MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị phương Tây cô lập dẫn tới tổn thất kinh tế nặng nề, Nga vẫn còn "chiếc phao" từ quốc gia láng giềng: Đồng tệ

08-02-2023 - 11:19 AM | Tài chính quốc tế

Bị phương Tây cô lập dẫn tới tổn thất kinh tế nặng nề, Nga vẫn còn "chiếc phao" từ quốc gia láng giềng: Đồng tệ

Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt sụt giảm do các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm thâm hụt ngân sách của Nga trở nên trầm trọng, và Điện Kremlin đang phải rút một lượng dự trữ Nhân dân tệ của Trung Quốc mà họ đã tích lũy được để lấp đầy khoảng trống.

Theo kênh DW của Đức, Nga bị thâm hụt ngân sách 3,3 nghìn tỷ Rúp (khoảng 47 tỷ USD), tương đương khoảng 2,3% GDP vào năm 2022.

Các nhà phân tích của hãng tin Bloomberg cho biết, việc giá dầu xuất khẩu của Nga giảm xuống dưới 50 USD/thùng (159 lít) có thể làm thâm hụt ngân sách của Nga tăng thêm 2,5 nghìn tỷ Rúp (35,5 tỷ USD), buộc Điện Kremlin phải tăng doanh số bán đồng Nhân dân tệ hơn nữa.

Ngân sách của Nga cho năm 2023 dựa trên giá dầu trung bình hàng năm là 70 USD/thùng và lệnh cấm của EU đối với dầu mỏ của Nga, cũng như mức giá trần 60 USD/thùng đang khiến Điện Kremlin tiêu tốn hơn 170 triệu USD/ngày.

Tổ chức tư vấn Finish thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan ước tính rằng, xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm 12% trong tháng 12/2022.

Nikolai Korzhenevsky - người sáng lập công ty phân tích thị trường Nga SberIndex - cho biết, các số liệu này là dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính nhà nước của Nga đang xấu đi.

Mark N. Katz - Giáo sư tại Đại học George Mason (Mỹ) - cho rằng, việc Tổng thống Vladimir Putin sử dụng đồng Nhân dân tệ để cân bằng ngân sách của Moscow có thể làm gia tăng sự phụ thuộc của Nga vào Trung Quốc.

Bị phương Tây cô lập dẫn tới tổn thất kinh tế nặng nề, Nga vẫn còn chiếc phao từ quốc gia láng giềng: Đồng tệ - Ảnh 1.

Khi chi phí cho cuộc chiến tại Ukraine vượt quá doanh thu của Chính phủ Nga, hồi chuông báo động đang vang lên ở Moscow. Ảnh: SPUTNIK

Thời gian là tiền bạc

Bloomberg trích dẫn nhận định của các nhà phân tích nội bộ và chuyên gia từ ngân hàng Citigroup cho biết, Nga có thể triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trong tối đa 3 năm với điều kiện thu nhập từ dầu mỏ của Điện Kremlin không bị sụt giảm nghiêm trọng.

Các nhà phân tích của Bloomberg ước tính, dự trữ Nhân dân tệ của Nga có thể cạn kiệt vào năm 2023 nếu giá dầu trung bình của Nga giảm xuống 25 USD/thùng hoặc thấp hơn.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Citigroup dự đoán, Nga sẽ cạn kiệt nguồn dự trữ Nhân dân tệ trong năm nay nếu giá dầu xuống mức 35 USD/thùng. Họ kết luận rằng, giá dầu trên 60 USD/thùng có thể cho phép Chính phủ Nga bắt đầu bổ sung dự trữ Nhân dân tệ.

Theo các nhà phân tích, Nga cần giá dầu Urals giao dịch ở mức trung bình 104 USD/thùng để cân bằng sổ sách vào năm ngoái; và mức hòa vốn sẽ giảm xuống còn 90 USD/thùng vào năm 2023 nhưng chỉ khi Chính phủ Nga tránh tăng chi tiêu.

Timothy Ash - chiến lược gia cấp cao tại Bluebay Asset Management có trụ sở ở London (Anh) - cho rằng, vấn đề lớn nhất của Nga trong việc bán dầu là mức chiết khấu 30-40% so với giá thị trường thông thường mà nước này phải đồng ý với khách hàng; trong khi đó, giá khí đốt thấp hơn có nghĩa là vào năm 2023, Nga có thể mất khoảng 50 tỷ USD thu nhập từ xuất khẩu khí đốt.

Bị phương Tây cô lập dẫn tới tổn thất kinh tế nặng nề, Nga vẫn còn chiếc phao từ quốc gia láng giềng: Đồng tệ - Ảnh 2.

Nga và Trung Quốc đang xây dựng đường ống “Sức mạnh Siberia” để tăng cường quan hệ hợp tác năng lượng giữa bối cảnh chính sách mới xoay trục hướng về châu Á của Tổng thống Putin. Ảnh: Gazprom

Tăng cường dự trữ Nhân dân tệ

Theo kênh DW, Tổng thống Putin cũng đang biến đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ chính của Nga sau khi Washington và Brussels áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga.

Tính đến tháng 12/2022, Nga có hơn 571 tỷ USD dự trữ quốc tế. Trước khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ, Nga có 630,5 tỷ USD và 105 tỷ USD bằng Nhân dân tệ.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, trong tất cả các loại tiền tệ "thân thiện", đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có "đặc điểm dự trữ" và "tính thanh khoản" tốt nhất.

Nhưng các chuyên gia tin rằng, Nga có thể tự đặt mình vào "thế khó" về tài chính khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài.

Eric Hontz đến từ CIPE - một tổ chức tư vấn chính sách liên kết với Phòng Thương mại Mỹ - cho rằng, người Nga đang cố gắng cho thị trường thấy rằng đồng Rúp vẫn có thể chuyển đổi thành một loại tiền tệ lớn khác trên thế giới.

Liên quan đến những tác động đối với Trung Quốc, ông Hontz cho rằng, việc bán đồng Nhân dân tệ của Nga "trực tiếp đi ngược lại" những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giúp đồng Nhân dân tệ được chấp nhận rộng rãi hơn trong các giao dịch quốc tế, đặc biệt là trên thị trường hàng hóa.

Bị phương Tây cô lập dẫn tới tổn thất kinh tế nặng nề, Nga vẫn còn chiếc phao từ quốc gia láng giềng: Đồng tệ - Ảnh 3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng nhau đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2024. Ảnh: DW

Các nền kinh tế xích lại gần nhau hơn

Kênh DW nhận định, nền kinh tế Nga đang xích lại gần Trung Quốc sau cuộc chiến tại Ukraine. Đặc biệt, các kế hoạch năng lượng của Moscow đã kêu gọi tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga năm 2022 đã tăng 34,3%, lên mức cao kỷ lục 1,28 nghìn tỷ Nhân dân tệ (189,5 tỷ USD). Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã cùng nhau đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2024.

Nhưng nhà kinh tế học người Nga Stanislav Mitrakhovych đã chỉ ra ba rủi ro chính mà Nga có thể gặp phải khi ngày càng phụ thuộc vào đồng Nhân dân tệ.

Đầu tiên, hệ thống tài chính của Nga phần lớn không được chuẩn bị cho những thách thức khi phụ thuộc nhiều hơn vào đồng Nhân dân tệ. Thứ hai, giá của đồng Nhân dân tệ do Nhà nước Trung Quốc quy định. Thứ ba, đồng Nhân dân tệ vẫn bị ràng buộc với các loại tiền tệ toàn cầu khác, có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể dễ dàng phá giá đồng Nhân dân tệ cho các mục đích trong nước.

Nhà ngoại giao EU và chuyên gia Đông Á Albrecht Rothacher nói với phóng viên kênh DW rằng, mối quan hệ Nga - Trung quan trọng với người Nga hơn nhiều so với người Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Nga, Nga chỉ là đối tác thứ mười của Trung Quốc.

"Tham vọng và nhu cầu năng lượng của Trung Quốc và Nga không tương đồng với nhau. Tỷ lệ là 10:1 về kinh tế và nhân khẩu học" , ông Rothacher nói.

Theo DW


Hữu Hiển

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên