Bình Định công bố kết luận vụ tàu gần 20 tỷ rỉ sét chiều nay
Nguyên nhân hư hỏng, tình trạng kỹ thuật vụ tàu vỏ thép gần 20 tỷ rỉ sét ở Bình Định sau khi Tổ thẩm định kiểm tra sẽ được công bố trong chiều nay.
- 10-06-201717 tàu vỏ thép hỏng nằm bờ ở Bình Định: Không xử lý nghiêm sẽ gây ảnh hưởng lớn
- 09-06-2017Tàu vỏ thép gần 20 tỷ rỉ sét: Máy không hề của chính hãng
- 22-05-2017Vụ tàu vỏ thép: Chuyên gia Nhật, Hàn vào cuộc
Sở NN&PTNT Bình Định sáng nay cho biết, kết quả sơ bộ của Tổ thẩm định tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định (NĐ) 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ tại đây sẽ công bố chiều nay.
Tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định vừa đóng mới đã rỉ sét và hư hỏng máy
Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cho biết, đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 56 tàu cá đóng mới theo NĐ 67, trong đó có 47 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ và 5 vỏ tàu composite.
Tuy nhiên, qua kiểm tra có đến 18 tàu cá vỏ thép mới đóng đã bị hư hỏng, trong đó, 13 chiếc do công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng, 5 chiếc do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng.
Kiểm tra máy tàu
Sở NN&PTNT đã thành lập Đoàn công tác kiểm tra 7 tàu và có kết quả sơ bộ: Vỏ thép bị rỉ sét nặng, sơn chưa đúng quy định; máy tàu bị hư hỏng; các trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn… bị hư hỏng, không hoạt động.
Điều đáng lưu ý là trong số 13 tàu cá vỏ thép do công ty Nam Triệu đóng, ngoài phần rỉ sét nặng ở vỏ tàu , thép không đúng loại thì máy chính của tàu cũng không được lắp theo đúng hợp đồng đã ký kết với ngư dân.
Trước đó trao đổi với báo chí, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Cơ sở đóng tàu đã hợp đồng máy chính hãng Mitsubishi thì phải lắp đặt nguyên đai nguyên kiện máy mới của hãng này.
Tàu vỏ thép rỉ sét
Hợp đồng đóng tàu là thép Hàn Quốc thì phải đóng đúng, chứ không tự động thay bằng thép TQ. Ðề nghị các cơ sở đóng tàu lấy lương tâm và trách nhiệm để đóng tàu có chất lượng giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, chứ không chỉ vì lợi nhuận cao mà làm ăn gian dối”.
Trong một diễn biến khác, đơn vị Hoàng Gia Phát (quận 2, TP.HCM) nơi bán máy cho công ty Nam Triệu đã gặp gỡ, năn nỉ chủ tàu xin sửa chữa máy hỏng. Theo vợ giám đốc doanh nghiệp này, nếu thay toàn bộ 9 máy thủy chính hãng Mitsubishi thì công ty không đủ khả năng.
Ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc công ty TNHH ô tô Đông Hải, đại diện ủy quyền phân phối động cơ Doosan tại Việt Nam lại khẳng định, chính sách bảo hành toàn cầu của hãng là thay thế phụ tùng cho các bộ phận hư hỏng.
"Chúng tôi sẽ chứng minh những cái không phải lỗi của hãng máy mà là lỗi của ngư dân . Phía công ty không công bố kết quả mà chỉ đưa chứng cứ cho UBND tỉnh Bình Định để địa phương có kết luận chính thức” - lời ông Hải.
Mới đây, trả lời chất vất trước QH, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói rõ, đã đình chỉ 2 DN đóng tàu mới là công ty Đại Nguyên Dương và Nam Triệu, tập trung khắc phục hậu quả. Bộ cũng yêu cầu thay mới, không có sửa chữa. Các tàu bị hỏng sắt phải thay sắt đúng chủng loại để ngư dân kịp thời đi biển.
Tỉnh Bình Định cũng thành lập đơn vị thẩm định độc lập, cơ quan tư pháp, mời chuyên gia thẩm định xem các tàu này hỏng thế nào, nguyên nhân từ đâu...
Vietnamnet