MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị cáo Hứa Thị Phấn: Hành trình từ cố vấn cấp cao, cổ đông lớn đến bị cáo buộc rút ruột ngân hàng hơn 12.000 tỷ

08-05-2018 - 19:23 PM | Tài chính - ngân hàng

Bị cáo Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động Ngân hàng, thâu tóm toàn bộ hoạt động của HĐQT, Ban điều hành, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng cũng như hoạt động thu – chi tiền mặt…

Theo ghi nhận trong cáo trạng truy tố của Viện KSNDTC, đầu năm 2007 bị cáo Hứa Thị Phấn cùng CTCP Đầu tư Phát triển Phú Mỹ cùng 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng, đứng tên giúp bị cáo Phấn (gọi tắt là Nhóm Phú Mỹ) mua 254.751.970 cổ phần Ngân hàng Đại Tín, tương đương 2.547,5 tỷ đồng, chiếm 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín. 

Hứa Thị Phấn giữ chức vụ Cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín (theo Quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm số 134 ngày 31/12/2008, thôi giữ chức vụ theo Quyết định số 96 ngày 03/12/2012 của HĐQT), bị cáo Phấn có nhiệm vụ tư vấn cho Thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín.

Bị cáo Phấn bị cáo buộc đã lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín, là cổ đông lớn nhất của Ngân hàng, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động Ngân hàng, thâu tóm toàn bộ hoạt động của HĐQT, Ban điều hành và cán bộ nhân viên Ngân hàng Đại Tín và hai chi nhánh (Sài Gòn và Lam Giang), chỉ đạo điều hành mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng cũng như hoạt động thu – chi tiền mặt…; thực hiện và chỉ đạo nhân viên Ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín là 12.005,7 tỷ đồng, thông qua 5 hành vi, bao gồm:

(1) Nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105,5 tỷ đồng;

(2) Hạch toán thu – chi khống, để bị cáo Phấn sử dụng trái pháp luật 5.256,6 tỷ đồng;

(3) Thông qua 29 khoản vay của Nhóm Phú Mỹ, chiếm đoạt và sử dụng 3.581,7 tỷ đồng;

(4) Chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng 1.037,9 tỷ đồng;

(5) Nâng khống giá trị 25 bất động sản khác bán cho Ngân hàng Đại Tín, để chiếm đoạt và sử dụng 1.024 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm pháp luật trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tình hình tài chính Ngân hàng Đại Tín rất xấu. Thời điểm ngày 29/2/2012, tổng tài sản thực còn 20.846,3 tỷ đồng (giảm so với sổ sách là 5.978,7 tỷ đồng), vốn chủ sỡ hữu âm 2.854,8 tỷ đồng và lỗ lũy kế 6.061,7 tỷ đồng, gấp 2 lần vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán thời điểm hợp nhất 31/12/2011. Hậu quả đó có nguyên nhân chủ yếu là do hành vi phạm tội của bị cáo Hứa Thị Phấn và đồng phạm gây ra, cáo trạng ghi nhận.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên