MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bloomberg: Gói chi tiêu với quy mô lịch sử của ông Joe Biden vẫn 'kém' so với Trung Quốc

02-04-2021 - 17:56 PM | Tài chính quốc tế

Bloomberg: Gói chi tiêu với quy mô lịch sử của ông Joe Biden vẫn 'kém' so với Trung Quốc

Trong khi mức chi tiêu cho Kế hoạch Việc làm tại Mỹ (AJP) của ông Biden trị giá 2,25 nghìn tỷ USD, thì chính phủ và các công ty tư nhân của Trung Quốc lại chi tới hàng tỷ USD mỗi năm vào cơ sở hạ tầng mới, từ giao thông đến mạng lưới liên lạc, dự án nước cho đến sản xuất.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra thông báo về chương trình đầu tư liên bang với quy mô lịch sử, nhắm đến mục tiêu đưa Mỹ trở thành quốc gia giành chiến thắng trong cuộc đua đổi mới trên toàn cầu. Tuy nhiên, chương trình này vẫn nhỏ hơn so với chiến dịch nâng cấp cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Trong khi mức chi tiêu cho Kế hoạch Việc làm tại Mỹ (AJP) của ông Biden trị giá 2,25 nghìn tỷ USD, thì chính phủ và các công ty tư nhân của Trung Quốc lại chi tới hàng tỷ USD mỗi năm vào cơ sở hạ tầng mới, từ giao thông đến mạng lưới liên lạc, dự án nước cho đến sản xuất.

Nếu thực hiện trong khung thời gian 8 năm, kế hoạch của ông Biden sẽ có trị giá thì hơn 280 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, ở Trung Quốc, chỉ 1 nguồn tài trợ công được sử dụng chủ yếu để đầu tư cơ sở hạ tầng – trái phiếu có mục đích đặc biệt của chính phủ, sẽ có tổng trị giá 3,65 nghìn tỷ CNY (556 tỷ USD) trong năm nay.

Trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), Trung Quốc đang đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ về đầu tư hàng năm. Tuy nhiên, chính phủ nước này hồi tháng trước cho biết, Bắc Kinh đang đặt mục tiêu tăng tổng chi tiêu của các công ty tư nhân và cơ quan nhà nước lên 3,76 nghìn tỷ CNY vào năm 2025. Con số này sẽ cao hơn mức 1,3 nghìn tỷ CNY đã chi vào năm ngoái.

Chương trình của ông Biden bao gồm 180 tỷ USD tài trợ của chính phủ cho R&D. Theo ông, đây là mức chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng lớn nhất được ghi nhận. Tuy nhiên, 1 số người đặt câu hỏi liệu con số này có đủ hay không.

Jared Woodard – trưởng ủy ban đầu tư nghiên cứu của Bank of America, cho biết: "Theo tôi, con số này là không đủ."

Tuy nhiên, việc so sánh trực tiếp về chi tiêu của 2 quốc gia là rất khó. Nguyên nhân là bởi phần lớn chi tiêu của Trung Quốc đi liền với việc đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người dân từ vùng nông thôn chuyển đến thành phố mỗi năm.

Trong khi đó, sản lượng kinh tế bình quân đầu người của Trung Quốc bằng khoảng 1/6 so với Mỹ. Ngoài ra, quốc gia này cũng phải xây dựng cơ sở hạ tầng như căn hộ ở đô thị, hệ thống xử lý nước và sân bay mà Mỹ đã có trong rất nhiều năm.

Justin Lin – cựu kinh tế trưởng tại WB, cũng là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, nhận định: "Trung Quốc là quốc gia đang phát triển và đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiều hơn các quốc gia phát triển. Mỹ có cơ sở hạ tầng nhưng có thể đã cũ và cần được cải thiện. Vì vậy, phạm vi đầu tư đối với các nước thu nhập cao sẽ thấp hơn."

Tuy nhiên, ở những trường hợp khác, chẳng hạn như đường sắt cao tốc, cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã hiện đại hơn Mỹ. Tính đến năm ngoái, mạng lưới đường sắt cao tốc của quốc gia này dài gần 38.000 km. Ngoài ra, việc xây dựng tòa nhà tại Trung Quốc cũng rẻ hơn, vì vậy chi tiêu sẽ tăng lên. Ví dụ, chi phí xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc bằng khoảng 2/3 chi phí ở những nước khác, theo 1 nghiên cứu năm 2019 của WB.

Trong khi đó, kế hoạch mới của ông Biden có thể sẽ được thay đổi đáng kể khi trình lên Quốc hội và mất nhiều tháng mới thông qua. Những người ủng hộ cho rằng sự tập trung ngày càng tăng cao về việc cạnh tranh với Trung Quốc ở Washington sẽ mở ra bước tiến mới trong đổi mới và nghiên cứu. Theo đó, mức chi tiêu sẽ cao hơn mức được đề xuất, với động lực thúc đẩy các công ty tư nhân cũng được tăng cường.

Jared Bernstein – thành viên của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, cho biết: "Đây sẽ là kế hoạch lớn nhất mà tôi từng chứng kiến trong sự nghiệp làm kinh tế của mình. Kế hoạch này nhắm đến các ngành công nghiệp nội địa, xây dựng các ngành còn non trẻ, giành thị phần toàn cầu trong các lĩnh vực mà chúng tôi có thể đánh bại các đối thủ."

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên