"Big 4" ngân hàng lãi cao kỷ lục, còn nợ xấu thì sao?
Bên cạnh con số lợi nhuận ấn tượng, nợ xấu cuối năm 2019 của các ngân hàng cũng gây nhiều bất ngờ.
- 10-01-2020Ngân hàng nào quán quân trong phát hành trái phiếu năm 2019?
- 10-01-2020Lợi nhuận 5.000 tỷ đồng gọi tên những ngân hàng nào?
Năm 2019 tiếp tục là một năm nhiều ngân hàng ghi nhận mức lãi kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó có 7 ngân hàng đã có lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ đồng so với con số 2 nhà băng của năm 2018. Đây cũng là năm đầu tiên sau 3 năm, cả 4 "ông lớn" Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đều có mặt trong Top 5 ngân hàng lãi cao nhất.
Nhưng mỗi khi ngân hàng báo lãi khủng, thì người ta cũng đặt câu hỏi liệu lợi nhuận tăng trưởng cao có phải đánh đổi nợ xấu cũng tăng?
Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đứng ở mức 1,89%, tức thấp hơn so với cuối năm 2018 và đạt mục tiêu kiểm soát dưới 2%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng (nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho VAMC) giảm còn 4,96% so với mức hơn 10% của năm 2016. Tính từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống tổ chức tín dụng ước tính đã xử lý được hơn 1 triệu tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, bức tranh chung về nợ xấu của toàn ngành đã có sự chuyển biến tích cực.
Và các "ông lớn" ngân hàng cũng đã tiết lộ về nợ xấu của mình với nhiều bất ngờ.
Vietcombank cho biết lợi nhuận năm 2019 của ngân hàng đạt 23.155 tỷ đồng, chính thức cán mốc 1 tỷ USD sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Song đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng năm 2019 giảm mạnh từ mức 0,97% hồi đầu năm xuống còn 0,77% cuối năm 2019. Số nợ xấu nội bảng chỉ ở mức 5.699 tỷ đồng, giảm hơn 500 tỷ, tương đương giảm 8% so với cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, dư nợ nhóm 2 ở mức 2.344 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 0,38% giảm gần một nửa so với năm trước. Thu nợ ngoài bảng đạt 3.179 tỷ đồng. Tỷ lệ bao nợ xấu đạt mức cao 182,8%.
Tại Agribank, ngân hàng đã vượt con số lãi 10.000 tỷ sau 11 tháng đầu năm với gần 11.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nợ xấu có chuyển biến tích cực khi ngân hàng đã hoàn thành việc mua lại trước hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán cho VAMC. Thu nợ sau xử lý đạt trên 12.000 tỷ đồng.
Cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng khoảng 1,4%, giảm so với mức 1,6% cuối năm 2018. Với dư nợ cho vay đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, ước tính con số nợ xấu của Agribank là khoảng hơn 15.600 tỷ, giảm so với con số hơn 16.000 tỷ hồi đầu năm.
Ngân hàng lãi trên 10.000 tỷ thứ 3 là VietinBank với 11.500 tỷ (ngân hàng riêng lẻ). Tương tự Vietcombank và Agribank, chuyển biến nợ xấu của nhà băng này cũng đáng ghi nhận khi tỷ lệ nợ xấu cuối năm chỉ còn mức 1,2%, giảm đáng kể so với cuối năm 2018 (1,59%). Nhờ tăng trích lập dự phòng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng mạnh từ 93% lên 128%.
Với dư nợ tín dụng đạt 952.000 tỷ đồng, ước tính nợ xấu nội bảng của ngân hàng này là hơn 11.400 tỷ đồng, giảm so với hơn 13.600 tỷ đồng cuối năm 2018. Lãnh đạo VietinBank chia sẻ nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn kiểm soát giảm xuống so với đầu năm 2019.
Như vậy, nợ xấu của 3 ngân hàng nói trên đều giảm trong năm 2019, cả về tỷ lệ nợ xấu lẫn con số dư nợ. Bên cạnh đó, Vietcombank và Agribank đều đã sạch nợ tại VAMC. Còn VietinBank thì cho biết sau 1 năm bán nợ cho VAMC đã trích lập được hơn 54% mệnh giá trái phiếu đặc biệt. Trong năm 2019, ngân hàng cũng thu được 1.000 tỷ từ các khách hàng có nợ ở VAMC.
Còn tại BIDV, năm 2019 cũng là năm mà lợi nhuận đạt mức kỷ lục gần 10.800 tỷ đồng. Với tổng tài sản đạt 1,45 triệu tỷ, vốn điều lệ hơn 40.000 tỷ đồng, BIDV là ngân hàng lớn nhất Việt Nam về vốn và tài sản hiện nay. Tuy nhiên, ngân hàng chưa tiết lộ con số nợ xấu cuối năm 2019. Trước đó, nợ xấu nội bảng tại ngày 30/9/2019 là hơn 22.400 tỷ, tương đương tỷ lệ nợ xấu là 2,09%. Nợ xấu tại VAMC giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm xuống hơn 12.800 tỷ, trong đó đã trích lập hơn 7.800 tỷ.