Bí thư Thành ủy TP.HCM sẽ trực tiếp giám sát giải ngân đầu tư công
Quý I năm nay, kinh tế TP.HCM chỉ tăng trưởng 0,7%, thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Đây là điều chưa từng xảy ra với thành phố vốn là đầu tàu tăng trưởng của cả nước. Trong nhiều nguyên khiến cho tăng trưởng thấp thì việc TP.HCM chỉ giải ngân có 4% trong quí I cũng là một nguyên nhân quan trọng. Do đó, thành phố đang tập trung nhiều giải pháp để quyết cải thiện con số này.
- 16-04-2023Điểm đặc biệt của những tỉnh tăng 'đột biến' trên 20 bậc trong bảng xếp hạng PCI
- 15-04-2023Tiềm năng của con sông nội địa dài nhất Việt Nam
25 cơ quan đơn vị bị phê bình vì giải ngân 0% trong quý
Theo Kho bạc Nhà nước TP.HCM, đến ngày 31/3, tổng số vốn giải ngân của TP là 1.608 tỷ đồng, đạt 4% so với kế hoạch vốn đã được UBND TP giao năm 2023 và kế hoạch vốn đầu tư nguồn nhân sách Trung ương.
Sốt ruột trước việc tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp, ngày 12/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có văn bản gửi các sở, ngành địa phương liên quan về đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn. Trong đó, Chủ tịch UBND TP.HCM phê bình 25 cơ quan đơn vị chưa thực hiện giải ngân đầu tư công quý I (tỷ lệ 0%).
Giải ngân đầu tư công được xem là một trong 3 trụ cột để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với giải quyết vướng mắc để hấp thụ vốn và phát triển thị trường nội địa. TS Trần Du Lịch cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công nhưng “trong quý I TP.HCM đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích kinh tế”.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), con số giải ngân đầu tư công thấp là cũng do một số nguyên nhân đặc thù chứ không phải là Thành phố “bỏ rơi công cụ đầu tư công”.
Dẫn chứng, ông Lương Minh Phúc cho biết, nguồn vốn đầu tư công của Ban Giao thông phải giải ngân trong năm nay là 31.000 tỷ đồng, riêng Vành đai 3 đã là hơn 23.000 tỷ đồng, chiếm 80%. Đặc điểm nguồn vốn này sẽ giải ngân vào quý III và IV.
Tương tự, 8.000 tỷ đồng còn lại có 600 tỷ đồng là vốn ODA sau khi được bổ sung giao vốn thì cần phải điều chỉnh và cũng rơi vào quý II; 2.000 tỷ đồng cho 46 dự án giải phóng mặt bằng thì thời điểm giải ngân cũng từ quý II; 4.000 tỷ đồng cho 30 dự án xây lắp thì phải mất khoảng một quí để chuẩn bị và tỷ trọng sẽ tăng dần lên từ quý II. Như vậy, bình quân quý II, Ban có thể giải ngân đạt 40%, quý III là 75% và quý IV có thể đạt 90 – 95%.
“Đặc thù của đầu tư công chúng ta có thể thấy rất rõ ngay từ đầu năm với lộ trình, tiến độ hàng tháng, hàng tuần. Tuy nhiên, tôi cũng đồng ý là phải đẩy nhanh công tác phối hợp các thủ tục để đồng vốn được đưa vào sớm nhất có thể”, ông Lương Minh Phúc nói.
Còn ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết, rút kinh nghiệm năm trước, năm nay thành phố lên kế hoạch từ đầu năm và bám sát các kế hoạch từng tháng. Dựa trên thực tiễn nghiên cứu chi tiết các dự án đầu tư trên địa bàn, TP.Thủ Đức tập trung giải ngân nhiều vào tháng 9, 10 và bám sát vào kế hoạch của thành phố.
“Giải ngân đầu tư công không thể chia đều trong 12 tháng được vì nhiều hoạt động giải ngân có thể tập trung vào từng thời điểm, tùy thuộc vào tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc là tiến độ thi công. Điều quan trọng nhất không phải là tháng 2, tháng 3 giải ngân bao nhiêu mà phải bám sát vào kế hoạch”, ông Hoàng Tùng nêu rõ.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch TP trực tiếp thúc đầu tư công
Năm nay, TP.HCM được Chính phủ giao vốn ngân sách khoảng 70.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2022. Đây được xem là thách thức lớn đối với thành phố và nếu không quyết tâm, có những giải pháp cụ thể thì rất khó để hoàn thành nhiệm vụ.
Sở dĩ vốn đầu tư công năm nay lớn là bởi thành phố hiện đang thực hiện dự án rất lớn là Vành đai 3 TP.HCM. Dự án trọng điểm này dự kiến sẽ khởi công vào tháng 6 năm nay và muốn thế công tác giải phóng mặt bằng dự án đến thời điểm đó phải đạt khoảng 80%. Cho nên, chắc chắn thời gian tới, con số giải ngân đầu tư công sẽ tăng rất nhanh.
Ngoài các giải pháp đang thực hiện thì năm nay, thành phố tập trung rà soát phân bổ vốn, nhóm lại các nhà đầu tư quản lý nhiều vốn, đặc biệt là 4 ban lớn của thành phố gồm: Ban Đường sắt, Ban Giao thông, Ban Dân dụng, Ban Hạ tầng quản lý tới 67% tổng vốn đầu tư công của thành phố. UBND TP.HCM làm việc với các chủ đầu tư xây dựng lộ trình cho từng dự án để đảm bảo giải ngân đầu tư công 95% cho từng dự án.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố sẽ tập trung giải quyết tháo gỡ vướng mắc các dự án, để dự án chạy, dòng vốn đổ vào, tạo ra công ăn việc làm, tạo khí thế mới cho thành phố.
Đặc biệt, ông Phan Văn Mãi cho biết, để thúc giải ngân đầu tư công, sắp tới, lãnh đạo TP.HCM sẽ thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại các công trình, dự án để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc: “Sắp tới, Ban Thường vụ Thành ủy kể cả đồng chí Bí thư Thành ủy cũng sẽ trực tiếp giám sát việc giải ngân đầu tư công những dự án trọng điểm. Đi suốt trong năm 2023 với mục tiêu là làm sao năm 2023 đối với phần giải ngân dự án đó phải đạt được ít nhất 95%”.
Các chuyên gia đánh giá, tình hình quốc tế và trong nước đã “dễ thở” hơn so với quý IV năm trước. Do đó, nếu TP.HCM tận dụng tốt các công cụ để nâng tăng trưởng, trong đó đặc biệt là giải ngân đầu tư công đúng theo kế hoạch thì kinh tế thành phố sẽ phục hồi mạnh mẽ, có thể là bắt đầu từ cuối quý II.
TS. Trần Du Lịch cho rằng, thành phố cần phải cải thiện ngay giải ngân đầu tư công để vốn có thể được hấp thụ vào nền kinh tế.
“Điểm quan trọng nhất là phải gỡ để hấp thụ được vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân. Hiện nay,hàng trăm dự án, hàng bao nhiêu hồ sơ đang tồn đọng, phải gỡ tất cả để cho vốn vào được nền kinh tế. Và chúng ta không nói chung chung; công khai, minh bạch toàn bộ vấn đề ra, không có cách nào mà không biết được. Đây là điểm mấu chốt”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Muốn thế, TP.HCM rất cần có sự vào cuộc thật sự của cả hệ thống chính trị, nhất là nâng cao chất lượng bộ máy công vụ, cải cách hành chính… làm sao để dòng vốn nhanh chóng được hấp thụ vào nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và khí thế mới.
VOV