Bình Định sẽ chi hàng trăm tỉ đồng để di dời khách sạn bên bờ biển
Nhằm sớm trả lại không gian biển cho người dân, tỉnh Bình Định dự kiến sẽ chi hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ cho việc di dời khách sạn bên bờ biển Quy Nhơn.
Ngày 7-6, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết theo quy hoạch, địa phương đã có phương án di dời 3 khách sạn lớn, được xây từ lâu ở phía Đông đường An Dương Vương nhằm trả lại cảnh quan cho phố biển Quy Nhơn.
3 khách sạn che khuất tầm nhìn ra biển Quy Nhơn sẽ được giải tỏa trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Dũng
Đó là khách sạn Bình Dương (2 sao, thuộc Binh đoàn 15 Bộ Quốc phòng) khách sạn Hải Âu (4 sao) và Hoàng Yến (4 sao). Những tồn tại này có từ nhiều năm trước nên giờ tỉnh Bình Định xác định cần phải khắc phục, trả lại không gian công cộng ven biển cho người dân.
Về khách sạn Bình Dương, tỉnh Bình Định và Quân khu 5 (Bộ Quốc phòng) đã thống nhất phương án, hiện hai bên đang tiến hành các thủ tục kiểm kê, bồi thường để di dời. Còn khách sạn Hải Âu năm nay sẽ hết hạn hợp đồng cho thuê đất nên việc di dời không khó khăn gì. Riêng khách sạn Hoàng Yến đến năm 2052 mới hết hạn hợp đồng thuê đất.
"Qua làm việc với chủ khách sạn Hoàng Yến, họ đã ủng hộ chủ trương di dời khách sạn sớm hơn so với hợp đồng thuê đất. Tỉnh sẵn sàng chi 100-200 tỉ để hỗ trợ họ di dời khách sạn sớm hơn nhằm trả lại không gian biển cho người dân. Dọc tuyến đường ven biển Quy Nhơn, địa phương chỉ quy hoạch nhà cao tầng tạo điểm nhấn chứ không chạy theo kiểu xây dựng tràn lan phát triển nóng, phá vỡ cảnh quan đô thị", ông Dũng nói.
Bờ biển Quy Nhơn có hình vầng trăng khuyết tuyệt đẹp
Không chỉ giải tỏa các khách sạn che khuất tầm nhìn ra biển, Bình Định còn triển khai hàng loạt dự án khác để phục vụ mục tiêu quy hoạch không gian du lịch biển Quy Nhơn. Cụ thể, hiện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã thông qua quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 về việc xử lý khu lấn biển Mũi Tấn (nằm trên bờ biển Quy Nhơn) bị bỏ hoang từ nhiều năm qua. Theo đó, khu này sẽ được nạo vét xén bớt theo hướng xây kè ven biển, trả lại độ cong tự nhiên cho bãi biển Quy Nhơn; phần đất còn lại xây công viên công cộng, bến thuyền du lịch...
Giải thích về việc khu lấn biển Mũi Tấn bị bỏ hoang nhiều năm qua, ông Hồ Quốc Dũng cho rằng do trước đây trong bối cảnh ngân sách địa phương còn khó khăn nên khi có nhà đầu tư lớn vào, Bình Định chấp nhận chính sách thu hút. Tuy nhiên, sau này thấy dự án không đảm bảo, tỉnh đã cho dừng để khắc phục từng bước.
Cụ thể, hiện nhà đầu tư mới dự án đã thống nhất với chính quyền về việc xử lý khu lấn biển Mũi Tấn sau quá trình thương thuyết nhiều năm. Nhà đầu tư đang làm theo ý tưởng của tỉnh, sẽ xây dựng công viên cho người dân, phần nhỏ đoạn giáp Hải đoàn 48 nhà đầu tư sẽ làm khu thương mại.
Đường Xuân Diệu được mở về hướng Tây rộng lên 4 làn xe
Ngoài ra, hiện UBND TP Quy Nhơn đang đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị trên tuyến đường Xuân Diệu (từ Quảng trường đến Mũi Tấn), đồng thời di dời cụm tượng đài Chiến Thắng ở khu vực này. Bên cạnh đó, đường Xuân Diệu được mở về hướng Tây rộng lên 4 làn xe; tuyến đường cũ được quy hoạch phố đi bộ kết hợp xây dựng công viên biển phục vụ người dân và du khách. Tại đường Lê Hồng Phong nối dài đến Xuân Diệu hướng ra biển, từ nay đến cuối năm, địa phương này giải tỏa 110 hộ để thông tuyến. Trước đó, đường Ngô Văn Sở cũng đã thông tuyến xuống biển Quy Nhơn thành tuyến phố đi bộ, du lịch ẩm thực.
Người lao động