MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BIDV dưới thời Chủ tịch Trần Bắc Hà: Còn đó những mục tiêu chưa thành

04-09-2016 - 09:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngày ông Hà rời nhiệm sở, BIDV vẫn còn dở dang trên hành trình trở thành thương hiệu ai cũng biết, ai cũng dùng như HSBC trên đất Anh. Kế hoạch tăng vốn, kén rể ngoại chưa được thực hiện. Đoạn đường tiếp theo sẽ còn đó trọng trách lớn lao trên vai người kế nhiệm.

BIDV thời Chủ tịch Trần Bắc Hà

Kể từ ngày 1/9/2016, ông Trần Bắc Hà chính thức rời nhiệm sở, giao lại chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chiếc "ghế" Chủ tịch HĐQT cho người thay thế ông là ông Trần Anh Tuấn. Tròn 35 làm việc tại BIDV, 25 năm ngồi ghế nhân sự cấp cao và 8 năm 8 tháng đảm nhận vị trí "thuyền trưởng", BIDV dưới thời ông Trần Bắc Hà đã trải qua cả những thăng trầm, buồn vui.

Sau chặng đường hơn 8 năm lèo lái, con thuyền BIDV đã "bề thế" hơn cả về quy mô tài sản lẫn kết quả kinh doanh. Tính đến năm 2015, Tài sản có của BIDV đạt 850.669 tỷ đồng, tăng gấp 3,45 lần so với thời điểm năm 2008, khá nhanh nếu so với Vietcombank (3,04 lần) nhưng vẫn chậm hơn Vietinbank (4,03 lần). Tốc độ tăng vốn (bao gồm vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần) của BIDV cũng đứng thứ hai trong ba ngân hàng với số vốn hiện tại đạt 34.271 tỷ đồng, gấp 3,31 lần năm 2008. Trong khi Vietinbank đã tăng vốn lên gấp 5,7 lần, Vietcombank tăng 2,67 lần sau 8 năm.


Tài sản có và Vốn của TCTD (VĐL+Thặng dư vốn) của ba ngân hàng

Tài sản có và Vốn của TCTD (VĐL+Thặng dư vốn) của ba ngân hàng

Tuy vậy, lợi nhuận của BIDV lại tăng trưởng nhanh nhất trong 8 năm qua và cũng cao nhất năm 2015 trong ba ngân hàng với lợi nhuận sau thuế năm 2015 đạt 5.822 tỷ đồng, gấp 2,9 lần năm 2008.


Lợi nhuận sau thuế của ba ngân hàng Top đầu

Lợi nhuận sau thuế của ba ngân hàng Top đầu

Xét về con số tuyệt đối, tính đến cuối năm 2015, BIDV đang đứng đầu trong ba ngân hàng TMCP Nhà nước về tổng tài sản, thu nhập lãi và lợi nhuận sau thuế.

Quy mô tài sản lớn, cho vay khách hàng của BIDV vì thế cũng lên tới gần 660 nghìn tỷ đồng, tương đương 29,4 tỷ USD vào cuối quý II/2016. Điều gắn liền với cho vay của các TCTD là nợ xấu. Mặc dù con số nợ xấu tuyệt đối tăng thêm hơn 3 nghìn tỷ đồng so với quý II/2015, lên xấp xỉ khoảng 13,2 nghìn tỷ đồng nhưng tỷ lệ nợ xấu BIDV cuối quý II giảm so với cùng kỳ, còn khoảng 2%.

Nếu ví von ông Trần Bắc Hà là nhạc trưởng thì bản nhạc BIDV lại có nhiều nốt trầm phía cuối liên quan đến hoạt động cho vay. Ngân hàng này hiện đang là chủ nợ lớn nhất của một số doanh nghiệp đang có những khó khăn trong hoạt động kinh doanh như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tổng công ty Khoáng sản Nari Hamico (KSS). HAGL hiện đang trình lên Chính phủ kế hoạch gia hạn, tái cơ cấu nợ vay. Đến cuối quý II, BIDV và Ngân hàng Lào Việt (BIDV sở hữu 65% vốn) cho vay/ mua trái phiếu của HAGL với tổng dư nợ hơn 12,8 nghìn tỷ đồng, trong đó, một khoản trái phiếu 950 tỷ đồng đến ngày đáo hạn cách đây hai tháng nhưng DN vẫn chưa thanh toán. KSS, doanh nghiệp hơn một năm qua "lao đao" vì nguyên Chủ tịch bị khởi tố, cũng đang còn vay BIDV khoảng nghìn tỷ đồng.

Vài nốt trầm khác trong bản nhạc dài 8 năm qua của "nhạc trưởng" Trần Bắc Hà cũng phải kể đến là chuyện tăng vốn và tìm kiếm đối tác ngoại của ngân hàng này.

Đề ra tới 4 kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2016 với tổng giá trị phát hành lên tới 9.446 tỷ đồng nhưng sau 2/3 năm chưa kế hoạch nào được thực hiện. Với hệ số CAR gần chạm ngưỡng sàn và việc sẽ thí điểm áp dụng phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, tăng vốn càng trở thành vấn đề quan trọng cần giải quyết của ngân hàng này.

Những lần tăng vốn trước đây của BIDV chưa hề có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi Vietinbank đã phát hành riêng lẻ thành công cho IFC, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ thu về 933 triệu USD từ những năm 2010 và 2011, Vietcombank phát hành riêng lẻ cho đối tác Nhật bản Mizuho thu về 567 triệu USD năm 2011 và dự kiến sắp tới đây sẽ phát hành thêm 10% vốn cho Mizuho cùng quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC thì BIDV vẫn chưa có... "rể" ngoại. Kết quả là, NHNN hiện vẫn sở hữu tới 95,3% vốn của BIDV trong khi chỉ đang sở hữu 77,1% Vietcombank và 64,5% Vietinbank.

ĐHĐCĐ gần đây nhất, vị thuyền trưởng của BIDV đã phải thẳng thắn thừa nhận tìm nhà đầu tư chiến lược là bài toán nan giải nhất đối với BIDV và là "nhiệm vụ trọng tâm, bức thiết nhất vẫn chưa làm được". Kẻ đến hỏi không phải chưa có nhưng "quá trình đàm phán diễn ra kéo dài, phức tạp" và giá cổ phiếu BID hiện vẫn đang giao dịch thấp, thậm chí là dưới mức giá chào bán ngày đầu tiên giao dịch - 18.000 đồng/cp.

"Bán thế nào đây?" - câu hỏi nặng trăn trở mà ông Trần Bắc Hà từng đặt ra tại Đại hội sẽ giành lại cho người kế nhiệm tìm lời giải. BIDV có lẽ không gặp thời khi khoảng thời gian này dòng vốn đầu tư vào châu Á đang giảm. "Rất khó để trông chờ các nhà đầu tư châu Mỹ và châu Âu mà chỉ có thể tìm kiếm các tổ chức châu Á", ông Trần Bắc Hà nhận định như vậy tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.

Cổ phiếu BID hiện đang giao dịch tại mức giá 16.400 đồng/cp, thấp nhất trong ba ngân hàng TMCP Nhà nước.


Đồ thị giao dịch cổ phiếu VCB - CTG - BID từ khi niêm yết

Đồ thị giao dịch cổ phiếu VCB - CTG - BID từ khi niêm yết

"Kém duyên" với các nhà đầu tư ngoại nhưng BIDV lại là ngân hàng rất tích cực đầu tư ra nước ngoài. Vietinbank chỉ có một đơn vị thành viên đặt trụ sở tại nước ngoài là Ngân hàng TNHH Công Thương Việt Nam tại Lào. Vietcombank sắp tới sẽ lấy ý kiến cổ đông về chủ trương thành lập ngân hàng 100% tại Lào. Trong khi đó, BIDV lại có tới 7 công ty con, đơn vị liên doanh, hiện diện thương mại tại nước ngoài, hoạt động đa dạng lĩnh vực từ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán,...


Nâng cao hiện diện nước ngoài là một trong các nhiệm vụ mà BIDV đề ra

"Nâng cao hiện diện nước ngoài là một trong các nhiệm vụ mà BIDV đề ra"

Sáu quốc gia – vũng lãnh thổ mà BIDV đã đặt chân đến gồm các quốc gia láng giềng: Lào, Campuchia, Myanmar và địa bàn có nhiều người gốc Việt làm ăn, sinh sống là Cộng hòa Séc, Cộng hoà LB Nga, Đài loan. Ông Trần Bắc Hà cũng chính là người sáng lập, giữ vai trò Chủ tịch và vận hành hoạt động Hiệp hội các NĐT Việt Nam sang Lào, Campuchia, Myanmar (AVIL, AVIC, AVIM).

Ước mơ trở thành thương hiệu ai cũng biết, ai cũng dùng

Nhắc tới thương hiệu của nước Anh, người ta có thể dễ dàng nghĩ tới câu lạc bộ bóng đá nhiều danh tiếng Manchester United, hãng máy động cơ Roll & Royce. Trong câu chuyện mà ông Trần Bắc Hà từng kể, tân Đại sứ Anh khẳng định có một thương hiệu mà tại Anh "ai cũng dùng, ai cũng biết". Đó là HSBC. "Gia đình nào cũng có từ 1-3 người sử dụng sản phẩm của ngân hàng này.", ông Hà dẫn lại lời của tân Đại sứ Anh khi đó.


Ước mơ thành thương hiệu ai cũng biết, ai cũng dùng như HSBC trên đất Anh

Ước mơ thành thương hiệu ai cũng biết, ai cũng dùng như HSBC trên đất Anh

Tham vọng của ông Trần Bắc Hà là xây dựng được thương hiệu BIDV mạnh thực sự, mạnh bền vững và ai cũng nhớ đến. Làm sao để BIDV cũng trở thành một thương hiệu như HSBC tại Anh cũng là mục tiêu mà ông Hà định hướng cho ngân hàng.

Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, ông Trần Bắc Hà từng cho biết trong giai đoạn 2016-2017, BIDV mong muốn vươn lên trở thành ngân hàng Top đầu của khu vực Asean, Top 100 ngân hàng châu Á. Bán lẻ và ứng dụng CNTT được lựa chọn trở thành hai trọng điểm đi đầu, xây dựng hình ảnh và thương hiệu của BIDV. Ngày ông Hà rời nhiệm sở, BIDV vẫn còn dang dở trên hành trình xây dựng ước mơ. Những mục tiêu này, nếu tiếp tục được duy trì, đoạn đường tiếp theo sẽ là trọng trách không nhỏ đặt trên vai người kế nhiệm.

Theo Thu Thủy

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên