Thống kê của chúng tôi tại 16 ngân hàng đã công bố BCTC Hợp nhất quý 3/2020 cho thấy, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức hơn 49.600 tỷ, tăng gần 12.000 tỷ so với hồi đầu năm, tương đương tăng 31%.
Chỉ có 2/16 ngân hàng có nợ xấu giảm là SeABank và NCB. Cụ thể, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 của NCB là 720 tỷ đồng, giảm 10 tỷ so với đầu năm; giúp tỷ lệ nợ xấu (trên tổng dư nợ cho vay) giảm từ 1,93% xuống còn 1,8%. Còn tại SeABank, nợ xấu cuối tháng 9 là 2.184 tỷ đồng, giảm 96 tỷ so với đầu năm; đưa tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,31% xuống mức 2,23%.
Trong khi đó, 14 ngân hàng còn lại đều có nợ xấu tăng, với nhiều nhà băng tăng hơn 50% trong 9 tháng. Các ngân hàng lớn như Vietcombank, Sacombank, MBBank, VPBank, ACB đều có nợ xấu tăng.
Nợ xấu nội bảng của ACB tại ngày 30/9/2020 là 2.480 tỷ đồng, tăng tới 71% so với đầu năm, trong đó nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 3,5 lần lên 830 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng theo đó cũng tăng từ 0,54% hồi đầu năm lên 0,84%.
Nợ xấu của Vietcombank trong 9 tháng cũng tăng hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương tăng 36% lên 7.885 tỷ. Trong đó nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng mạnh 4,2 lần và 2,7 lần. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng từ mức 0,79% cuối năm 2019 tăng lên 1,01%.
Hay tại Sacombank, nợ xấu nội bảng tăng 19% lên 6.837 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu tại VAMC.
Tại VPBank hợp nhất (bao gồm cả công ty con), nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức 10.147 tỷ đồng, tăng 15,3% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 3,42% lên 3,65%. Trong đó, nợ xấu của ngân hàng mẹ VPBank là 5.690 tỷ đồng, chiếm 2,71% trong tổng dư nợ cho vay, tăng nhẹ so với mức 2,69% hồi đầu năm. Nếu tính trên tổng dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp), tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ VPBank chỉ khoảng 2,1%.
Nợ xấu MBBank hợp nhất cũng tăng hơn 1.100 tỷ đồng lên 4.036 tỷ; khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,5%.
Nhiều ngân hàng nhỏ, quy mô tầm trung cũng có nợ xấu tăng mạnh. Trong đó trường hợp đặc biệt là Kienlongbank với nợ xấu tăng gấp 6,5 lần so với đầu năm lên 2.241 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,02% lên 6,63%. Nguyên nhân là đầu năm 2020 ngân hàng phải ghi nhận gần 1.900 tỷ đồng dư nợ của một nhóm khách hàng được phân loại nợ nhóm 5 theo quyết định của NHNN. Các khoản vay này được đảm bảo bằng 176 triệu cổ phiếu STB và ngân hàng đang cố gắng bán được số cổ phiếu này để đưa tỷ lệ nợ xấu quay trở lại mức thấp.
Một ngân hàng nhỏ khác có nợ xấu cũng tăng mạnh là VietBank, tăng 61% lên 867 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,32% lên 2,03%.
Hay tại TPBank, nợ xấu tăng 59% lên 1.971 tỷ đồng, chiếm 1,79% tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu MSB tăng 31% lên 1.703 tỷ đồng, chiếm 2,32% tổng dư nợ cho vay.
Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều nhà băng đã hoàn thành được trên 90% kế hoạch năm, thậm chí đã có 3 ngân hàng đã vượt xa mục tiêu đề ra cả năm.
Tại MSB, trong 9 tháng đầu năm, tổng tài sản của ngân hàng hợp nhất đã đạt hơn 166 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 98% kế hoạch 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 1.666 tỷ đồng, vượt kế hoạch của cả năm 2020 (1.439 tỷ đồng) và tăng khoảng 56% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.328 tỷ đồng, bằng 127% tổng lợi nhuận sau thuế của cả năm 2019.
Ngân hàng thứ hai cũng đã vượt kế hoạch cả năm là LienVietPostBank với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm cũng đã vượt kế hoạch cả năm 2020 (1.700 tỷ đồng) khi đạt hơn 1.740 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo LienVietPostBank dự báo quý cuối năm, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhu cầu vay kinh doanh, vay tiêu dùng sẽ tăng mạnh trở lại, tin tưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng sẽ vượt kết quả năm 2019 và đạt mức cao nhất trong 12 năm hoạt động của ngân hàng.
Ngân hàng thứ ba đã hoàn thành kế hoạch cả năm là Saigonbank, khi ghi nhận lãi trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 177 tỷ đồng, tương đương với 136% mục tiêu đề ra cả năm (130 tỷ đồng).
Nhiều ngân hàng khác như VPBank, Sacombank, MBBank, VIB cũng sắp cán đích khi hoàn thành trên 90% kế hoạch cả năm.
Báo cáo tài chính của ngân hàng VPBank cho biết, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sau 9 tháng đã đạt 92% kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên, tương đương với gần 9.400 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Kết quả trên có được nhờ ngân hàng đẩy mạnh doanh thu đồng thời kiểm soát tốt phi phí hoạt động, bao gồm số hóa các khâu vận hành. Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) của ngân hàng giảm mạnh so với cùng kỳ, từ mức 34,7% xuống còn 30,4%.
Sacombank và MBBank cũng đều hoàn thành được 90% kế hoạch năm sau 9 tháng. Cụ thể, MB báo lãi trước thuế hợp nhất đạt 8.134 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Sacombank ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 6,6% so với cùng kỳ, đạt 2.325 tỷ đồng, nhưng cũng tiến gần mục tiêu cả năm (2.573 tỷ đồng).
Hay VIB tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao, đạt 4.025 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 30% so với quý 2/2020 và tăng 52% so với quý 3/2019. Mức lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2020 của ngân hàng bằng lợi nhuận đạt được cả năm 2019 và hoàn thành 89% kế hoạch cả năm.
Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết đang theo đúng kế hoạch và tự tin đạt mục tiêu mà ĐHĐCĐ đề ra. Chẳng hạn TPBank báo lãi trước thuế 9 tháng đạt 3.024 tỷ đồng, SeABank đạt 1.132 tỷ đồng đều đạt 3/4 chặng đường cả năm.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank – mã chứng khoán HDB) công bố báo cáo tài chính quý 3/2020.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) quý 3 của ngân hàng mẹ đạt 2.317 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ 2019, trong đó thu nhập lãi thuần tăng 25,6%, lãi từ dịch vụ tăng 158%. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.255 tỷ, tăng 24,9%. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất quý này đạt 1.474 tỷ đồng đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận tại ngân hàng mẹ đạt 3.615 tỷ đồng, tăng 31,9%, trong đó thu nhập lãi thuần và lãi từ dịch vụ tăng lần lượt 31,1% và 71,9%. Lợi nhuận hợp nhất đạt 4.381 tỷ, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2019 và hoàn thành 103% kế hoạch 9 tháng.
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) đạt lần lượt 21,1% và 1,9%.
Tại thời điểm 30/9/2020, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 273 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% so với đầu năm và tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2019. Dư nợ tín dụng đạt 175 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm tăng 19,2% so với cùng kỳ, cao gấp hơn 2 lần mức bình quân toàn ngành.
Cùng với tăng trưởng dư nợ, công tác quản trị rủi ro hiệu quả giúp HDBank kiểm soát tốt chất lượng tài sản với tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ ở mức 1,39%. Toàn bộ trái phiếu VAMC đã được ngân hàng tất toán sớm hơn kế hoạch.
Các chỉ tiêu sức khỏe tài chính duy trì ở mức khá cao. Hệ số CAR (theo Basel II) đạt 10,9% so với mức tối thiểu 8%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đạt 23,7%, thấp hơn nhiều so với mức trần 40%. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây dành cho HDBank mức xếp hạng tín nhiệm B1 trong bối cảnh hệ số tín nhiệm quốc gia bị đưa vào diện theo dõi hạ bậc xếp hạng.
Xem đầy đủ thông tin tại
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của Nam A Bank, quý 3/2020, thu nhập lãi thuần đạt 691,029 tỷ đồng, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động dịch vụ và ngoại hối có mức tăng trưởng khởi sắc như: thu thuần dịch vụ đạt 26,149 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ, và thu thuần kinh doanh ngoại hối đạt 14,119 tỷ đồng, tăng đến 93% so với cùng kỳ. Qua đó đưa tổng thu nhập thuần đạt 732,601 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ quý 3 năm trước, giúp lợi nhuận trước thuế quý III đạt 186,839 tỷ đồng, tăng 42,64% so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, một số chỉ tiêu quy mô trọng yếu của Nam A Bank đạt mức tăng trưởng rất tốt trong 9 tháng đầu năm, và có mức tăng trưởng vượt bậc so với mức tăng của ngành, qua đó giúp Nam A Bank hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng quy mô cả năm 2020 chỉ sau 9 tháng đầu năm, cụ thể: Tổng tài sản đạt gần 120.000 tỷ đồng, tăng 26,2% so với đầu năm và hoàn thành 103% kế hoạch cả năm; huy động vốn và phát hành giấy tờ có giá đạt gần 100.000 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm và hoàn thành đến 108% kế hoạch cả năm; dư nợ cho vay đạt hơn 86.000 tỷ đồng, tăng 27,3% so với đầu năm và hoàn thành 105% kế hoạch cả năm.
Xem đầy đủ thông tin về kết quả kinh doanh quý 3 của Nam A Bank tại đây
Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (mã SHB ) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2020. Trong đó, mảng tín dụng đóng góp cho ngân hàng khoản lãi 2.530 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, thu nhập lãi thuần đạt 6.652 tỷ đồng, tăng 23%.
Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng gấp gần 4 lần cùng kỳ, lên hơn 120 tỷ đồng. Dù vậy, kế lợi nhuận mảng này từ đầu năm vẫn giảm nhẹ 7,1%, ở mức 326 tỷ đồng.
Mảng kinh doanh ngoại hối kỳ này ghi nhận khoản lãi 56 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, kinh doanh ngoại hối mang về cho ngân hàng khoản lãi 132 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ.
Mảng mua bán chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 3,4 lần cùng kỳ, lên 382 tỷ đồng, nâng lợi nhuận lũy kế 9 tháng lên 408 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác đạt gần 72 tỷ đồng, gấp 7,2 lần cùng kỳ.
Chi phí hoạt động trong kỳ tăng 13,2%, lên 1.158 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 47,9%, lên 1.056 tỷ đồng.
Dù vậy, nhờ phần lớn các mảng kinh doanh đều khởi sắc nên kết thúc quý III/2020, SHB vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế 947 tỷ đồng, tăng 35% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 2.607 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối tháng 9/2010, tổng tài sản của SHB đạt 401,9 nghìn tỷ đồng, tăng tới 10% so với đầu năm.
Cho vay khách hàng tăng 10,2%, lên mức 292,2 nghìn tỷ đồng trong khi tiền gửi của khách hàng tăng 14,4%, lên 296,5 nghìn tỷ đồng.
Về chất lượng cho vay, hiện ngân hàng đang có tổng nợ xấu là 7.207 tỷ đồng, tăng tới 42,6% so với đầu năm. Nợ xấu tăng chủ yếu ở nợ nhóm 4 (tăng 218%) và nợ nhóm 5 (tăng 35,8%). Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng theo đó cũng tăng khá mạnh, từ mức 1,91% đầu năm lên 2,47%/tổng cho vay.
Xem link gốc tại đây
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – BID) vừa công bố BCTC Hợp nhất quý 3/2020.
9 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm 4,42% so với cùng kỳ, chỉ đạt 23.232 tỷ đồng. Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác lại có tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ trong 9 tháng đầu năm của BIDV đạt 3.667 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 16,4% đạt 1.253 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh của ngân hàng đạt 479 tỷ, tăng 82% so với cùng kỳ. Đồng thời, mua bán chứng khoán đầu tư cũng có lãi đột biến tới 1.009 tỷ trong khi cùng kỳ bị lỗ 266 tỷ đồng. Theo đó, hoạt động mua bán chứng khoán có lãi tới 1.488 tỷ trong khi cùng kỳ bị lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động khác (chủ yếu thu hồi xử lý nợ) lại kém khả quan, giảm 21,6% so với cùng kỳ, đạt 2.816 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động góp vốn mua cổ phần đạt 101 tỷ, giảm 43% so với cùng kỳ.
Tổng thu nhập hoạt động trong 3 quý đầu năm 2020 của BIDV đạt 34.558 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 300 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên cơ cấu đóng góp của các mảng kinh doanh có sự thay đổi đáng kế, tỷ trọng của thu nhập lãi thuần giảm từ 77% xuống còn 73%.
Chi phí hoạt động của BIDV tăng 6% lên 11.374 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro lại giảm nhẹ 2,3% xuống còn 16.119 tỷ đồng.
Theo đó, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 7.062 tỷ đồng, gần như tương đương mức cùng kỳ, chỉ nhỉnh hơn 34 tỷ đồng. Lãi ròng của ngân hàng đạt 5.667 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng trong 9 tháng của BIDV tăng 2,54% đạt 1,14 triệu tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 2,77% đạt 1,14 triệu tỷ đồng. Tại ngày 30/9, ngân hàng có 21.525 tỷ đồng nợ xấu, tăng 10,41% so với đầu năm, trong đó chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng 26% lên 14.315 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tăng từ 1,75% lên 1,88%.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank – mã chứng khoán BVB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 3 của ngân hàng đạt gần 76 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 138 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ và hoàn thành 69% kế hoạch của cả năm.
Dư nợ cho vay đạt hơn 38 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2019 và tăng 12% so với đầu năm; huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2019 và tăng 10% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng là 2,98%, còn nếu tính cả dư nợ trái phiếu thì tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,85%, tăng nhẹ so với cuối năm 2019.
Thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm cũng tăng trưởng tốt với 15% so với cùng kỳ, trong đó riêng thu nhập từ hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng tăng 63% nhờ việc hợp tác với các tổ chức phát hành thẻ quốc tế liên tiếp ra mắt các dòng thẻ tín dụng. Lãi từ dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, ngoại hối và các hoạt động khác cũng đều tăng trong cả quý 3 lẫn 9 tháng. Nhờ vậy tổng thu nhập từ hoạt động của ngân hàng 9 tháng tăng 21%.
Trong khi đó chi phí dự phòng rủi ro ở quý 3 chỉ tương đương cùng kỳ và 9 tháng cao gấp 2,5 lần cùng kỳ. Song nhờ tiết giảm chi phí tốt khi trong quý 3 và 9 tháng chi phí đều thấp hơn cùng kỳ nên lợi nhuận đạt tăng trưởng cao.
Tính đến 30/9/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 55 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng hiện có 1.735 nhân sự, giảm 48 người so với cuối năm 2019.
Xem thêm đầy đủ thông tin tại đây
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), ngân hàng ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2020 đạt 28,5 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm 2020 của ngân hàng đạt 831 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019. Lãi từ hoạt động dịch vụt ăng 11,6% đạt 28,6 tỷ. Đáng chú ý, ngân hàng ghi nhận lãi đột biến từ mua bán chứng khoán đầu tư, đạt 86,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi vỏn vẹn hơn 400 triệu đồng.
Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong 9 tháng đạt 947 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm 3,8% xuống mức 580,7 tỷ đồng. Chi phí dự phòng tăng 14,9% lên 38,2 tỷ đồng. Ngân hàng còn phải trích 300 tỷ đồng để xử lý các khoản theo đề án tái cấu trúc (gấp 4 lần cùng kỳ) nên lợi nhuận trước thuế chỉ còn 28,5 tỷ đồng.
Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của NCB đạt 74.334 tỷ đồng, giảm 7,5% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,7% đạt 40.054 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 9,3% đạt 64.604 tỷ đồng.
Nợ xấu nội bảng của ngân hàng giảm 10 tỷ so với đầu năm xuống mức 720 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo đó giảm từ 1,93% xuống 1,8%.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 với lợi nhuận trước thuế đạt 10.700 tỷ và doanh thu đạt 19.300 tỷ; tăng lần lượt 20,9% và 33,5% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp tục duy trì được chuỗi tăng trưởng doanh thu 20 quý liên tiếp trong bối cảnh nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mức lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt được trong 9 tháng đầu năm cũng đã hoàn thành 82,4% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế mà Đại hội cổ đông đã thông qua.
Cụ thể, kết thúc quý 3/2020, doanh thu (TOI) của ngân hàng đạt 19.300 tỷ đồng, tăng 33,5% so với doanh thu 14.400 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2019.
Trong đó, thu nhập lãi thuần (NII) của 9 tháng đầu năm 2020 đạt 13.300 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 3.100 tỷ đồng, tăng trưởng 65,1% so với cùng kỳ; và chiếm 16,2% tổng doanh thu, cao hơn mức 13,1% của 9 tháng đầu năm 2019 do có sự đóng góp mạnh mẽ của hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu.
Chi phí hoạt động của 9 tháng đầu năm 2020 là 6.300 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được cải thiện ở mức 32,8%, so với mức 34,5% cùng kỳ năm ngoái.
Cuối tháng 9/2020, tổng tài sản của Techcombank đạt 401,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với thời điểm cuối năm 2019. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại 30/09/2020 là 279,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước và 8,3% so với cuối năm 2019.Tiền gửi khách hàng tại 30/09/2020 là 252,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với thời điểm 30/09/2019.
Tại thời điểm 30/09/2020, tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 0,6%, thấp hơn mức 0,9% tại 30/06/2020 và 1,8% tại 30/09/2019.
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020.
Quý 3/2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sụt giảm 22% so với cùng kỳ, chỉ đạt 4.938 tỷ đồng. Nguyên nhân do thu nhập hoạt động sụt giảm trong khi chi phí hoạt động và chi phí dự phòng đều tăng.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý 3/2020 của Vietcombank giảm 1,54% so với cùng kỳ xuống 8.723 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng giảm nhẹ 1,7% xuống 1.257 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 79%, chỉ đạt hơn 6 tỷ; lãi từ hoạt động khác cũng giảm mạnh 39% xuống 539 tỷ đồng. Chỉ mảng kinh doanh ngoại hối có kết quả khả quan hơn, đạt lãi 1.034 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động quý 3/2020 của Vietcombank tăng 9,5% so với cùng kỳ lên 4.579 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 34,7% lên 2.024 tỷ đồng, "ăn mòn" 29% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 15.965 tỷ đồng, giảm 9,35% so với cùng kỳ. Lãi ròng 9 tháng đạt 12.779 tỷ đồng, giảm 9,5%.
Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,18 triệu tỷ đồng, giảm 2,79% so với đầu năm chủ yếu do ngân hàng giảm cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank trong 9 tháng tăng 6,7% đạt 783.757 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 5,7% đạt 981.492 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn của Vietcombank đã bật tăng trở lại sau khi giảm trong 2 quý trước đó. Tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng Vietcombank tại ngày 30/9 đạt 274.387 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cuối quý 2 và tăng 4,3% so với đầu năm.
Cuối tháng 9/2020, Vietcombank có 7.884 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,01% dư nợ cho vay khách hàng. Trước đó, cuối năm 2019, tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank chỉ ở mức 0,79%.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020.
Theo đó, tính đến 30/9, ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 16,5%, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 19,34% - gấp hơn 2 lần tăng trưởng bình quân của ngành. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 3%, trong đó riêng nợ xấu tại ngân hàng riêng lẻ giảm từ mức 2,18% cuối năm 2019 xuống còn 2,01%.
Song song với việc giảm dần tỷ lệ nợ xấu, ngân hàng cũng gia tăng chi phí dự phòng hợp nhất thêm 14,4% so với cùng kỳ (sau khi đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC). Trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt gần 30% - chứng tỏ ngân hàng luôn sẵn sàng với bộ đệm dự phòng nợ xấu để ứng phó với các tác động của dịch bệnh.
Các tỷ lệ an toàn đều được duy trì ở mức tốt. Tỷ lệ Dư nợ tín dụng trên Tổng vốn huy động (LDR) đạt 67%, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 27,8%, đều thấp hơn quy định. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tại ngân hàng hợp nhất đạt hơn 11% trong khi yêu cầu tối thiểu là 8% theo Basel II.
Tổng doanh thu (TOI) hợp nhất sau 9 tháng đạt 28,3 nghìn tỷ, tăng 7,6% so với cùng kỳ, riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ. Tính riêng trong quý 3, TOI của ngân hàng riêng lẻ đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 8%.
Thu nhập từ phí của ngân hàng mẹ (NFI) tăng gần 36%, đạt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng NFI trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ 13,2% lên 15,1% so với cùng kỳ. Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro trong 9 tháng đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, và ghi nhận tăng trưởng đột phá tại FE Credit với mức tăng 30,3%.
Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) ở ngân hàng hợp nhất giảm mạnh so với cùng kỳ, từ 34,7% xuống còn 30,4%, với mức 9 tháng tại ngân hàng mẹ được ghi nhận còn 32,3% và tại FE là 28,4%.
Nhờ các kết quả trên, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sau 9 tháng của VPBank đã đạt 92% kế hoạch đề ra hồi đầu năm, tương đương mức gần 9.400 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ. Trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) lần lượt đạt 21,8% và 2,5% - thuộc nhóm cao trên thị trường.
Xem đầy đủ bài viết tại đây
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – mã chứng khoán MBB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020.
Tính đến hết 30/9/2020, ngân hàng hợp nhất có tổng tài sản hơn 427 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với cuối năm 2019 và tăng 7,5% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng đạt hơn 296 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm và tăng 16,2% so với cùng kỳ, trong đó riêng cho vay khách hàng đạt gần 264 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm.
Huy động vốn của ngân hàng hợp nhất trong 9 tháng đạt gần 298 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với đầu năm và tăng 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó huy động vốn của riêng ngân hàng mẹ MB đạt hơn 301 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm và tăng 10,3% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu tiền gửi, ngân hàng ghi nhận tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm trong khi tiền gửi của cá nhân tăng mạnh 16% so với đầu năm. Ngân hàng cũng có lượng chứng chỉ tiền gửi tăng mạnh tới 45,8% so với đầu năm và 63,5% so với cùng kỳ.
Trong quý 3 ngân hàng ghi nhận thu thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 6,1% so với cùng kỳ đạt 6.735 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 10% đạt 3.015 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, thu thuần từ kinh doanh của MB đạt gần 19.650 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước với cả thu nhập lãi thuần và mảng dịch vụ đều tăng ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.134 tỷ đồng, tăng 6,8%; riêng ngân hàng mẹ đạt 7.369 tỷ, tăng 4% so với cùng kỳ.
Như vậy dù dự trù kế hoạch lợi nhuận giảm 10% trong năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng ngân hàng vẫn đang tăng trưởng tốt hơn dự kiến khi lợi nhuận của quý 2 và quý 3 đều tăng.
Về chất lượng tín dụng, tại thời điểm cuối quý 3, ngân hàng có tổng cộng 4.036 tỷ đồng nợ xấu, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, song nhờ tăng trưởng tín dụng cao nên tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,5% trong khi cùng kỳ là 1,54%.
Ngân hàng có quỹ dự phòng rủi ro gần 4.800 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ. Như vậy tỷ lệ bao nợ xấu đạt tới 118,86%, trong khi cùng kỳ là 102,73% - nằm trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất hệ thống.
Xem thêm thông tin đầy đủ về KQKD của MB 9 tháng tại đây
Trí Thức Trẻ