MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bloomberg: Các ngân hàng Mỹ 'ôm' khoản lỗ hơn 600 tỷ USD chỉ vì đầu tư trái phiếu

01-04-2023 - 06:04 AM | Tài chính quốc tế

Bloomberg: Các ngân hàng Mỹ 'ôm' khoản lỗ hơn 600 tỷ USD chỉ vì đầu tư trái phiếu

Trong năm ngoái, ngành này đã ghi nhận khoản lỗ chưa thực hiện là 620 tỷ USD khi đầu tư vào trái phiếu lãi suất thấp.

Silicon Valley Bank sụp đổ một phần là do các khoản lỗ quá lớn. Và đây cũng là một vấn đề, dù ở mức độ nào, cũng là rủi ro với toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ. Theo Bloomberg, trong năm ngoái, ngành này đã ghi nhận khoản lỗ chưa thực hiện là 620 tỷ USD khi đầu tư vào trái phiếu lãi suất thấp.

Đối với hầu hết các ngân hàng thì đây là vấn đề có thể kiểm soát.

Trái phiếu được nắm giữ trên giấy tờ chiếm chưa đến 1/4 trong tổng giá trị tài sản 23,6 nghìn tỷ USD của hệ thống ngân hàng vào tháng 12. Đây là tỷ lệ trái ngược với SVB. Đối với các ngân hàng lớn nhất, mối rủi ro thậm chí còn nhỏ hơn và họ cũng là những doanh nghiệp “quá lớn để sụp đổ”. Hơn nữa, đà hồi phục gần đây của thị trường trái phiếu chính phủ đang giúp khoản lỗ hơn 600 tỷ trên dần thu hẹp.

Tuy nhiên, khi người gửi tiền tiếp tục rút tiền dần và chuyển sang các quỹ MMF cùng các khoản đầu tư khác, các ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn. Họ buộc phải trả nhiều tiền hơn để huy động vốn trong khi doanh thu lại bị hạn chế bởi các khoản đầu tư vào trái phiếu có lãi suất thấp trong thời kỳ đại dịch. Điều này có thể làm giảm khả năng cho vay của họ với người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó khiến nền kinh tế giảm tốc.

Bloomberg: Các ngân hàng Mỹ 'ôm' khoản lỗ hơn 600 tỷ USD chỉ vì đầu tư trái phiếu - Ảnh 1.

Khi đại dịch bùng phát, Fed hạ lãi suất mạnh và bơm lượng tiền mặt chưa từng có vào nền kinh tế. Ở thời điểm đó, nhiều ngân hàng đã mua trái phiếu chính phủ dài hạn và trái phiếu đảm bảo bằng thế chấp, một số trái phiếu chỉ có mức lãi hàng năm là 0,6% trong 10 năm.

Sau đó, lạm phát leo thang và Fed phải nhanh chóng tăng lãi suất. Giá trị của những trái phiếu đó sụt giảm. Ai lại muốn mua một trái phiếu lãi 0,6% trong khi những trái phiếu mới có mức lãi tới hơn 3%?

Do đó, khoản lỗ đối với trái phiếu là một mối rủi ro xảy ra khi lãi suất tăng lên, nhưng vấn đề là tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng lại nhiều hơn bình thường vào năm 2022. Toàn bộ số tiền mà Fed và chính phủ Mỹ bơm vào nền kinh tế đã nhanh chóng “tìm đường” đến hệ thống ngân hàng, giúp các nhà cho vay có hàng nghìn tỷ USD để đầu tư. Chẳng hạn, tiền gửi trong nước của SVB tăng hơn 150% từ cuối tháng 3/2020 đến cuối năm 2022.

Việc lượng tiền gửi tăng lên không hẳn là một vấn đề đối với các ngân hàng. Ở SVB, họ cho rằng rắc rối một phần là do khách hàng của họ có xu hướng giữ số dư lớn trong tài khoản, để sử dụng một số dịch vụ như như hạn mức tín dụng.

Điều này dẫn đến tình trạng tỷ lệ tiền gửi cao hơn mức giới hạn bảo hiểm của Mỹ cũng tăng. Những khách hàng có lượng tiền gửi lớn tại 1 ngân hàng thường lo ngại về sự an toàn và có nhiều khả năng rút tiền nhanh khi có dấu hiệu rắc rối.

Ở trường hợp của SVB, 3 điểm dữ liệu lớn đã được chỉ ra khiến người gửi tiền lo lắng: Tốc độ tăng của lượng tiền gửi, tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm cao và khoản lỗ/vốn chủ sở hữu. Những yếu tố này đã tạo ra một “cơn bão hoàn hảo”.

Tuy nhiên, ngay cả với các ngân hàng tránh được bão, lỗ trái phiếu vẫn là một vấn đề. Phần lớn danh mục đầu tư của các ngân hàng sở hữu trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn, để đảm bảo họ không phải ghi nhận bất kỳ khoản lỗ này hay ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán nếu giá trái phiếu sụt giảm. Họ sẽ phải nắm giữ trái phiếu đến khi đáo hạn.

Khi lượng tiền gửi của các ngân hàng bắt đầu tăng lên trong thời kỳ đại dịch, ban đầu, họ đã đầu tư nhiều tiền hơn vào trái phiếu “sẵn sàng để bán”. Đối với loại chứng khoán này, việc giá trái phiếu này thay đổi sẽ ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán chứ không phải báo cáo tài chính. Song, hình thức này có thể buộc các ngân hàng phải tăng vốn nếu lỗ quá nhiều.

Bloomberg: Các ngân hàng Mỹ 'ôm' khoản lỗ hơn 600 tỷ USD chỉ vì đầu tư trái phiếu - Ảnh 2.

Năm 2021, một nhóm các ngân hàng lớn tin rằng Fed sẽ sớm bắt đầu tăng lãi suất và chuyển sang nắm giữ nhiều hơn trái phiếu đến ngày đáo hạn. Họ đã mua thêm khoảng 1,7 nghìn tỷ USD trái phiếu trong 2 năm kết thúc vào tháng 12. Ở một số ngân hàng, họ chỉ chuyển đổi 2 loại trái phiếu và một số khác thì ngừng mua loại sẵn sàng để bán, mua thêm loại nắm giữ đén ngày đáo hạn.

Ban đầu, chiến lược này rất hiệu quả. Lợi nhuận của họ tăng lên và ROE đạt trung bình 12,2% vào năm 2021 - mức cao nhất kể từ năm 2006.

Song, đến khi lạm phát và lãi suất leo thang, các ngân hàng đang cảm nhận áp lực đến từ 2 phía. Lãi suất tăng cao buộc các ngân hàng phải chi trả nhiều hơn để thu hút dòng tiền gửi với lãi suất chứng chỉ tiền gửi tăng từ 0,35% vào tháng 5/2022 lên khoảng 2,7% vào tháng 3 năm nay.

Năm ngoái, người tiêu dùng và các doanh nghiệp đã rút nhiều tiền hơn từ các ngân hàng và đầu tư vào các tài sản như trái phiếu chính phủ. Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cũng sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 1948, theo FDIC. “Niềm đau” lớn nhất là ở các ngân hàng khu vực, khi họ mất 109 tỷ USD tiền gửi trong tuần kết thúc vào ngày 15/3, còn các ngân hàng lớn lại nhận dòng tiền đổ về.

Trong khi đó, giá trị nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng cũng giảm mạnh trên giấy tờ. Khoản lỗ chưa thực hiện 620 tỷ USD vào cuối năm 2022 là tính riêng với trái phiếu sẵn sàng để bán và giữ đến ngày đáo hạn.

Việc lãi suất tăng cao, các khoản lỗ đầu tư lớn hơn và dòng tiền gửi bị rút ra ồ ạt là điều khá mới với hầu hết nhà đầu tư và các giám đốc ngành ngân hàng.

Ania Aldrich - giám đốc đầu tư tại Cambiar Investors, cho hay: “Tôi đã theo dõi ngành này hơn 20 năm và chưa từng chứng kiến điều gì như vậy. Trong tất cả các bài kiểm tra áp lực mà chúng tôi thực hiện cho các ngân hàng lớn nhất, họ chưa từng gặp căng thẳng vì trường hợp nào như thế này.”

Tham khảo Bloomberg 

Chi Lan

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên