MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Big C về tay Central Group: Hàng Việt không cạnh tranh được vì... yếu chứ liên quan gì đến hàng Thái

Central Group đã quyết tâm tiến sâu vào thị trường bán lẻ Việt Nam, thông qua hàng loạt thương vụ như Nguyễn Kim, Lan Chi, Zalora và Big C. Tuy nhiên, từ trước khi Central Group ra tay, hàng Thái đã tràn ngập thị trường và "đè bẹp" hàng Việt.

Những ngày vừa qua, thị trường bán lẻ trong nước xôn xao với thông tin Central Group chính thức mua hệ thống Big C Việt Nam với tổng giá trị giao dịch 1,05 tỷ USD. Thị trường xôn xao bởi những lo ngại Tập đoàn Thái Lan này sẽ mở đường cho hàng hóa ngoại ồ ạt nhập vào Big C, đẩy hàng nội ra khỏi hệ thống, xa hơn nữa là hàng Thái sẽ tràn ngập trên thị trường trong nước.

Những lo lắng càng tăng cao sau khi Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố công văn gửi hệ thống siêu thị Big C về việc chiết khấu của các hợp đồng. Công văn tiết lộ có những doanh nghiệp đang phải gánh mức chiết khẩu 17-20%, thậm chí có doanh nghiệp đến 25%. "Đây là những mức chiết khấu rất cao mà chắc chắn doanh nghiệp sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư", công văn nhấn mạnh.

Theo VASEP, để chuẩn bị cho các hợp đồng mới, Big C đang tiếp tục đề xuất nâng mức chiết khấu thêm 4,25% - 5%. VASEP đánh giá, điều này khiến hầu hết các doanh nghiệp đều thấy quá khó khăn cho việc cân đối làm sao hợp tác với Big C nhưng vẫn có thể sống sót và có lợi nhuận để tái đầu tư.

Tuy nhiên, sẽ là hơi "oan" cho Central Group nếu cho rằng Tập đoàn Thái Lan này muốn "đuổi khéo" hàng Việt ra khỏi hệ thống siêu thị. Thứ nhất, Central Group mới chân ướt chân ráo nhận chuyển nhượng Big C chưa được 2 tuần nên chắc chắn sẽ ổn định hoạt động trước, thay vì vội vàng đưa ra các chính sách lớn.

Thứ hai, quan trọng hơn cả, thông tin về mức chiết khấu 25% của siêu thị đã được VASEP chia sẻ với báo chí từ hơn nửa năm trước. Khi đó, VASEP cho rằng, mức chiết khấu của một số siêu thị nước ngoài đối với các doanh nghiệp nước mắm, thủy sản đã ở mức 10-25%, và các siêu thị lúc bấy giờ cũng đã muốn tăng tiếp mức chiết khấu để bổ sung cho hợp đồng 2015.

Thật ra, chính sách tăng chiết khấu hàng năm đã được Big C áp dụng từ lâu, với mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận.

Ngoài ra, VASEP còn chia sẻ hàng loạt khó khăn như: Siêu thị thường xây dựng biểu giá bán lẻ cao hơn từ 20-35% so với giá bán của nhà cung cấp, làm cho giá bán nhiều loại sản phẩm thủy sản trong siêu thị cao hơn so với các kênh bán lẻ, phân phối khác; Chi phí tham gia chương trình khuyến mãi hay catalogue tăng, chi phí thương lượng chung tăng, chi phí hàng tháng cho vận chuyển cũng tăng... Như vậy, có thể nói, câu chuyện đưa hàng vào siêu thị là vấn đề nhức nhối, nhưng lại không phải là câu chuyện mới để nói về Central Group.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hàng Việt không cạnh tranh được vì ... yếu chứ chẳng liên quan gì đến hàng Thái

Quay lại về mối lo hàng Thái Lan tràn ngập thị trường. Thực tế, ngay từ trước khi Central Group chốt thương vụ Big C, thị trường hàng hóa nội địa cũng đã có rất nhiều sản phẩm ngoại nhập, không chỉ từ Thái Lan mà còn từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Doanh nghiệp Việt vốn dĩ cũng không phải bây giờ mới gặp khó khăn.

Mới đây, hiệp hội doanh nghiệp TPHCM cho biết, hàng Việt đủ tiêu chuẩn chất lượng vào siêu thị không khó nhưng lại gặp trở ngại nếu muốn chen chân vào hệ thống có vốn đầu tư nước ngoài do các siêu thị nước ngoài đòi mức chiết khấu rất cao. Ở đây, có 2 giả thiết.

Giả thiết thứ nhất: Siêu thị của Thái Lan áp mức chiết khấu cao cho các doanh nghiệp Việt, nhưng chiết khấu thấp cho doanh nghiệp Thái Lan để ưu tiên cho hàng hóa Thái Lan thâm nhập thị trường.

Nếu các tập đoàn Thái Lan có tinh thần dân tộc cao như vậy, thì có nghĩa họ đang tự cắt đi lợi nhuận của mình để bù đắp cho doanh nghiệp nước nhà. Điều này khá "ngược đời" với một nhà bán lẻ theo tôn chỉ cứ chiết khấu cao là nhập. Trước quá nhiều đối thủ cạnh tranh lớn mạnh trên thị trường bán lẻ hiện nay, rất khó để các hệ thống "yêu nước" như vậy có thể đủ sức khỏe chiến đấu một cách lâu dài.

Giả thiết thứ hai: Siêu thị nước ngoài áp mức chiết khấu như nhau cho các doanh nghiệp. Khi đó, cuộc chơi là công bằng cho tất cả doanh nghiệp nội ngoại và nếu hàng Việt Nam không thể vào được hệ thống siêu thị, trong khi hàng Thái Lan lại vào được, thì doanh nghiệp Việt có lẽ chỉ còn cách tự cố gắng nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của mình.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và liên tiếp ký các hiệp định tự do thương mại. Do đó, trong tương lai sẽ không có những chính sách bảo hộ doanh nghiệp Việt Nam mà chỉ có thể có những chương trình vận động, như "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hay tổ chức các chương trình quảng bá cho hàng Việt.

Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, để chống lại sự xâm lấn của hàng Thái, doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài cải cách toàn diện, cho ra những hàng hóa có chất lượng, nâng cao năng suất, giảm giá thành. "Không thể kêu gọi người Việt dùng hàng Việt khi sản phẩm không tốt và giá cũng không hợp lý", vị này khẳng định.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những thương vụ đình đám ít thành công

Thực tế, doanh nghiệp Việt có lẽ chưa cần phải quá lo lắng khi Big C về tay Central Group nếu nhìn lại thương vụ đình đám nhất mà tập đoàn này thực hiện. Hồi tháng 1/2015, Central Group thông qua công ty con là Power Buy đã mua 49% vốn Nguyễn Kim, nhà bán lẻ điện máy hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Sau thương vụ này, Nguyễn Kim tuyên bố lộ trình đến năm 2020 mở ra 50 siêu thị, thế nhưng từ sau khi thương vụ Nguyễn Kim diễn ra, việc triển khai mở rộng hệ thống vẫn chưa được tiến hành.

Trong hơn 1 năm từ đó đến nay, Nguyễn Kim vẫn chưa khai trương thêm một siêu thị nào mới, trong khi cả ngành bán lẻ điện máy đang tăng tốc mở rộng. Trần Anh đến nay đã có 9 siêu thị tại Hà Nội cùng 15 siêu thị các tỉnh miền Bắc và các tỉnh lân cận. Chuỗi Điện máy Xanh của Thế Giới Di Động chỉ trong 3 tháng đầu năm đã mở 22 siêu thị mới, nâng tổng số lên 91 siêu thị.

Về thị phần, Nguyễn Kim không trực tiếp công bố thị phần cũng như doanh thu của mình. Tuy nhiên, theo thống kê của Viện đại học châu Âu (EUI), thị phần của Nguyễn Kim năm 2010 là 27%. Đến đầu năm 2016, Thế giới di động dẫn số liệu của tổ chức nghiên cứu GFK cho biết, thị phần của Nguyễn Kim chỉ còn 12%, giảm hơn một nửa so với 6 năm trước, trong khi chuỗi điện máy xanh áp sát với 8% thị phần. Cho dù Nguyễn Kim không thừa nhận con số 12% do Thế Giới Di Động công bố, và cho biết công ty vẫn hoạt động tốt, thì có lẽ thị phần thực sự của Nguyễn Kim cũng không cách quá xa con số được công bố bởi một tổ chức nghiên cứu quốc tế uy tín.

Còn nếu nhìn vào 2 thương vụ khác mà Central Group mới thực hiện, gồm mua Zalora và hợp tác với chuỗi Lan Chi, thì có lẽ doanh nghiệp Việt cũng chưa cần phải quá lo lắng về nguy cơ "thua trên sân nhà".

Với Zalora, môi trường thương mại điện tử Việt Nam đang có quá nhiều biến động, khi nhiều cái tên đóng cửa, như deca, foodpanda, beyeu... do không thể kiếm được lợi nhuận, đồng thời có những ông lớn tham gia thị trường, như alibaba (mua lazada), adayroi... Central Group có lẽ sẽ có rất nhiều việc để làm trong bối cảnh Zalora liên tục thua lỗ.

Đối với hệ thống siêu thị Lan Chi, đây là chuỗi siêu thị ở ngoại thành Hà Nội, trọng tâm hướng tới khu vực nông thôn, một phân khúc mà doanh nghiệp nội có lẽ sẽ có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp ngoại.

Central Group Việt Nam được thành lập vào tháng 7/2011, hoạt động trong nhiều ngành thuộc lĩnh vực bán lẻ khác nhau như điện máy, thể thao, thời trang, trung tâm thương mại, nhà hàng - khách sạn, thương mại điện tử và siêu thị.

Tính đến tháng 2/2016, Central Group Việt Nam đã có hơn 6,600 nhân viên. Hiện có 100 trung tâm thuộc tập đoàn hoạt động trên khắp cả nước, bao gồm 4 trung tâm thương mại; 27 cửa hàng thể thao; 30 cửa hàng thời trang; 1 khách sạn; 21 cửa hàng điện máy; 1 doanh nghiệp thương mại điện tử, 1 nhà phân phối hàng tiêu dùng nhanh và 13 siêu thị.

5 mảng hoạt động chính của Central Group Việt Nam gồm có: Thời trang (Fashion Group), Điện máy Nguyễn Kim, Thương Mại Điện Tử Nguyễn Kim, siêu thị Lan Chi và Tập đoàn quản lý khách sạn nghỉ dưỡng Centara.

Theo Minh Quân

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên