Bình Dương sẽ có hai ‘siêu đường sắt’ hàng chục ngàn tỷ đồng
Hai tuyến đường sắt với kinh phí hàng vạn tỷ đồng sẽ kết nối Bình Dương – TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu. Tỉnh Bình Dương kỳ vọng, dự án đường sắt sẽ là bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn mới.
- 03-07-2023Vì sao đường sắt ngày càng 'thất thế'?
- 03-07-2023Cây cầu duy nhất tại Việt Nam có đường bộ và đường sắt đi chung
- 03-07-2023Đưa vào khai thác 4 ga mới trên tuyến đường sắt Bắc - Nam
Ngày 9/7, đại diện Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bình Dương cho biết, tỉnh này đang cùng TPHCM và Đồng Nai nghiên cứu phương án kéo dài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM) kết nối với tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Việc kéo dài tuyến đường sắt này được xác định là cần thiết để tăng kết nối vùng, kích cầu du lịch, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội các đô thị trong tương lai.
Theo phương án nghiên cứu, đoạn 1 (đoạn chung) từ ga Suối Tiên sẽ tiếp tục đi trên cao bên phải quốc lộ 1A, sau đó vượt sang trái để về ga S0 - ga Bình Thắng trước nút giao Tân Vạn dài khoảng 1,8km với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.
Đoạn 2, tại ga S0 sẽ triển khai tiếp 2 tuyến nhánh độc lập đi qua tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Cụ thể, nhánh 1 hướng về Đồng Nai có chiều dài khoảng 18,3km, đi trên cao từ ga S0 qua Ngã ba Vũng Tàu đến Chợ Sặt và về khu vực Hố Nai, (huyện Trảng Bom). Nhánh 2 hướng về tỉnh Bình Dương dài khoảng 29,5km, đi trên cao từ ga S0 đến gần nút giao Bình Chuẩn và đi về Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương (thành phố mới Bình Dương).
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đoạn tuyến từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thắng (S0) và các nhánh đi về 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đều đi trên cao, không đòi hỏi phức tạp trong việc xây dựng (như xây ngầm), giúp nâng cao cảnh quan đô thị nếu được thiết kế tốt.
Ngoài tuyến đường sắt kể trên, Bình Dương sẽ xây dựng tuyến đường sắt kết nối Dĩ An - Biên Hòa - Vũng Tàu. Tổng chiều dài tuyến từ huyện Bàu Bàng đến cảng Cái Mép - Thị Vải khoảng 125,25km.
Đối với đoạn từ TP Dĩ An đến cảng Cái Mép - Thị Vải, Bộ GTVT đã bổ sung phương án hướng tuyến từ ga Dĩ An - nút giao Phước Tân (vị trí giao đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng với đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu) vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với các sở, ban ngành liên quan nghiên cứu, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An.
Dự kiến, đoạn đường sắt từ TP Dĩ An - huyện Bàu Bàng có chiều dài khoảng 41,65km và tổng mức đầu tư dự kiến là 34.300 tỷ đồng, được phân kỳ đầu tư gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 9.500 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách. Giai đoạn 2: Đầu tư hệ thống đường ray và hệ thống nhà ga theo quy hoạch với kinh phí khoảng 24.800 tỷ đồng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc đối tác công - tư (PPP).
Tiền phong