MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bệnh nhân bị chấn thương ở háng, rách cơ vì tập yoga theo tư thế này: Lời cảnh báo không thừa từ bác sĩ

03-03-2019 - 21:13 PM | Sống

Một bệnh nhân trẻ tuổi tại TP.HCM đã bị chấn thương ở háng, rách cơ và phải nghỉ tập yoga đến 8 tuần chỉ vì cố tập luyện một động tác khó mà chưa khởi động kỹ.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật bàn tay và vi phẫu tạo hình cho biết, mới đây ông đã tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân bị chấn thương nặng trong quá trình tập yoga.

Nữ bệnh nhân 20 tuổi, ngụ TP.HCM đến phòng khám Chấn thương chỉnh hình M.Q (quận Bình Thạnh) cầu cứu vì bị chấn thương khi tập yoga trong tình trạng vùng đùi gần bẹn sưng, bầm tím một mảng lớn và rất đau nhức.

Bệnh nhân bị chấn thương ở háng, rách cơ vì tập yoga theo tư thế này: Lời cảnh báo không thừa từ bác sĩ - Ảnh 1.

Bệnh nhân bị bầm tím đùi và tét háng lúc tập yoga.

Khai thác bệnh sử, cô gái cho biết đã đi tập gym và yoga từ nhiều năm trước nhưng có ngưng một thời gian, gần đây tiến hành tập lại.

Thời điểm xảy ra sự việc, nữ bệnh nhân đang tập tư thế yoga xoạc háng thì nghe đau rát. Mấy ngày sau thì vết sưng bầm xuất hiện và lan rộng ở đùi. Dù đã thoa kem nóng trị bầm nhưng tình trạng không cải thiện mà ngày một nặng hơn.

"Bệnh nhân cho biết lúc tập chỉ khởi động sơ sài chứ không kỹ, đến khi xoạc háng bị đau nhưng vẫn cố thực hiện thêm" - bác sĩ nói.

Bệnh nhân bị chấn thương ở háng, rách cơ vì tập yoga theo tư thế này: Lời cảnh báo không thừa từ bác sĩ - Ảnh 2.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh xử lý chấn thương cho một bệnh nhân có vấn đề ở xương, khớp.

Tại phòng khám sau khi kiểm tra, cô gái được xác định đã tét háng, rách cơ khép đùi.

Bệnh nhân được điều trị bằng cách chườm đá, băng thun băng ép đùi, dùng thuốc kháng viêm, giãn cơ. Bệnh nhân phải đi lại nhẹ nhàng để tránh làm căng cơ đùi và phải ngưng tập yoga trong 6-8 tuần.

Theo bác sĩ, những trường hợp bị chấn thương gân cơ do tập yoga diễn ra khá phổ biến nhưng thường là chấn thương phần mềm.

Riêng với động tác xoạc háng sát đất trong yoga, ngoài việc khởi động kỹ lưỡng thì người tập cần ít nhất 3-4 tháng tập mỗi ngày để có thể thuần thục và thực hiện một cách thoải mái, an toàn. Vì gân cơ khép cần căng thời gian khá lâu mới có thể giãn ra chứ không thể ép vội vàng.

Bệnh nhân bị chấn thương ở háng, rách cơ vì tập yoga theo tư thế này: Lời cảnh báo không thừa từ bác sĩ - Ảnh 3.

Người tập Yoga nên lắng nghe cơ thể của mình.

Dù yoga về nguyên tắc giúp cải thiện sự dẻo dai của cơ thể, giảm stress và giúp tăng tuần hoàn máu nhưng nếu tập sai tư thế, người tập hoàn toàn có thể rước họa vào thân.

Những động tác thường gặp chấn thương là khoanh chân bẻ gối, vặn xoắn người, cúi người quá mức hay xoạc háng sát đất như bệnh nhân trên, khi bệnh nhân không làm nóng kỹ và tập sai tư thế.

Hậu quả là bệnh nhân có thể giãn dây chằng, căng cơ tay, chân, chấn thương cổ, vai, đau khớp háng hoặc chấn thương đĩa đệm cột sống, rách cơ...

Ngoài ra, những người bệnh nặng như rối loạn tiền đình, thoát vị đĩa đệm cũng cần cân nhắc khi tập luyện yoga.

"Người luyện yoga cần cẩn thận làm nóng kỹ trước khi tập, ăn mặc phù hợp, bắt đầu từ các bài tập đơn giản theo sự hướng dẫn của người giảng dạy và phải biết lắng nghe cơ thể, không tập quá sức mình" - bác sĩ đưa ra lời khuyên.

Làm thế nào để ngăn chặn chấn thương khi tập yoga?

Để tránh những chấn thương không may có thể xảy ra, bạn hãy lưu ý những điều sau đây:

Tìm một giáo viên có kinh nghiệm: Về cơ bản, yoga không phải là một cái gì đó có thể học được trong ngày một ngày hai bằng cách chỉ xem người khác tập và tập theo. Muốn tập yoga có hiệu quả, bạn cần được một người có chuyên môn, chuyên nghiệp hướng dẫn cụ thể đối với từng động tác.

Không được chủ quan: Thực tế, yoga có từng cấp độ, từ đơn giản đến nâng cao. Khi bạn thấy những học viên tập những động tác nâng cao một cách thuần thục, dễ dàng không có nghĩa là bạn cũng có thể làm được ngay vì thực tế các tư thế đó cũng rất khó khăn và họ cũng đã phải tập luyện rất vất vả mới được như vậy.

Vì vậy, hãy chuyên tâm vào thực hiện những động tác trong cấp độ hiện tại của mình để đạt hiệu quả tốt nhất và nâng cấp dần dần, đồng thời lại đảm bảo sức khỏe.

Tránh tâm trạng cạnh tranh với người khác: Thực hành yoga cũng không phải là hoạt động nóng vội mà được. Do vậy, khi tập bạn cần để cho tâm trạng mình thư giãn, loại bỏ những phiền muộn, đặc biệt là suy nghĩ cạnh tranh với những người khác cùng tập. Không ít người chỉ vì có tâm lý cạnh tranh mà gắng sức để tập khiến cho cơ thể không đáp ứng được, thay vào đó để lại những chấn thương đáng tiếc.

Không bao giờ được bỏ qua động tác khởi động: Cho dù tập yoga hay bất kì hoạt động thể dục nào khác, việc khởi động trước tiên đều vô cùng quan trọng. Nó có tác dụng "khởi động" các cơ quan bên trong cơ thể, đặc biệt là tim, để chúng hoạt động tích cực hơn bằng cách tăng lưu lượng máu và lưu thông trong cơ thể. Điều này sẽ có lợi hơn khi bạn tập các động tác vận động.

Theo Hoàng Lê

Trí thức trẻ

Trở lên trên