MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí ẩn Hồ Thính Mệnh - hồ nước có khả năng "hô mưa gọi gió": Chỉ cần bạn hét lớn, trời sẽ lập tức đổ mưa như được phù phép

25-11-2022 - 18:49 PM | Sống

Truyền thuyết kể lại rằng, một người tiều phu nọ vào rừng hái thảo dược. Thấy mùa hè nóng nực, ông liền hét lớn "trời mưa thì hay biết mấy". Một lúc sau, trên mặt hồ bỗng có mây đen xuất hiện, một trận mưa lớn trút xuống.

Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc không chỉ có lịch sử văn hóa lâu đời mà còn có nhiều danh lam thắng cảnh, trong đó nổi tiếng nhất phải kể tới chùa cổ Đại Lý, núi tuyết Ngọc Long, rừng mưa nhiệt đới Xishuangbanna… Và có một địa điểm ít ai biết tới đó là hồ Tingming hay còn gọi là hồ thính mệnh. Điều kỳ diệu nhất của hồ nước này chính là nếu có ai đó hét lớn ở đây, lập tức sẽ có mưa trút xuống. Rốt cuộc điều này có thật hay không?

Hồ Thính Mệnh nằm ở "vùng lõi" của khu bảo tồn thiên nhiên núi Gaoligong với diện tích chừng 0,3km2. Nơi này nằm ở phía đông bắc của huyện Lushui, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Đây là khu vực hiểm trở, đường đi lại khó khăn vì toàn rừng núi. Du khách phải đi bộ hơn 10 tiếng mới đến hồ Thính Mệnh.

Với độ cao 3.540m so với mực nước biển, hồ Thính Mệnh là hồ trên núi lớn nhất ở Gaoligong. Bao quanh hồ là rừng rậm. Đây cũng là ngôi nhà của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm sinh sống như lừa núi, khỉ vàng, linh dương sừng...

Bí ẩn Hồ Thính Mệnh - hồ nước có khả năng hô mưa gọi gió: Chỉ cần bạn hét lớn, trời sẽ lập tức đổ mưa như được phù phép - Ảnh 1.

Khung cảnh tuyệt đẹp của hồ Thính Mệnh - Ảnh: Sohu

Nhìn chung, do nằm trên cao nên nhiệt độ nước thấp, rất ít sinh vật có thể tồn tại trong hồ. Nhưng bù lại, chất lượng nước tại đây được đánh giá rất tinh khiết.

Có một truyền thuyết kể lại rằng, một người tiều phu nọ vào khu rừng này hái thảo dược. Mùa hè nóng nực, ông đi bộ rất lâu mới tới được hồ nước. Lúc này, ông bỗng nhiên hét lớn “trời mưa thì hay biết mấy”.

Một lúc sau, trên mặt hồ bỗng có mây đen xuất hiện, một trận mưa lớn trút xuống. Người tiều phu nghĩ có lẽ ông Trời đã nghe thấy lời cầu nguyện của mình, sau khi trở về nhà liền kể cho mọi người nghe.

Kể từ đó, mỗi khi hạn hán nghiêm trọng xảy ra ở khu vực này, người dân địa phương lại truyền tai nhau chuẩn bị rất nhiều lễ vật tới hồ cầu mưa để được như ý nguyện.

Hiện tượng lạ đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn. Sau những lần tới đây kiểm tra, các chuyên gia phân tích, trên thực tế không có điều huyền bí nào tồn tại. Phía trên hồ luôn có lớp sương mù dày đặc chứa hơi ẩm, chỉ cần gặp sóng âm lớn có thể biến thành mưa hoặc mưa đá rơi xuống.

Lúc này, mọi người mới vỡ lẽ ra rằng, cái gọi là “hô mưa gọi gió” ở hồ Thính Mệnh hoàn toàn có cơ sở khoa học. Song, dù các chuyên gia đã tìm ra nguyên nhân gây mưa ở hồ Thính Mệnh nhưng điều đó vẫn chưa xua tan đi sự tò mò của du khách. Vẫn có rất nhiều người vượt đường xá xa xôi nghìn dặm để tới đây, với mong muốn thử một lần gọi mưa.

Bí ẩn Hồ Thính Mệnh - hồ nước có khả năng hô mưa gọi gió: Chỉ cần bạn hét lớn, trời sẽ lập tức đổ mưa như được phù phép - Ảnh 2.

Phía trên hồ luôn có lớp sương mù dày đặc chứa hơi ẩm nên chỉ cần gặp sóng âm lớn có thể biến thành mưa - Ảnh: Sohu

Để đến thăm địa điểm nổi tiếng này, các du khách có thể tùy thích đi vào bất cứ mùa nào trong một năm. Bởi mỗi mùa sẽ giúp hồ Thính Mệnh khoác lên mình vẻ đẹp khác nhau. Chẳng hạn, vào mùa xuân, những dòng tuyết tan chảy nhỏ giọt xuống lòng hồ và đỗ quyên nở đỏ rực khắp nơi. Mùa hè và mùa thu hồ Thính Mệnh được ví như viên ngọc trai sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời. Riêng mùa đông tuyết phủ trắng khắp cả vùng sẽ khiến việc đi lại khó khăn hơn một chút nhưng khung cảnh lại rất ngoạn mục.

Du khách có thể xuất phát từ Côn Minh, đi về phía tây hơn 500km dọc theo sông Nuijiang tới Liuku. Đây là một thị trấn quan trọng ở phía tây tỉnh Vân Nam. Giá xe tới đây khoảng 200 tệ/chặng (gần 700 nghìn đồng). Sau đó, bạn tiếp tục thuê xe từ Liuku tới thị trấn Pianma của huyện Lushui. Đây là chặng cuối cùng, nên muốn tới hồ phải chấp nhận đi bộ khoảng 10 tiếng băng qua đường rừng núi, thậm chí có những chặng rất xấu.

Về địa điểm nghỉ ngơi, mọi người nên thuê trọ ở nhà người dân địa phương với giá tương đối thấp, hoặc tìm chỗ ở gần trạm bảo tồn thiên nhiên.

Theo Nguyễn Phượng

Thể thao văn hóa

Trở lên trên