MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình đẳng giới trong thu nhập ở ASEAN – Góc nhìn từ phạm vi hộ gia đình

Năm 2016, Tổ chức Lao động Quốc Tế (ILO) đã báo cáo rằng phụ nữ chiếm khoảng một nửa số lao động nhập cư được ghi nhận trong khu vực ASEAN. Những người này thường được tuyển dụng trong các công việc nội trợ, giúp việc và hầu hết bị trả lương thấp, không xứng đáng với lượng lao động hao phí bỏ ra.

Theo một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), một trong những nguyên nhân chính khiến thu nhập giữa 2 giới vẫn có sự chênh lệch là bởi phần lớn các công việc nội trợ đều do phụ nữ đảm nhận.

Tuy nhiên, báo cáo lại không đề cập đến tầm quan trọng của loại hình công việc đó đối với nền kinh tế. Mặc dù phụ nữ có thể chịu gánh nặng lớn hơn nam giới khi phải chăm lo việc nhà và thậm chí là người thân, công việc được nhiều người cho là vô giá đó lại thường bị coi là lao động hạng thấp trong nền kinh tế.

Mãi tới năm 2011, ILO mới công nhận công việc nội trợ như một loại hình lao động chính thức. Điều này có nghĩa là những người tham gia vào công việc nội trợ - được xác định khi có sự thiết lập mối quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động trong phạm vi hộ gia đình – sẽ được hưởng các quyền của người lao động tại quốc gia tương ứng.

Tuy nhiên chỉ riêng điều đó vẫn không đủ để giúp những người giúp việc có được những đãi ngộ tốt hơn. Nhiều người trong số họ còn rơi vào tình trạng bị lạm dụng sức lao động khi phải làm việc suốt ngày đêm, thậm chí còn không có ngày nghỉ.

Trong khi nhiều doanh nghiệp và cá nhân sẵn sàng trả mức lương thị trường cho người lao động để giúp họ kiếm được lợi nhuận thì họ lại cảm thấy vô lý khi trả cùng một mức lương như vậy cho người giúp việc. Vậy điều gì đã khiến công việc của những người đảm nhận trách nhiệm chăm lo nhà cửa và con cái của chúng ta chỉ mang giá trị thấp như vậy?

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty  nghiên cứu thị trường Yougov, có tới 48% người dân Singapore khi được hỏi thì cho rằng những người giúp việc trong gia đình chỉ nên được trả lương dưới 600 SGD (tương đương 444 USD).

Cũng tại Singapore, cầu về lao động nước ngoài chuyên đảm nhận các công việc nội trợ dự kiến sẽ tăng từ 198.000 trong năm 2011 lên 300.000 vào năm 2030.

Ở Malaysia, mức lương tối thiểu hàng tháng cho một nhân viên bảo vệ người Nepal với khoảng 12 giờ làm mỗi ngày rơi vào khoảng 463 USD. Trong khi đó, một người giúp việc tại Indonesia với giờ làm việc thậm chí còn nhiều hơn chỉ kiếm được khoảng 219 USD mỗi tháng.

Liệu sự tồn tại của khoảng cách thu nhập này có phải đến từ nguyên nhân hầu hết những người đảm nhận công việc nội trợ là phụ nữ ?

Trước đây, nam giới thường được coi là trụ cột của gia đình và vì thế cũng nhận được mức đãi ngộ tốt hơn phụ nữ. Nhưng điều đó chỉ khiến cho các nhà hoạch định chính sách phớt lờ một thực tế là ngoài việc nội trợ, phụ nữ khi đi làm như nam giới cũng chỉ được hưởng một nửa mức lương tương ứng.

Nhiều nước ASEAN vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn tiến bộ, tôn trọng quyền bình đẳng của phụ nữ. Họ xứng đáng được công nhận sự đóng góp thực sự trong nền kinh tế cũng như trách nhiệm lớn lao trong việc nội trợ thường nhật.

Bình đẳng giới trong thu nhập ở ASEAN – Góc nhìn từ phạm vi hộ gia đình - Ảnh 1.

Báo cáo xếp hạng các nước ASEAN về bất bình đẳng giới năm 2020. Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)

Mặc dù nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thu hẹp khoảng cách về tiền lương giữa hai giới sẽ có tác động đáng kể đến việc tăng mức thu nhập trung bình, nhưng những nỗ lực vẫn đang lâm vào bế tắc tại hầu hết các nước ASEAN.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lý giải sự khác biệt về nghề nghiệp giữa nam và nữ là một trong những nguyên nhân hàng đầu góp phần tạo nên khoảng cách thu nhập. Trong đó vai trò của phụ nữ thường có xu hướng bị xem nhẹ.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp Iceland thành công trong việc đẩy mạnh bình đẳng giới đến từ các chính sách ủng hộ cải thiện vốn nhân lực. Đây cũng là chính sách mà ASEAN tuyên bố sẽ theo đuổi tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2020.

Để bắt đầu, ASEAN nên hướng tới việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong việc tham gia các hoạt động kinh tế. Đây cũng là bước đầu trong việc thu hẹp khoảng cách giới, vốn được báo cáo là không mấy khả quan gần đây.

Hoàng Linh

The ASEAN Post

Trở lên trên