MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bình Thuận vận động chủ đầu tư trả lại dự án 'đảo nhân tạo'

24-09-2018 - 14:58 PM | Bất động sản

Dự án được cấp đã tròn 10 năm và nếu cho triển khai sẽ gây tác động môi trường biển nên Bình Thuận vận động chủ đầu tư trả lại dự án.

Ngày 24-9, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã giao cho Sở KH&ĐT mời Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Regina (Hàn Quốc) làm việc cụ thể để giải thích về các vấn đề khó khăn, vướng mắc của dự án khu phức hợp lấn biển (Phú Hài tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết) liên quan đến căn cứ pháp lý hiện hành. Từ đó vận động chủ đầu tư trả lại dự án.

Bình Thuận vận động chủ đầu tư trả lại dự án đảo nhân tạo - Ảnh 1.

Dự án 90 triệu USD đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư 10 năm trước.

Trường hợp Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Regina có nhu cầu tiếp tục đầu tư dự án du lịch trên địa bàn tỉnh thì Sở KH&ĐT hướng dẫn và cung cấp đầy đủ thông tin liên quan để công ty nghiên cứu, tìm vị trí phù hợp để khảo sát, lập thủ tục đầu tư.

10 năm trước, năm 2008, Công ty Regina được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án khu phức hợp lấn biển Phú Hài với tổng diện tích lên đến 442 ha, tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD.

Mục tiêu của dự án là xây dựng tổ hợp khu du lịch lấn biển và kinh doanh các dịch vụ sân golf, biệt thự, khu thương mại dịch vụ, khách sạn, khu vui chơi giải trí và các loại hình giải trí thể thao.

Theo chủ đầu tư, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư và cho thuê đất, công ty đã thuê chuyên gia khảo sát, đo đạc khu vực dự án cũng như xác định tọa độ, quy hoạch chi tiết tổng thể mặt bằng trình Sở Xây dựng phê duyệt. Công ty cũng ký hợp đồng thỏa thuận thi công với Tập đoàn Dredging International (Bỉ) để xúc tiến xây dựng hạng mục đê, kè chắn sóng và san lấp mặt bằng…

Đối với công tác đánh giá tác động môi trường, đơn vị này đã ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư Titan Việt Nam lập báo cáo và triển khai đo đạc bình độ của dự án, khoan thăm dò địa chất, thực hiện các hạng mục khảo sát thủy triều, mực nước…

Cũng theo Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Regina, sau khi nghiên cứu khảo sát nhận thấy để phù hợp với mỹ quan chung cũng như bảo vệ môi trường sinh thái tại khu vực, công ty xin thay đổi vị trí ranh giới (tách biệt khỏi đất liền khoảng 1 km) gồm bốn khu nhằm thuận tiện cho tàu thuyền của ngư dân ra vào khu vực này. Trong đó có ba khu ngoài biển như một đảo nhân tạo với diện tích hơn 430 ha nên xin điều chỉnh ranh giới dự án.

Còn theo Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận, dự án này vi phạm Luật Đầu tư năm 2014 và vi phạm Luật Đất đai năm 2013 đã đủ điều kiện thu hồi dự án từ năm 2012 trước khi công ty xin điều chỉnh ranh giới dự án.

Ngoài ra, dự án còn bị chồng lấn vào vùng nước cảng biển do Cảng vụ hàng hải Bình Thuận quản lý. Đặc biệt, dự án này còn vướng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Nếu tiếp tục cho dự án triển khai sẽ gây tác động tiêu cực đối với dư luận xã hội, gây tác động môi trường biển tương tự như việc nhận chìm vật chất trên biển và hiện tại cũng chưa cần thiết để đầu tư dự án lấn biển trong thời điểm hiện nay. Do đó việc vận động chủ đầu tư trả lại dự án là cần thiết.

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết theo tiến độ quy định tại giấy chứng nhận đầu tư thì dự án đã triển khai xây dựng từ năm 2010 và đưa vào hoạt động kinh doanh từ năm 2016. Thế nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn chỉnh thủ tục môi trường và hồ sơ xin cấp phép xây dựng.


Theo Phương Nam

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên