MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Phước: Từ vị trí 'dự trữ' vươn lên thành 'động lực' phát triển của toàn vùng

Thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước). Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước). Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tận dụng tốt tiềm năng và lợi thế so sánh, Bình Phước sẽ là một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi các địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai thu hẹp dần lợi thế về quỹ đất, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông.

Quy mô nền kinh tế tăng 62 lần

Bình Phước là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ giữa các tỉnh Đông Nam Bộ - Tây Nguyên và nước bạn Campuchia, diện tích hơn 6.800 km2, dân số hơn một triệu người. Bình Phước là địa phương có đường biên dài nhất trên toàn tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia với hơn 260 km.

Tách ra từ tỉnh Sông Bé năm 1997, sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Phước từ một địa phương khó khăn đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Từ một tỉnh có quy mô nền kinh tế chỉ đạt 1.254 tỷ đồng (năm 1997), đến năm 2021 đã tăng lên 62 lần, đạt hơn 77.800 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 13.675 tỷ đồng (tăng 79 lần), thu nhập bình quân đầu người đạt 76 triệu đồng (tăng 29 lần so với năm 1997). Đến nay, toàn tỉnh có 70/90 xã và 3/11 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, năm 2021, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu phòng, chống dịch trong từng giai đoạn. Kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được những kết quả tích cực với điểm sáng nổi bật như: Tăng trưởng kinh tế đạt 6,32% - trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bình Phước là tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất trong vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh xếp thứ nhất cả nước về ba nội dung, đó là: kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và chứng thực điện tử. Đến nay, tỉnh Bình Phước vẫn tiếp tục duy trì được thứ hạng này.

“Đặc biệt, trong xếp hạng chuyển đổi số vừa được công bố ngày 8/8/2022, Bình Phước nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước (xếp hạng 9/63) về chuyển đổi số cấp tỉnh. Riêng trong 8 tháng năm 2022, Bình Phước đạt được hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo tiến độ; thu ngân sách toàn tỉnh đến ngày 22/8/2022 đạt trên 10.400 tỷ đồng, bằng 85% dự toán Bộ Tài chính giao và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên” - bà Trần Tuệ Hiền cho biết.

Phát huy thế mạnh thương mại biên giới

Tỉnh Bình Phước có đường biên giới chung với Campuchia dài hơn 260 km, nằm trên địa bàn các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập và huyện Lộc Ninh tiếp giáp với ba tỉnh của nước bạn Campuchia gồm Mondulkiri, Kratié và Tabong Khmum.

Bình Phước có 4 cửa khẩu, gồm: Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, cửa khẩu Lộc Thịnh (huyện Lộc Ninh), cửa khẩu quốc gia Hoàng Diệu và cửa khẩu phụ Tân Tiến (huyện Bù Đốp), cùng một số đường mòn, lối mở. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại biên giới.

Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương đánh giá, hoạt động thương mại Việt Nam - Campuchia đặc biệt là hoạt động thương mại biên giới đã tạo điều kiện để các tỉnh giáp biên giới khai thác, phát huy thế mạnh và tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, liên doanh, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, dần dần tạo nên những khu kinh tế vùng biên năng động; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, cải thiện đời sống, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động, củng cố an ninh quốc phòng tại khu vực biên giới.

Ông Tô Ngọc Sơn cho biết, quan hệ thương mại trao đổi hàng hóa tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia phát triển liên tục, tốc độ tăng trưởng luôn giữ ở mức cao. Trong 6 tháng năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Campuchia đạt 6,3 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 3,2 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021 và Việt Nam nhập khẩu hơn 3 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ.

Các mặt hàng xuất khẩu qua biên giới Việt Nam - Campuchia tập trung chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, hàng dệt may, nguyên phụ liệu dệt may da giày, sản phẩm từ chất dẻo, kim loại thường và sản phẩm… Những mặt hàng nhập khẩu qua biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia chủ yếu cao su, hạt điều, hàng rau quả, kim loại thường và sản phẩm, vải các loại…

“Doanh nghiệp, thương nhân và cư dân biên giới cần nâng cao tính chủ động sáng tạo, tìm ra các mặt hàng phía Campuchia cần nhập khẩu để có thể đáp ứng nhu cầu phía bạn một cách tốt nhất; tận dụng ưu thế giáp biên giới để tăng cường công tác xuất khẩu lợi thế của Việt Nam mà Campuchia còn thiếu” - ông Tô Ngọc Sơn đánh giá.

Đối với tỉnh Bình Phước, nhằm tạo cú hích cho phát triển kinh tế khu vực biên giới, thời gian qua, tỉnh đã quy hoạch, triển khai nhiều dự án trọng điểm như: Dự án điện năng lượng mặt trời Lộc Ninh; khu di tích kết hợp du lịch sinh thái tại Căn cứ Tà Thiết. Tại Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, tỉnh đang xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với diện tích hơn 28.300 ha, đây sẽ là trung tâm giao lưu, phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và công nghiệp lớn của Bình Phước với nước bạn Campuchia.

Động lực phát triển của toàn vùng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020 - 2025 đề ra: Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ; nâng cao chất lượng sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng an ninh vững chắc. Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn”, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ. Đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.

Cụ thể, Bình Phước đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm đạt 9 - 10%; đến năm 2025 ngành công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 46 - 48%, thương mại dịch vụ chiếm khoảng 36 -38%; nông nghiệp chiếm 15 -17%; GRDP bình quân đầu người đạt 103 triệu đồng; thu ngân sách đến năm 2025 đạt 18.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD.

Để đạt được những mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh cần phải có được tinh thần và khát vọng vươn lên mãnh liệt với mong muốn biến Bình Phước trở thành một nơi hội tụ và thu hút các nguồn lực cho phát triển; xây dựng quy hoạch Bình Phước phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng, Nhà nước; đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về tăng trưởng xanh.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - nguyên thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Bình Phước đang có lợi thế là nơi dự trữ cho một “hành lang công nghiệp” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. “Bình Phước có nhiều cơ hội để có sự tăng trưởng bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các địa phương khác trong vùng, khẳng định vị trí của mình trong một số ngành kinh tế trọng yếu của nước ta. Tận dụng thời cơ để mở rộng các khu công nghiệp; đón sự dịch chuyển của các dòng đầu tư mới; khai thác thế mạnh về nông nghiệp, hình thành các cứ điểm nông - công nghiệp”- Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, dịch COVID-19 và tư duy phát triển xanh đang xuất hiện những nhu cầu mới về sản phẩm và các điều kiện sống. Dịch chuyển cơ cấu kinh tế toàn cầu, dịch chuyển các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và dịch chuyển đầu tư toàn cầu, đang là một lợi thế cho Bình Phước, nơi có không gian và mặt bằng để phát triển. “Định hình trạng thái tổng quát trong giai đoạn 10 năm tới, Bình Phước sẽ chuyển từ vùng “dự trữ phát triển” sang vùng “thu hút đầu tư phát triển”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh: Thời gian tới, Bình Phước tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên". Tỉnh tiếp tục chú trọng đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp, giao thông; tập trung xây dựng chính quyền phục vụ, gần gũi nhân dân, sâu sát doanh nghiệp; tăng cường liên kết vùng, phát huy lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư; đảm bảo tốt an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Những ngày tháng Chín lịch sử, trên khắp các nẻo đường, thôn bản, nhân dân và đồng bào các dân tộc Bình Phước đang nô nức đón chào 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 50 năm chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, 25 năm ngày tái lập tỉnh.

Từ thành phố, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Bình Phước, đến đâu cũng thấy hình ảnh cờ Tổ quốc tung bay phấp phới. Tại 11 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, điểm dân cư liền kề đồn biên phòng vừa được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và tỉnh Bình Phước xây dựng, những hộ dân nơi đây (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số), mỗi nhà đều chuẩn bị một lá cờ Tổ quốc treo trang trọng trước sân để mừng ngày Quốc khánh với niềm tự hào và biết ơn Đảng, Bác Hồ, các thế hệ cha ông đi trước.

Một Bình Phước kiên cường, anh dũng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm xưa, nay đang vươn mình mạnh mẽ, từ một địa phương được xem là “dự trữ phát triển” đang trở thành một “động lực phát triển” cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Sỹ Tuyên

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên