Bình Dương tìm cách 'tiêu gấp' hàng nghìn tỷ đồng trong 2 tháng
Trong 10 tháng đầu năm, kinh tế tỉnh Bình Dương vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công ở địa phương này rất chậm, rơi vào tình cảnh “có tiền không thể dùng”, trong khi thời gian còn lại của năm còn hai tháng.
- 06-11-2022Uniqlo muốn mở 2 cửa hàng và nhà máy tại Bình Dương
- 06-11-2022Hà Nội quyết dẹp 'cây xăng di động' bán vỉa hè
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, 10 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư công của địa phương này mới giải ngân được 3.692 tỷ đồng (đạt 41,4% kế hoạch năm 2022). Chỉ còn 2 tháng của năm nhưng việc giải ngân chậm như hiện nay khiến tỉnh Bình Dương rất khó để đạt được kế hoạch đề ra.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, địa phương ưu tiên các dự án lớn, có sức ảnh hưởng , tạo đà phát triển và có khả năng giải ngân cao với số vốn lớn.
Để thực hiện có hiệu quả trong công tác giải ngân đầu tư công trong hai tháng còn lại của năm 2022, Bình Dương tập trung thực hiện 4 giải pháp:
Thứ nhất, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Thứ hai, chỉ đạo các sở, ngành, theo chức năng nhiệm vụ của mình ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, thời gian xử lý hồ sơ; tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Bình Dương đang mở rộng đường quốc lộ 13.
Thứ ba, thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém. Yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư thực hiện đầy đủ, đảm bảo thời gian báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhằm phục vụ công tác tham mưu điều hành kế hoạch đầu tư công;
Thứ tư, tổ chức họp giao ban định kỳ giữa các chủ đầu tư để tiếp tục rà soát khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn. Đặc biệt, tỉnh sẽ thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Được biết, năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của Bình Dương đã giao là 8.909 tỷ đồng , phân bổ cho 316 dự án, tăng 130 tỷ đồng so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Hiện các dự án mà tỉnh Bình Dương đang đặc biệt quan tâm, gồm: Dự án mở rộng, nâng cấp đường Quốc lộ 13 (đoạn từ TP Hồ Chí Minh đến hết địa phận thành phố Thuận An (Bình Dương); Dự án cầu đường nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh; Dự án cầu đường nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Đồng Nai.
Tiền Phong