MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bé trai 6 tuổi bị xung huyết dạ dày do bà bón cơm từ nhỏ: Bác sĩ điều trị lên tiếng cảnh báo vi khuẩn HP rất nguy hiểm

14-11-2019 - 19:26 PM | Sống

Theo bác sĩ tư vấn điều trị, bệnh nhi bị xung huyết và viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, đã điều trị bệnh 3 năm nay nhưng chưa có tiến triển. Nguyên nhân căn bệnh được xác định do vi khuẩn HP, khả năng cao bị lây nhiễm từ bà nội trong quá trình bón cơm từ nhỏ.

Bé trai 6 tuổi bị bệnh dạ dày nặng do bà nội bón cơm

Khoảng 1-2 ngày mới đây, cộng đồng mạng xôn xao chia sẻ nhau bài viết của một bác sĩ Bệnh viện Nhi TW kể về trường hợp bệnh nhi dù mới 6 tuổi nhưng đã bị bệnh dạ dày rất nặng. Bất ngờ hơn, nguyên nhân cháu bé bị bệnh lại xuất phát từ một thói quen rất phổ biến trong nhiều gia đình, đó chính là bón cơm.

Theo đó, vị bác sĩ kể lại trường hợp của cháu bé Nguyễn Trần Minh N. (6 tuổi, ngụ Hà Nội). Do bố mẹ đi làm ăn xa nên từ năm 2 tuổi, cháu N. ở nhà với bà nội và hằng ngày đều được bà nhai cơm rồi bón trực tiếp vào miệng.

Sau đó 1 năm, bé N. bắt đầu có triệu chứng nôn khan, người gầy, xanh xao, đi ngoài phân đen. Gia đình lo lắng đưa bé đi khám và nhận kết quả bàng hoàng rằng cháu bị xung huyết và viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, nổi sần toàn bộ niêm mạc dạ dày và dương tính với vi khuẩn HP.

"Một bé 6 tuổi, đang độ tuổi tươi đẹp nhất. Giờ đây gánh chịu hậu quả to lớn cho một thói quen xấu của chính người thân mình. Thử hỏi, biết tính sao? Giờ này hối hận liệu kịp không?" - bác sĩ điều trị cho cháu bé xót xa viết trên MXH.

Bé trai 6 tuổi bị xung huyết dạ dày do bà bón cơm từ nhỏ: Bác sĩ điều trị lên tiếng cảnh báo vi khuẩn HP rất nguy hiểm - Ảnh 1.

Bản kết luận viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, hành tá tràng của bé N.

Bác sĩ tư vấn điều trị chia sẻ thêm về tình hình bệnh nhi

Chia sẻ thêm với chúng tôi, bác sĩ T.Q.H (Bệnh viện Nhi TW) - bác sĩ tư vấn điều trị cho bệnh nhi Nguyễn Trần Minh N. cho biết, cháu N. thực chất đã điều trị tại Bệnh viện Nhi TW 3 năm nay, gần đây cháu được chỉ định sinh thiết, do vậy anh đã đăng tải trường hợp của cháu lên mạng để cảnh tỉnh cho những gia đình khác.

"Bệnh nhân này đã điều trị 3 năm tại Nhi rồi mà không có tiến triển, đợt này quyết định sinh thiết xem có K hay không.

Cháu bé từ 2 tuổi đã ở với bà. Bố mẹ bé tả là mỗi lần cho bé ăn cháo bà đều mớm. Khi bé đau (3 tuổi) gia đình đã cho lên Viện Nhi test thì ra HP dương tính. Bà của bé thì trước đó có tiền sử đau dạ dày, điều trị tại địa phương. Khi cháu bé test HP thì cả bà cũng test và cũng HP dương tính.

Từ nhỏ chăm bé chỉ có bà, một phần nữa như bố mẹ bé tả, phần nữa do kết quả test HP thì khả năng rất cao bé nhiễm HP là do từ bà. Ngoài ra, ông nội của bé cũng nhiễm HP" - bác sĩ T.Q.H chia sẻ.

Bác sĩ T.Q.H cũng cho biết thêm, vi khuẩn HP thật sự rất nguy hiểm bởi là nguyên nhân chính gây ra bệnh đau dạ dày. Theo số liệu cũ, nguyên nhân gây viêm loét dạ dày do HP dương tính chỉ chiếm 20%. Tuy nhiên đến hiện tại, tỷ lệ này đã tăng lên đến 80%.

Qua trường hợp của cháu bé N., bác sĩ T.Q.H cảnh báo những tác hại nghiêm trọng của vi khuẩn HP.

Theo bác sĩ, có đến 90% dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP trong dạ dày, tuy nhiên trong đó chỉ có vi khuẩn HP mang gen có độc lực mới gây bệnh. Những vi khuẩn HP này rất dễ lây qua dịch tiết họng nếu chúng ra truyền nước bọt sang trẻ em như việc bón cơm hay hôn môi trẻ trực tiếp.

Bác sĩ nhấn mạnh, việc điều trị vi khuẩn HP ở trẻ em dưới 6 tuổi là rất gian khổ và khó khăn. Bị nhiễm vi khuẩn HP, các cháu nhỏ sẽ xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng như nôn trớ, suy dinh dưỡng, viêm hô hấp trên, thiếu máu trong thời gian quá dài...

Qua đó, để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP cho trẻ nhỏ, bác sĩ khuyến cáo:

- Không hôn trực tiếp môi bé, nhất là người có tiền sử viêm loét dạ dày, tá tràng kể cả khi không có biểu hiện.

- Cách ly không cho trẻ dùng chung cốc, bát, .. với người đang nhiễm vi khuẩn HP.

- Không được mớm cháo cho bé bằng chính miệng của người lớn. Là nơi lây nhiễm quá nhanh.

Theo Tùng

Trí thức trẻ

Trở lên trên