MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bị xâm phạm quyền sở hữu Bia Saigon, Sabeco lên tiếng: Sự vụ liên quan đến nhân sự cũ Công ty, quyết tâm xử lý đến cùng!

15-09-2020 - 17:49 PM | Doanh nghiệp

Ngoài mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, quyền lợi của Sabeco còn góp phần kiến tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, vụ việc này cũng được lãnh đạo Công ty quan tâm vì chủ sở hữu của CTCP tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam đã từng là nhân sự của Sabeco.

Ngày 23/6/2020, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiểm tra đột xuất đối với cơ sở sản xuất bia BiVa - địa chỉ ấp Bắc 2, xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do ông Vũ Tuấn Châu làm chủ cơ sở.

Qua kiểm tra phát hiện tại cơ sở có 4.712 thùng bia BIA SAIGON VIETNAM thành phẩm, 116.700 vỏ lon bia (loại 330ml) và 3.300 vỏ thùng bia (thùng giấy cactông) với kiểu dáng, nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu Bia Sài Gòn đã được bảo hộ, thuộc sở hữu của Tổng CTCP Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trong đó, CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (trụ sở Tp.HCM) đã hợp tác với cơ sở sản xuất bia BiVa để sản xuất bia mang nhãn hiệu Bia Sài Gòn Việt Nam bán ra thị trường với quy mô thương mại.

Trước sự cố này, công ty luật Aliat Legal - đại diện phía Sabeco - cho biết việc các sản phẩm của Sabeco bị làm giả/xâm phạm quyền đôi với nhãn hiệu đã và đang xảy ra rất nhiều. Tiêu biểu như vào đầu năm 2016, công an huyện Đức Hòa, Long An đã điều tra và phát hiện đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng chục nghìn sản phẩm bia giả mang các thương hiệu của Sabeco, hay việc Tòa án nhân dân cấp cao tại Tp.HCM xét xử phúc thẩm vụ án tổ chức sản xuất sản phẩm Bia Saigon giả.

Chủ sở hữu của CTCP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam đã từng là nhân sự của Sabeco

Riêng với vụ việc này, lãnh đạo Sabeco khẳng định có quyết tâm xử lý. Vì vậy, ngay từ thời điểm đầu tiên, Công ty đã làm việc với công ty luật để có các chiến lược cụ thể cho mục tiêu xử lý nghiêm khắc hành vi này. Ngoài mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, quyền lợi của Sabeco còn góp phần kiến tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, vụ việc này cũng được lãnh đạo Công ty quan tâm vì chủ sở hữu của CTCP tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam đã từng là nhân sự của Sabeco.

Theo luật sư, Sabeco là một trong những thương hiệu bia của Việt Nam với 145 năm hình thành và phát triển, và đã được người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước biết đến. Việc CTCP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Bia Saigon đang được bảo hộ của Sabeco đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp và uy tín, danh tiếng Sabeco.

Các sản phẩm xâm phạm với thiết kế kiểu dáng bao bì và nhãn hiệu giống hệt nhãn hiệu của Sabeco được sản xuất, phân phối trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ với số lượng rất lớn, khiến rất nhiều người tiêu dùng bị nhầm lẫn và mua sản phẩm xâm phạm thay vì mua sản phẩm của Sabeco. Điều này đã trực tiếp gây ra thiệt hai vật chất về mặt doanh số sản phẩm/doanh thu của Sabeco. Bên cạnh đó, có không ít trường hợp người tiêu dùng đánh giá sản phẩm xâm phạm có hương vị, chất lượng kém hơn các sản phẩm khác của Sabeco nhưng lại nhầm sản phẩm xâm phạm là dòng sản phẩm mới của Sabeco.

Hiện, Sabeco đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để hỗ trợ cung cấp thông tin, hỗ trợ quá trình điều tra vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện tội phạm "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp" vừa bị khởi tố để tiến hành khởi tố bị can theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư đại diện cho Sabeco: Cần nghiên cứu thành lập tòa án chuyên trách về SHTT!

Trao đổi thêm với chúng tôi về tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay, luật sư cho biết thực tế việc này đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, xuất hiện trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thực phẩm, đồ uống, phân bón, dược phẩm cho đến việc xâm phạm quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số. 

Đáng lưu ý, hiện nay các chủ thể xâm phạm quyền sử dụng môi trường kỹ thuật số (mạng internet) để tiếp cận người tiêu dùng, đồng thời rất tinh vi trong việc che giấu các hoạt động sản xuất, phân phối, gây ra rất nhiều khó khăn cho chủ thể quyền và cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý.

Hiện nay các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ, thực thi quyền SHTT đã khá đầy đủ theo các yêu cầu hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, phía Sabeco có một số đề xuất, kiến nghị sau:

(1) Cần nâng cao tính hiệu quả, kịp thời của hoạt động thẩm định đơn đăng ký bảo hộ quyền SHTT, giúp chủ thể quyền nhanh chóng xác lập quyền với đối tượng quyền SHTT, hỗ trợ hoạt động thực thi, xử lý xâm phạm;

(2) Cần nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời đảm bảo cơ chế cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực thi trên thực tế để tăng cường tính răn đe;

(3) Tăng cường công tác công tác rà soát, đánh giá, nâng cao năng lực chuyên môn của các nhân sự chuyên trách các cấp liên quan đến lĩnh vực SHTT, thực thi quyền SHTT;

(4) Nghiên cứu thành lập tòa án chuyên trách về SHTT; xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên trách để xét xử các sự việc về SHTT.

Bảo An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên