MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bi kịch của người trẻ muốn mua nhà ở Hàn Quốc: Nhịn tiêu tiền, hoãn cưới, bỏ việc, bán linh hồn chỉ để có nơi 'chui ra chui vào'

21-03-2022 - 16:06 PM | Sống

Bi kịch của người trẻ muốn mua nhà ở Hàn Quốc: Nhịn tiêu tiền, hoãn cưới, bỏ việc, bán linh hồn chỉ để có nơi 'chui ra chui vào'

Trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng, nhiều người trẻ muốn mua nhà vì lo sợ nó sẽ tăng cao nữa.

Nhận thấy giá thuê nhà ở Seoul ngày một tăng cao, Lee Jung Min (ngoài 20 tuổi) quyết định vay tiền bố mẹ để mua nhà. "Mỗi ngày thức dậy, giá nhà và giá thuê nhà đều tăng thêm một chút khiến tôi rất lo lắng", Jung Min cho biết.

Sau vài năm làm nhân viên văn phòng, anh tiết kiệm được 50 triệu won (tương đương 1 tỷ đồng). Anh định vay thêm 160 triệu won (khoảng 3 tỷ đồng) của người nhà và vay thêm ngân hàng. Tháng 1 năm ngoái, anh đã mua một căn hộ rộng 66 m2 ở quận Geumcheon-gu (Seoul) với khoản trả trước 240 triệu won (4,6 tỷ đồng), cách công ty 30 phút lái xe.

Theo thống kê của Ngân hàng Kookmin vào cuối năm 2020, giá nhà ở Seoul đã tăng 58% trong 3 năm. Giá một căn nhà trung bình ở Hàn Quốc đã tăng lên mức gấp khoảng 16 lần thu nhập hàng năm của một hộ gia đình trung lưu.

Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều người trẻ muốn mua nhà giống Jung Min vì lo sợ giá nhà sẽ tăng cao nữa. Tuy nhiên, để làm được điều đó, không ít người đã phải "bán linh hồn" của mình. Đây là cụm từ khá phổ biến ở Hàn Quốc hiện nay, chỉ những người trẻ chấp nhận làm mọi việc, từ cắt giảm tối đa chi tiêu hay thậm chí là hoãn cưới, bỏ việc để mua được nhà.

Lee Jong Hoon (36 tuổi) cũng là một người "bán linh hồn". Năm ngoái khi hạn hợp đồng thuê nhà còn 9 tháng, anh đã nghĩ đến việc mua nhà. Vợ chồng anh đã hùn tiền và vay mượn thêm bên ngoài, nhận khoản hỗ trợ từ cha mẹ hai bên để mua một căn hộ 59 m2 ở Mullae-dong (Seoul).

Bai Chengmin (35 tuổi) thậm chí còn muốn mua nhà đến nỗi yêu cầu vợ bỏ công việc y tá ổn định khi Covid-19 mới bùng phát ở Hàn Quốc. Thời điểm đó, chính phủ Hàn Quốc đưa ra một loạt chính sách kiểm soát giá nhà và ưu đãi cho các cặp vợ chồng có thu nhập thấp. Vì Chengmin có thu nhập cao hơn đáng kể nên vợ anh phải nghỉ việc để hiện thực hóa ước mơ mua nhà.

Bộ đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông Hàn Quốc quy định những gia đình 2 người có thu nhập trung bình tháng phải dưới 6,67 triệu won, thời gian kết hôn dưới 7 năm mới được hưởng "chiết khấu đặc biệt" khi mua nhà. Ngay cả như vậy, Chengmin vẫn không đủ tiền mua nhà ở Seoul. Thay vào đó, vợ chồng anh tìm đến Incheon, cách Seoul 2 tiếng lái xe.

Ngoài trường hợp như vợ của Chengmin, nhiều cặp đôi còn hoãn việc cưới xin để mua được nhà. Seo-woo Eun (31 tuổi) yêu bạn trai nhiều năm nhưng không đăng ký kết hôn. Cô tin rằng hai người chia ra đăng ký mua nhà giá rẻ sẽ nhanh hơn một người.

Theo khảo sát phúc lợi tài chính hộ gia đình của Cục Thống kê Hàn Quốc, khoản nợ trung bình của các hộ gia đình Hàn Quốc ở độ tuổi 30 là 182 triệu won, tăng 13,1% so với năm 2019. Trong năm 2021, người Hàn Quốc trong độ tuổi này từng gặp phải tình trạng "mua nhà hoảng loạn" do giá nhà tăng cao.

Theo báo cáo của Kyodo News vào tháng 6/2021, nhiều chủ nhà ở Hàn Quốc đã tăng giá thêm 10 triệu won chỉ 1 ngày trước khi ký hợp đồng. Nếu người mua không đồng ý, họ sẽ hủy bỏ thỏa thuận. Điều này đã trực tiếp dẫn đến tình trạng "mua nhà hoảng loạn".

Một nhân viên văn phòng 30 tuổi chia sẻ trên mạng xã hội: "Nếu không mua nhà bây giờ, bạn sẽ bị đuổi khỏi Seoul và cả đời này sẽ không mua nổi".

Thủ đô Seoul, tuy chỉ chiếm 0,6% tổng diện tích Hàn Quốc nhưng lại chứa gần một nửa dân số cả nước vì kinh tế phát triển. Đây là trung tâm kinh tế chính trị với các trường đại học và doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc, là cơ hội và ước mơ của người trẻ. Họ từ nhiều nơi đổ về, mong muốn mua nhà và trở thành "người Seoul mới".

Bi kịch của người trẻ muốn mua nhà ở Hàn Quốc: Nhịn tiêu tiền, hoãn cưới, bỏ việc, bán linh hồn chỉ để có nơi chui ra chui vào - Ảnh 1.

Người trẻ Hàn Quốc từng gặp phải tình trạng "mua nhà hoảng loạn" do giá nhà tăng cao vào năm ngoái (Ảnh: Internet).


Người Hàn Quốc ở độ tuổi 30 đang trong giai đoạn đầu của việc tách khỏi gia đình để sống độc lập và một ngôi nhà chính là thứ họ cần. Dù Jingle (32 tuổi) vẫn chưa kết hôn nhưng anh đã mua một căn hộ 3 phòng ngủ rộng 100m2 ở ngã ba Gangseo-gu và Gyeonggi-do ở Seoul ngay sau khi tốt nghiệp. Anh là trưởng bộ phận của một công ty ô tô Hàn Quốc, có thu nhập không hề thấp.

"Là đàn ông, tôi nghĩ rằng mình nên sống tự lập sau khi tốt nghiệp, và việc mua nhà là điều bắt buộc", anh chia sẻ.

Mặc dù vậy, cũng có một bộ phận người trẻ Hàn Quốc chọn cách từ bỏ việc mua nhà. Seo Dong-Wook (27 tuổi) phàn nàn: "Giá nhà quá cao. Dù có làm việc chăm chỉ trong 10 năm thì tôi cũng không đủ tiền mua". Thay vì tiết kiệm 1,5 tỷ won bằng lối sống tằn tiện, anh đã mua một ngôi nhà ở quê nhà, tỉnh Incheon.

Dong Hyun-Ahn - Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định rằng trước kia, người Hàn có nhiều lựa chọn để nâng cao vị thế trong xã hội. Thế nhưng giờ đây, nếu không tốt nghiệp loại giỏi từ một trường đại học lớn, người trẻ rất khó để xin được việc ở một tập đoàn lớn và đủ tiền mua nhà.

Nguồn: Huxiu


https://cafebiz.vn/bi-kich-cua-nguoi-tre-muon-mua-nha-o-han-quoc-nhin-tieu-tien-hoan-cuoi-bo-viec-ban-linh-hon-chi-de-co-noi-chui-ra-chui-vao-20220317104011573.chn

Theo Gia Vũ

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên