MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Binance gặp “hạn” ở Hà Lan

20-07-2022 - 10:50 AM | Kinh tế số

Ngân hàng Trung ương Hà Lan đã phạt 3,3 triệu Euro (3,4 triệu USD) đối với sàn giao dịch tiền điện tử Binance

Ngân hàng Trung ương Hà Lan đã phạt 3,3 triệu Euro (3,4 triệu USD) đối với sàn giao dịch tiền điện tử Binance

Ngân hàng Trung ương Hà Lan đã phạt 3,3 triệu Euro (3,4 triệu USD) đối với sàn giao dịch tiền điện tử Binance, vì đã mở rộng các dịch vụ trái phép cho công dân tại nước này.

Nộp phạt hàng triệu đô

Theo đó, sàn giao dịch đã vi phạm các quy tắc mà một công ty tài sản kỹ thuật số cần để có thể đăng ký cung cấp dịch vụ ở Hà Lan. Điều này bị xem như một điểm trừ cho chiến dịch của Binance khi muốn tiến sâu vào thị trường châu Âu và giành thiện cảm trước các cơ quan quản lý khu vực.

Để ước tính số tiền phạt mà Binance phải nộp, Ngân hàng Trung ương Hà Lan (De Nederlandsche - DNB) đã chiếu theo Chính sách quy định chung về nộp phạt của chính họ ban hành. Ngoài ra, do Binance đã phục vụ một số lượng lớn người dùng ở Hà Lan, khiến Ngân hàng Trung ương Hà Lan tính thêm phí phạt.

Trong thông cáo báo chí, tuyên bố của DNB nêu rõ: “Binance có lợi thế cạnh tranh vì không phải trả bất kỳ khoản thuế nào cho DNB và không phải chịu bất kỳ chi phí nào khác liên quan đến việc giám sát của DNB. Ngân hàng Trung ương Hà Lan cần các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phải được đăng ký theo Đạo luật chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố kể từ ngày 21/5/2020”.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Binance cho biết, Binance và DND đã có bước ngoặt trong sự hợp tác giữa hai bên và rằng sàn giao dịch đã thành lập một chi nhánh tại địa phương với tên gọi Binance Netherland BV. “Với điều này, chúng tôi có thể tiếp tục theo đuổi mô hình hoạt động của mình ở Hà Lan. Dù DNB vẫn chưa chấp thuận đăng ký của Binance, nhưng họ đã giảm 5% tiền phạt theo dự kiến ban đầu vì công ty đã tương đối minh bạch về các hoạt động trong suốt quá trình triển khai”.

Binance Nederland BV được thành lập vào tháng 10 theo hồ sơ của Phòng Thương mại Hà Lan, thuộc sở hữu của Binance Holding Ltd kể từ tháng 12/2021.

Chia rẽ lập trường

Trước đó, Binance đã bị hàng chục cơ quan quản lý trên toàn thế giới khiển trách vì lo ngại về các chính sách ngăn chặn rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng cũng như hoạt động chưa được cấp phép. Song đến nay cũng đã có sự phân hoá giữa các quốc gia trong lập trường quản lý đối với Binance.

Binance gặp “hạn” ở Hà Lan - Ảnh 1.

Vừa qua, CEO Binance đã bày tỏ mong muốn tiếp cận thị trường châu Á và mong Việt Nam là thị trường tiên phong trong khu vực tiếp cận sự phát triển mới

Tại Vương quốc Anh, vào tháng 6/2021,Cơ quan Quản lý Tài chính nước này (FCA) đã nêu quan điểm thẳng thắn về những rủi ro do sàn giao dịch có thể gây ra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng chống lại Binance. FCA cũng cho biết, họ không chắc Binance có khả năng được giám sát hiệu quả như đã cảnh báo, liên quan đến các sản phẩm tài chính phức tạp, rủi ro cao có thể gây thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng.

Ngược lại tại Pháp, trong những tháng gần đây đã có động thái mở cửa cho sàn giao dịch này hoạt động. Theo một thông cáo từ cơ quan quản lý thị trường vốn của Pháp (Autorité Des Marés Financiers - AMF), Binance đã đảm bảo chấp thuận các quy định ở quốc gia này. Như vậy, Binance hiện là Nhà cung cấp dịch vụ tài sản kỹ thuật số đã đăng ký tại Pháp và sẽ được phép lưu ký tài sản kỹ thuật số; tạo điều kiện cho việc mua, bán, trao đổi các tài sản đó; và vận hành một nền tảng giao dịch cho họ. Đây là giấy phép đầu tiên của Binance ở châu Âu.

Phía Binance chia sẻ thêm, công ty đang mở rộng hoạt động toàn cầu, sau khi được chấp thuận tạm thời để hoạt động như một đại lý, nhà môi giới tài sản ảo ở Abu Dhabi vào tháng 3 và tháng 4. Sau khi hoàn thành ứng dụng ADGM FSRA của mình, Binance sẽ có thể cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc cung cấp tài sản ảo cho khách hàng trên khắp khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA), thông qua công ty con Binance (AD) Limited.

Từ trước đến nay, Binance chưa bao giờ có một trụ sở chính do các đặc tính phi tập trung của nó, điều này không phù hợp với các cơ quan quản lý - những người coi đó là thiếu trách nhiệm. Người sáng lập Binance, Changpeng Zhao đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số của Financial Times vừa qua rằng: "Khi mới bắt đầu, chúng tôi muốn áp dụng triết lý phi tập trung không có văn phòng, không trụ sở chính, không có tổ chức công ty. Nhưng muốn có được giấy phép, thì phải có cấu trúc doanh nghiệp kiểu truyền thống và chúng tôi sẽ bắt đầu nó ngay bây giờ”.

Sau đó, Binance đã đầu tư 100 triệu Euro (108 triệu USD) vào các hoạt động của mình tại Pháp, bao gồm cả quan hệ đối tác với các vườn ươm khởi nghiệp có trụ sở tại Paris.

Bên cạnh sự ủng hộ, Binance cũng vấp phải sự phản đối từ Nghị sĩ châu Âu (MEP) Aurore Lalucq. Trong đó, Binance đang bị Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) điều tra về mã thông báo BNB. Đặc biệt, cơ quan quản lý đang cố gắng tìm hiểu xem BNB có được bảo mật khi cung cấp tiền xu ban đầu vào tháng 7/2017 hay không, đồng thời theo dõi chi nhánh Binance Hoa Kỳ (Binance.US).

Binance còn phải đối mặt với sự chỉ trích từ một số nhà đầu tư khi đệ đơn kiện Binance.US vì đã gây hiểu lầm cho công chúng trong việc mua các đồng UST và LUNA. Cụ thể, sàn giao dịch này đã bán mã chứng khoán LUNA và UST chưa đăng ký và “đánh lừa” mọi người mua chúng, trong khi giá trị đồng tiền này bị rơi thảm khốc.

Chưa có quy định tại Việt Nam

Tháng 6/2022, tham dự sự kiện Viet Nam NFT Summit - Giải pháp cho kỷ nguyên mới tại Hà Nội, CEO Binance Changpeng Zhao (Triệu Trường Bằng) cũng bày tỏ mong muốn tiếp cận thị trường châu Á và mong Việt Nam là thị trường tiên phong trong khu vực tiếp cận sự phát triển mới.

Tuy nhiên ở Việt Nam, tiền ảo, tài sản ảo hay quyền sở hữu tài sản vẫn còn nhiều vướng mắc về quy định pháp luật. Tại một Hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức, bà Lê Thuý Nga, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) chỉ rõ, hệ quả pháp lý của việc chưa có quy định là việc bảo hộ các quyền hoặc lợi ích hợp pháp của cá nhân trong việc nắm giữ, chuyển nhượng, thừa kế, yêu cầu bảo vệ khi bị đánh cắp hoặc tước đoạt đối với các loại "tài sản mã hoá" trở nên không chắc chắn.

Đi kèm với đó là việc thực hiện nghĩa vụ thuế phát sinh từ các giao dịch liên quan tới chuyển nhượng "tài sản mã hoá" cũng chưa được áp dụng theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân.

“Thiếu khung pháp lý rõ ràng cũng đồng nghĩa với việc cơ quan thuế không thể thu được thuế từ các hoạt động đầu tư, kinh doanh "tài sản mã hoá". Đồng thời cũng gây lúng túng cho các tổ chức, cá nhân và cơ quan nhà nước áp dụng quy định pháp luật trong một loạt các lĩnh vực khác như đầu tư, kinh doanh, hình sự, hành chính, pháp luật về phá sản như việc nếu mở sàn giao dịch để trao đổi, mua bán các loại tiền ảo với nhau, phát hành token để huy động vốn (ICO) thì có bị coi là bất hợp pháp không?

Ngoài ra, việc thiếu khung pháp lý rõ ràng cộng với nhận thức vẫn còn rất thấp của người dân về "tài sản mã hóa" (tài sản ảo), "tiền mã hóa" (tiền ảo) cũng dẫn đến sự bùng nổ các hoạt động lừa đảo trong thời gian qua. Bên cạnh đó, sự nhầm lẫn giữa khái niệm "tiền điện tử" và "tiền ảo" đã gây ra lúng túng trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền”, bà Nga phân tích.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên