Bình Dương: "Đầu tàu" doanh nghiệp FDI và nỗ lực giải bài toán về nguồn nhân lực trong đại dịch Covid-19
Sang đầu quý 2/2021, Bình Dương rơi vào tình trạng thiếu lao động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh từ tháng 6/2021. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những ca nhiễm Covid-19, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ nghiêm trọng.
Làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam. Trong đó, Bình Dương – "đầu tàu" FDI cũng ghi nhận sự bùng phát mạnh và đang nỗ lực để đưa địa phương vào trạng thái bình thường mới.
Bình Dương – "đầu tàu" FDI và những áp lực từ đại dịch Covid-19
Là thành phố đứng thứ 3 cả nước sau Tp.HCM và Hà Nội về thu hút vốn FDI, đã gặp không ít khó khăn, thiệt hại kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát nghiêm trọng. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của vài doanh nghiệp, đơn vị y tế cùng tham gia công tác chống dịch, một kịch bản khả quan hy vọng sẽ sớm diễn ra vào cuối tháng 9.
Điểm qua, Bình Dương hiện có 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh đó, Bình Dương có 29 khu công nghiệp với trên 2.000 doanh nghiệp, 485.670 lao động Việt Nam và 14.900 lao động nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của tỉnh tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ 6,73%). Tỉnh đã thu hút được 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 65% và 49.115 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước, tăng 91,2% so với cùng kỳ.
So sánh thu hút FDI của Bình Dương 5 tháng đầu năm 2021 với cùng kỳ năm 2020. (Đvt: USD).
Tuy nhiên, sang đầu quý 2/2021, Bình Dương rơi vào tình trạng thiếu lao động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh từ tháng 6/2021. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những ca nhiễm Covid-19, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ nghiêm trọng. Ước tính trong tháng 8, tỉnh ghi nhận trung bình 2.200 ca mắc Covid-19/ ngày. Doanh nghiệp xuất hiện ca nhiễm phải ngưng hoạt động để khử khuẩn, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm để loại bỏ người bị nhiễm bệnh (F0) ra khỏi đội ngũ công nhân và ngăn ngừa lây nhiễm cho những người khác, sau đó mới tổ chức lại sản xuất.
Đơn cử tại Công ty TNHH Sài Gòn Stec có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, với hơn 6.000 công nhân: từ ngày 22/7, công ty xuất hiện ca F0 nên phải thực hiện ngừng sản xuất toàn bộ các phân xưởng đến ngày 9/8. Từ ngày 10/8, doanh nghiệp chính thức hoạt động trở lại theo phương án "3 tại chỗ" (ăn, nghỉ, làm việc tại chỗ) và "1 cung đường, 2 địa điểm" với hơn 3.000 công nhân sản xuất. Mặc dù thực hiện rất nghiêm ngặt các biện pháp phòng tránh dịch, nhưng doanh nghiệp vẫn vướng phải muôn vàn khó khăn do: Chi phí y tế, chi phí lưu trú cho công nhân rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí dự án của doanh nghiệp, bên cạnh các chi phí vận hành sản xuất.
Tương tự Công ty TNHH nội thất New Fortune (đặt tại KCN Nam Tân Uyên mở rộng) cũng thực hiện phương án "3 tại chỗ" đã phát hiện 37 ca dương tính, hay Công ty TNHH Timberland (Khánh Bình, thị xã Tân Uyên) có hơn 1.300 người ở lại công ty sản xuất "3 tại chỗ" nhưng tới ngày 27/7 đã phát hiện 233 ca dương tính... Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp đang sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" cho biết họ chịu rất nhiều áp lực vì dù đã test nhanh đầu vào khi bắt đầu thực hiện nhưng những lần kiểm tra sau đó vẫn có thể xuất hiện ca F0.
Thống kê bởi Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, trong suốt tháng 7/2021, có tới hơn 1.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động vì không đảm bảo tiêu chí để duy trì sản xuất "3 tại chỗ". Nhiều doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất còn đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu vì nguồn cung ứng nguyên vật liệu đang bị gián đoạn.
Nỗ lực giải quyết bài toán nhân sự cho Bình Dương
Nỗ lực giải quyết khó khăn trên, vào đầu tháng 8/2021, tỉnh đã mở rộng các khu điều trị F0 từ 20.000 - 30.000 giường. huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch, tăng cường lực lượng tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm phòng chống dịch.
Mặc dù công tác điều trị bệnh nhân F0 có những kết quả bước đầu, nhưng trên thực tế, với số lượng bệnh nhân liên tục tăng nhanh đã đặt ra nhu cầu cấp thiết về trang thiết bị, vật tư y tế để khám và điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Ngoài các biện pháp chống dịch kịp thời, vài doanh nghiệp, tổ chức y tế cũng đã đồng hành kịp thời với mục tiêu nhanh chóng phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế. Đơn cử, Bệnh viện Hoàn Hảo Keimeikai là đơn vị tiên phong trong công tác phòng – chống dịch, dịch như: Thực hiện dịch vụ test nhanh kháng nguyên, RT-PCR từ sớm; Triển khai các dịch vụ hỗ trợ nhu cầu người dân như: giao thuốc tại nhà cho bệnh nhân trong khu phong toả, tư vấn - khám bệnh online từ xa, hỗ trợ lấy mẫu test tại nhà... Trong giai đoạn cuối tháng 8 - đầu tháng 9, bệnh viện tiếp tục triển khai xét nghiệm kháng thể cho người đã tiêm vaccine; phối hợp với Sở Y tế Bình Dương tiêm vaccine cho bà bầu và phụ nữ đang cho con bú,...
Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người được Bộ Y tế cử vào Bình Dương hỗ trợ chống dịch, cho biết tỉnh Bình Dương tiếp tục có những tín hiệu tích cực vào giai đoạn cuối tháng 8, trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, với số ca công bố khỏi bệnh nhiều hơn số ca nhập viện. Có ngày, gần 5.000 người được ra viện, tỉnh Bình Dương đã đặt mục tiêu sớm trở lại trạng thái bình thường mới trong tháng 9/2021.
Trong đó, đặc biệt ghi nhận những đóng góp quan trọng của các đơn vị y tế dành cho công tác chống dịch, hỗ trợ điều trị các bệnh nhân F0 của tỉnh... sẽ là cánh tay đắc lực của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, giúp nhanh chóng đẩy lùi và khống chế dịch bệnh, để cả tỉnh hướng đến trạng thái bình thường mới, trở lại quỹ đạo sản xuất và hoạt động kinh tế với nguồn nhân lực ổn định.