Bệnh nhi 4 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu dù đã tiêm vắc xin: Chuyên gia lý giải nguyên nhân
Theo sở Y tế tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh có 1 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu. Cháu bé 4 tuổi, sau 2 ngày nhập viện theo dõi tích cực đã tử vong
- 27-06-2020TS Việt tại Mỹ: Bệnh bạch hầu và quá khứ cực kỳ đáng sợ, chỉ có 1 cách phòng bệnh duy nhất
- 26-06-2020Bệnh nhân 20 tuổi ở TP HCM mắc bạch hầu, cách ly ngay 16 người tiếp xúc gần: Những điều cần biết về căn bệnh nguy hiểm, dễ lây lan này!
- 24-06-2020Liên tiếp xuất hiện các ổ bệnh bạch hầu: Các dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu tuyệt đối không được bỏ qua
Tử vong vì bạch hầu
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, cho biết đó là bé trai người dân tộc Ba Na, trú tại xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai. Từ 28/6, cháu đã xuất hiện triệu chứng sốt, ho, đau họng. Tưởng con bị ốm thông thường nên gia đình mua thuốc cho bé uống 6 ngày không đỡ.
Sáng 3/7, bé được đưa tới trung tâm y tế huyện Đắc Đoa chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi Gia Lai trong ngày. Tuy nhiên, đến sáng sớm 5/7 cháu bé đã tử vong.
Đây là ca bệnh bạch hầu tử vong đầu tiên ở Gia Lai, người thứ 3 tử vong trên cả nước.
Được biết cháu bé này đã được tiêm 3 mũi Quinvaxem trong đó có thành phần vắc xin phòng bạch hầu và đến 18 tháng bé được tiêm nhắc lại mũi thứ 4.
Trước đó, cháu Giàng A Phủ, dân tộc H'Mông, ngụ xã Đăk R’Măng, huyện Đăk Glong, Đắk Nông cũng tử vong do bạch hầu. Ban đầu bệnh nhi sốt, ho, họng có giả mạc, chẩn đoán mắc bạch hầu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Sau đó bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Bệnh nhi bị biến chứng bạch hầu tổn thương tim và suy tim rất nặng, cơ tim bị phá hủy, rối loạn nhịp tăng dần, dẫn đến suy giảm chức năng co bóp, khiến tim ngừng đập.
Vì sao đã tiêm vắc xin vẫn mắc?
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết khi đã tiêm chủng đầy đủ thì khả năng phòng bệnh bạch hầu lên tới gần 100%. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng trẻ tiêm đủ mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc tiêm đủ mũi dịch vụ các loại vắc xin 5 trong 1, 6 trong 1 đều có thành phần bạch hầu thì khả năng phòng bệnh rất cao.
Bệnh nhân biến chứng bạch hầu
Bác sĩ Khanh cũng cho biết tiêm phòng ngừa bạch hầu là ngăn ngừa độc tố của vi khuẩn chứ không phải ngừa vi khuẩn.
Bạch hầu thường xuất hiện ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa là do nơi đây có tỉ lệ chích ngừa vắc xin phòng bệnh bạch hầu thấp. Khi gặp yếu tố thuận lợi sẽ gây bệnh.
Khi trẻ đã tiêm vắc xin mà vẫn mắc bệnh bạch hầu thì có thể có các khả năng:
- Thứ nhất là người mắc bệnh do không có đủ kháng thể do không tiêm đủ mũi
- Thứ hai là do cộng đồng đó có tỉ lệ tiêm phòng bệnh này thấp, miễn dịch cộng đồng thấp. Các khu vực miền núi, Tây Nguyên tỷ lệ tiêm phòng thấp nên đây luôn được coi là "vùng trũng" tiêm chủng.
Bác sĩ Khanh cho rằng người dân ở các vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp cần hết sức chú ý. Nên tiêm lại cho trẻ khi đủ 4, 5 tuổi và 9-12 tuổi tiêm phòng nhắc lại tiếp, sau đó cứ sau 10 năm phải chích ngừa nhắc lại một lần... Ở người lớn, khu vực có dịch thì người dân cũng nên chủ động tiêm chủng.
Bác sĩ Khanh cho biết biến chứng bạch hầu thường rất nặng. Bệnh nhân có thể bị tắc nghẽn đường hô hấp trên, viêm cơ tim, tổn thương các tế bào cơ tim... Bệnh bạch hầu dễ bị bỏ quên, các ca bệnh bạch hầu đến bệnh viện hầu như đã bị biến chứng.
TS BS. Huỳnh Minh Tuấn – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết để đánh giá hiệu quả của tiêm vắc-xin bạch hầu, có thể thực hiện phản ứng Schick. Nếu phản ứng Schick (+), có nghĩa là cơ thể không có kháng thể bạch hầu và cần phải tiêm vắc-xin; nếu phản ứng Schick (-), có nghĩa là trong cơ thể đã có kháng thể trung hoà độc tố và không cần tiêm vắc xin.
Hiện nay, vắc-xin phòng bệnh bạch hầu thường được kết hợp với các vắc-xin phòng bệnh khác (ví dụ: uốn ván, ho gà… trong Chương trình tiêm chủng mở rộng) trong cùng 1 mũi tiêm. Lịch tiêm chủng cũng có thể có chút sự thay đổi đối với các đối tượng trẻ nhỏ, trẻ lớn, người lớn, phụ nữ có thai…
Thông thường, trẻ nhỏ cần tiêm 3 mũi đầu cách nhau 1 tháng, 1 mũi nhắc lại cách 1 năm, tiếp theo sau đó là mũi nhắc lại cách 7-10 năm. Đối với trẻ lớn và người lớn, cần tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng, mũi nhắc lại cách 9-12 tháng, tiếp theo sau đó là mũi nhắc lại cách khoảng 10 năm.
Trí thức trẻ