIFI, cho biết dù VIDIFI đã triển khai thi công và đưa vào sử dụng Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ năm 2015, nhưng đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện được khoảng 1/3 cam kết (đã bố trí và trả cho VIDIFI 3.979 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước). Các cam kết còn lại chưa được thực hiện do còn vướng mắc trong việc xử lý tại các bộ, ngành, đã ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Do đó, VIDIFI chưa được thực hiện được các dự án KCN, KĐT được giao dọc theo cao tốc Hà Nội- Hải Phòng do chưa thu xếp được vốn chủ sở hữu tối thiểu và huy động vốn.
Tại cuộc họp giữa Bộ Tài chính với UBND các tỉnh, thành phố có liên quan đến Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đại diện các bộ, ngành cũng đều cho rằng, việc các cam kết của Nhà nước chưa thực hiện đầy đủ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khó khăn cho Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Đề xuất thu hồi dự án
Tính đến đầu tháng 8/2022, ngoại trừ KĐT Gia Lâm, các KĐT và KCN khác đều chưa được VIDIFI triển khai. Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều địa phương cũng đã liên tục kiến nghị thu hồi các dự án nói trên vì các dự án này bị “treo” quá lâu, gây lãng phí nguồn lực.
Được biết, Bộ KH&ĐT vừa có Công văn số 5513/BKHĐT-KCHTĐT gửi Văn phòng Chính phủ tham gia ý kiến đối với đề xuất mới đây của Bộ Tài chính về việc xử lý thu hồi các dự án KCN, KĐT do VIDIFI làm chủ đầu tư. Theo đó, Bộ KH&ĐT cho rằng Bộ Tài chính mới chỉ báo cáo việc VIDIFI hiện không thể thu xếp được vốn chủ sở hữu tối thiểu và góp vốn để triển khai các dự án này, mà chưa làm rõ việc: nếu Nhà nước thực hiện đầy đủ các cam kết, thì VIDIFI có thể triển khai được các dự án này hay không.
Về vấn đề này, ông Trần Anh Tú cho biết do VIDIFI đã dồn hết nguồn lực thực hiện dự án Cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, nhưng chưa nhận được phần còn lại tiền cam kết hỗ trợ từ Nhà nước, nên VIDIFI hiện đang rất khó khăn, không có nguồn vốn để tiếp tục triển khai đầu tư các dự án KCN, KĐT được giao. VIDIFI chỉ có thể triển khai được nếu có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông và nguồn lực tài chính so với hiện nay. VIDIFI sẽ chấp hành nghiêm túc quyết định cuối cùng từ Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các Bộ, ngành cần xem xét sớm thực hiện phần cam kết hỗ trợ còn lại cho VIDIFI. Sau khi nhận được phần hỗ trợ này, nếu VIDIFI không thu xếp đủ vốn thực hiện các dự án KĐT, KCN còn lại, thì nên thu hồi các dự án này, nhưng phải hoàn lại VIDIFI số tiền đã đầu tư.
Diễn đàn Doanh nghiệp