Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV: Quỹ bình ổn giá góp phần kiểm soát lạm phát
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết; trong đó, có Luật Giá (sửa đổi).
- 18-05-2023Chuyên gia đề xuất 3 nhóm giải pháp kiểm soát lạm phát nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế
- 05-05-2023Thủ tướng: Lạm phát đang giảm dần, cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng và nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô
- 11-04-2023Kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát để có các biện pháp ứng phó phù hợp
Bên lề kỳ họp này, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) khẳng định, sau kỳ họp lần trước, Dự thảo luật lần này đưa ra đã được nghiên cứu, rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa để có được sự đầy đủ, toàn diện nhất những ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội và tất cả các cơ quan tham gia ý kiến.
Đến thời điểm này, các vấn đề trong Dự thảo Luật Giá trình lên Quốc hội đã đạt được sự thống nhất cao của cơ quan soạn thảo với cơ quan thẩm tra và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề quan ngại, những ý kiến khác nhau không nhiều. Có thể nói rằng đã đạt được những mục tiêu rất tốt.
Cũng theo đại biểu Trần Văn Lâm, so với dự thảo trước, lần này Quốc hội đã rà soát kỹ đặc biệt các danh mục hàng hóa mà nhà nước được định giá, danh mục nhà nước bình ổn giá. Trên cơ sở các tiêu chí, nguyên tắc đặt ra trong dự thảo Luật, tiến hành rà soát các luật khác liên quan đến giá cả của các mặt hàng, để có thể đưa vào, đưa ra. Danh sách đó đến thời điểm này đạt được sự thống nhất cao của các cơ quan liên quan.
Một số chính sách liên quan đến công cụ bình ổn giá, liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh trong danh sách giá trần, giá sàn đã được tính toán cân nhắc rà soát và điều chỉnh cho phù hợp.
Về nguyên tắc chung, Luật Giá (sửa đổi) xác định là công cụ để nhà nước quản lý giá và điều tiết về giá. Nguyên tắc giá do thị trường định giá. Trong nền kinh thị trường hoàn hảo mọi giá được định bởi các nguyên tắc, nguyên lý của thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp vào để mà điều tiết, xác định giá trong những điều kiện đặc thù.
Do đó, khi có yếu tố độc quyền, khi yếu tố độc quyền sẽ làm sai lệch quan hệ cung cầu, giá cả để một vài doanh nghiệp có tính chất độc quyền dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra là yếu tố thiên tai địch họa… sẽ dẫn đến phá vỡ quan hệ cung cầu, lúc này nhà nước sẽ can thiệp.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, có thể nói rằng, chất lượng của thẩm định viên cũng đã được rà soát góp phần nâng cao chất lượng trong việc thẩm định giá, tính khả thi, người có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai.
Trước đây Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa được đưa vào trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi), có ý kiến cho rằng nên bỏ quỹ này do chưa chứng minh được khả năng điều tiết giá trong quá trình giá xăng dầu biến động.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, Quỹ bình ổn xăng dầu là cụ thể nhưng luật không quy định cụ thể có quỹ A, hay quỹ B mà chỉ đưa ra nguyên tắc, công cụ cho phép để cơ quan quản lý nhà nước sử dụng công cụ trong trường hợp cụ thể để quản lý để điều tiết giá, đáp ứng mục tiêu quản lý của nhà nước.
Trong các công cụ quản lý giá có công cụ lập quỹ bình ổn, quỹ bình ổn không chỉ cho mỗi xăng dầu mà bất cứ mặt hàng chiến lược nào cần thiết thấy cần phải xác lập Quỹ bình ổn, nhà nước có thể thành lập quỹ đấy để điều tiết giá.
Đây chỉ là công cụ và trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) không đề cập đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dự thảo luật chỉ đưa ra một công cụ tùy điều kiện, bối cảnh, tình hình do nhu cầu thực tế quản lý điều tiết giá mà Chính phủ quyết định lập quỹ A, hay quỹ B …
Do vậy, việc lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không, vào thời điểm này hay thời điểm khác, trong bao lâu hay như thế nào hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, luật đưa ra cơ sở pháp lý cho phép thành lập quỹ, cho phép điều chỉnh giá trong một số mặt hàng cần điều chỉnh giá. Đây là cung cấp cơ sở pháp lý và Quốc hội sẽ không bàn cụ thể lập quỹ nào.
Chia sẻ thêm về việc tại sao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đồng ý để trong luật nội dung cho phép thành lập quỹ trong điều kiện cần thiết, đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh, đây là công cụ, lính ra trận cần nhiều công cụ, vũ khí để ra trận.
Vì thế, nếu tước bỏ đi công cụ nào cũng làm ảnh hưởng đến khả năng điều hành của Chính phủ. Bây giờ đánh giá quỹ này Chính phủ thành lập đúng chưa, sử dụng đúng chưa, thì đấy là vấn đề điều hành thực thi chứ không phải vấn đề luật pháp.
Nếu soi cụ thể vào lĩnh vực xăng dầu, hiện nay thế giới cũng phải điều tiết giá xăng dầu để bình ổn, họ cũng phải sử dụng các công cụ khác, như Kho dự trữ quốc gia, còn Việt Nam không có đủ khả năng để lập Kho dự trữ quốc gia đủ lớn nên vẫn phải điều tiết.
“Chúng ta điều tiết thông qua công cụ lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng giá trị. Khi cần thiết Chính phủ bơm tiền ra để giúp giảm giá bán xăng dầu cho người tiêu dung”, đại biểu Trần Văn Lâm bày tỏ.
Do vậy, bình ổn giá xăng dầu hay bình ổn giá các mặt hàng là nội dung rất quan trọng để kiểm soát lạm phát, để ổn định kinh tế vĩ mô, từ cơ sở đó để tạo ra điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh.
Đối với yếu tố vĩ mô, giá đóng vai trò rất quan trọng trong đó có giá xăng dầu Chính phủ phải điều tiết.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, kể cả trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, nhờ công cụ quản lý điều tiết giá, giá xăng dầu và giá các mặt hàng khác đã được Chính phủ quản lý điều tiết tạo ra sự bình ổn, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi các nước như châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác lạm phát, giá cả rất cao, nhưng chúng ta vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát là do Chính phủ đã sử dụng các công cụ quản lý điều hành giá để đạt được kết quả, đạt được mục tiêu.
Để sử dụng những quỹ đó hiệu quả và minh bạch, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, Quỹ bình ổn giá chỉ là một công cụ, mỗi công cụ chỉ phát huy hiệu quả trong một không gian nhất định, điều kiện nhất định.
Bởi vậy, với điều kiện biến động giá không quá lớn có thể sử dụng công cụ này điều tiết được. Trong trường hợp giá biến động quá lớn, gấp nhiều lần trong khi quy mô quỹ nhỏ, lúc này quỹ không thể phát huy được vai trò.
Do đó, phải sử dụng kết hợp với nhiều công cụ khác như Chính phủ đã từng làm, đã báo cáo ra Quốc hội thời gian qua như: Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng như các biện pháp điều hành, điều tiết khác.
Đây là lý do đại biểu Quốc hội thấy rằng trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nên giữ công cụ Quỹ bình ổn giá, sử dụng như thế nào, sử dụng ra sao thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Trong thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu nó còn khiếm khuyết trong quản lý điều hành, như tính công khai, minh bạch, nhiều người nghi ngờ lợi dụng quỹ này… đó là trách nhiệm cơ quan quản lý. Vì thế, phải công khai để mọi người dân tin tưởng yên tâm rằng quỹ này được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả, đó là trách nhiệm của Chính phủ.
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, vừa rồi đã có nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến phải giữ quỹ và phải sử dụng một cách có hiệu quả, phải công khai minh bạch hơn, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến này. Điều này hoàn toàn khả thi có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần có một Quỹ tập trung, không phải giao cho từng doanh nghiệp quản lý mà có thể cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính đứng ra quản lý Quỹ tập trung này cho rõ ràng minh bạch. Đây là một ý kiến Chính phủ cũng cần phải xem xét nghiên cứu.
Trong kỳ điều chỉnh hôm qua (22/5), giá mặt hàng xăng đồng loạt tăng. Cơ quan điều hành đã quyết định trích lập Quỹ bình ổn 300 đồng với tất cả các loại xăng dầu.
Theo Bộ Tài chính, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu của quý I/2023 là 5.640,34 tỷ đồng. Trong quý I/2023 (từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/3/2023), tổng số trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu là 1.681,75 tỷ đồng; số sử dụng là 658,99 tỷ đồng.
Ngoài ra, lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu dương trong quý I/2023 là 2,42 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm trong quý I/2023 là 2,17 tỷ đồng.
Báo tin tức