Bí ẩn những ngọn núi được ví như 'nhà của các vị thần'
Những ngọn núi này mang các đặc điểm kỳ lạ thực sự khiến người ta phải tròn mắt kinh ngạc.
- 20-12-2022Hóa ra đỉnh Everest vẫn chưa phải là ngọn núi cao nhất trên Trái Đất!
- 29-10-2022Nhiếp ảnh gia phát hiện ngọn núi tại Phú Yên cực giống ngọn núi sau trường nổi tiếng trong truyện Doraemon
- 14-10-2022Việt Nam có những ngọn núi sừng sững như kỳ quan ngay giữa lòng các thành phố lớn
Vườn quốc gia Canaima, nằm ở phía Đông Nam đất nước Venezuela, là địa danh đặc biệt đã truyền cảm hứng cho các tác giả viết ra nhiều cuốn sách và kịch bản phim ấn tượng.
Chẳng hạn, sau khi tạo ra nhân vật Sherlock Holmes, nhà văn Arthur Conan Doyle đã viết tác phẩm "Thế giới đã mất", mô tả một cuộc phiêu lưu lên cao nguyên ở lưu vực sông Amazon tương tự như những gì người ta tìm thấy ở Vườn quốc gia Canaima.
Trong phim hoạt hình nổi tiếng "Up", nhân vật chính du hành bằng khinh khí cầu bóng bay để thực hiện ước mơ đặt chân đến thác nước có nét rất giống thác ở Canaima. Dù sao đi nữa, Canaima cũng quá tuyệt diệu để lên phim ảnh.
Đặc biệt nhất ở Canaima chính là những ngọn núi bằng phẳng, vách đá dựng đứng và thác nước ấn tượng.
Những ngọn núi mang dáng hình độc đáo ấy được đặt tên là Tepui. Trong ngôn ngữ của người da đỏ Pemon, dân bản địa sống ở vùng Gran Sabana, Tepui có nghĩa là "Ngôi nhà của các vị thần".
Các Tepui này mang những đặc điểm kỳ lạ thực sự khiến người ta phải tròn mắt kinh ngạc. Nhưng dù sao đi nữa cũng chỉ biết ngắm nhìn mà khó lòng đặt chân đến.
Hình ảnh những đỉnh Tepui cô lập cao vút trên tầng mây.
Lịch sử lâu đời
Các Tepui là phần còn lại của một cao nguyên sa thạch lớn từng bao phủ lớp đá granit 1,7 tỷ năm tuổi giữa biên giới phía Bắc của Lưu vực sông Amazon và Orinoco, giữa bờ biển Đại Tây Dương và Rio Negro, trong thời kỳ Tiền Cambri.
Trải qua hơn 180 triệu năm, các cao nguyên đã bị xói mòn, tạo nên các ngọn đồi đơn độc mọc lên giữa vùng đồng bằng hay còn gọi là monadnock. Dưới sự tác động của gió và nước mưa, các monadnock này lại tạo thành nhiều Tepui có đỉnh bằng phẳng hay còn được gọi là mặt bàn như ngày nay.
Mặc dù các Tepui trông khá cằn cỗi ở xung quanh sườn, nhưng đỉnh núi lại tràn đầy sức sống. Các Tepui cao chót vót có sườn gần như thẳng đứng và nhiều ngọn cao tới 1.000 mét so với phần chân xung quanh. Ngọn cao nhất lên tới 3.000 mét. Các vách đá gần như thẳng đứng và thảm rừng nhiệt đới dày đặc bao phủ xung quanh nó khiến con người khó có thể tiếp cận được. Đến nay, các nhà thám hiểm chỉ có thể đi bộ đến 3 Tepui, trong đó ngọn núi tên Roraima cao 2.180 mét là dễ tiếp cận nhất.
Độc nhất vô nhị trên thế giới
Đa số các Tepui đứng biệt lập thay vì kết nối với nhau thành từng dãy núi. Điều này khiến chúng trở thành nơi sinh sống của hàng trăm loài động thực vật đặc hữu, một số loài chỉ được tìm thấy trên duy nhất 1 Tepui.
Bên cạnh đó, độ cao lớn của các Tepui khiến chúng có khí hậu khác với những khu rừng ở mặt đất thấp. Ở trên đỉnh Tepui thường mát hơn với lượng mưa thường xuyên, trong khi chân núi có khí hậu nhiệt đới, ấm áp và ẩm ướt. Nhiều loài thực vật đặc biệt đã thích nghi với môi trường để phát triển và trở thành loài "độc nhất vô nhị", chỉ có thể tìm thấy ở Tepui, không nơi nào khác trên Trái đất có được.
Khoảng 9.400 loài thực vật bậc cao đã được ghi nhận ở khu vực Guayana của Venezuela, trong đó có 2.322 loài được tìm thấy ở các Tepui. Khoảng 1/3 số loài không xuất hiện ở nơi nào khác trên thế giới.
Có 115 ngọn núi giống "mặt bàn" như vậy ở vùng Gran Sabana, phía Đông Nam Venezuela, nơi có mật độ Tepui cao nhất. Nổi tiếng nhất trong số đó là núi Roraima.
Roraima được khám phá vào năm 1884. Ngày nay, đỉnh núi cao nguyên này là điểm đến phổ biến của du khách ưa khám phá thiên nhiên và là nơi có thác nước nhỏ, hồ bơi thạch anh tự nhiên. Núi Roraima được cho là đã truyền cảm hứng cho tác giả người Scotland Arthur Conan Doyle viết cuốn tiểu thuyết "Thế giới đã mất".
Tepui nổi tiếng khác là Auyantepui, nơi có thác Angel, thác nước cao nhất thế giới, cao hơn thác Niagara 19 lần. Auyantepui cũng là Tepui lớn nhất với diện tích bề mặt phần đỉnh lên đến 700 km².
Phụ nữ Việt Nam