MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bloomberg: Nhà đầu tư F0 Trung Quốc thao thức cả đêm, đổ xô đến chứng khoán Mỹ bất chấp thị trường trong nước vẫn tăng nóng

17-08-2020 - 11:36 AM | Tài chính quốc tế

Tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều nhà đầu tư "gà mờ" đưa ra những quyết định lớn nhất trong cuộc đời vào giữa đêm.

Vào lúc 4 giờ sáng, khi Li Bohao – nhà đầu tư 23 tuổi đến từ Bắc Kinh, nhận được một cuộc gọi điện thoại với nội dung đầy hoảng sợ từ bạn, khuyên anh nên bán hết cổ phiếu trong Nio Inc. – công ty xe điện Trung Quốc niêm yết tại Mỹ được mệnh danh là "Tesla của Trung Quốc". Cổ phiếu này đã rớt giá và các nhà phân tích thậm chí còn dự đoán rằng nó có thể sớm trở nên vô giá trị.

Li đã nghe theo bạn mình và đã bỏ lỡ đà tăng. Cổ phiếu của Nio giờ đây đã tăng gấp 4 lần so với thời điểm anh bán ra vào tháng 3. Tuy nhiên, Li lại không hề hối hận. Anh chia sẻ: "Tôi không nhìn vào giá cổ phiếu mà tôi đã bán. Tôi đã học được cách không nghi ngờ về quyết định của mình."

Trong khi việc nhiều nhà đầu tư F0 ở Mỹ ồ ạt sử dụng ứng dụng Robinhood đã trở thành điểm nóng đối với những tiêu đề báo, thì họ lại không phải là những người duy nhất đổ tiền vào cổ phiếu niêm yết tại New York. Li là một trong những nhà đầu tư "gà mờ" của Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội từ thị trường cổ phiếu hạng A trong nước và nước ngoài.

Theo ước tính của Citigroup, khối lượng giao dịch chứng khoán Mỹ trên ứng dụng của Futu Holdings – nền tảng giao dịch cổ phiếu nước ngoài trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, đã tăng gấp 3 lần trong 3 tháng đầu năm nay, trong khi lại không thay đổi vào năm 2019. Con số này đã tăng vọt trong quý II lên 55,4 tỷ USD.

Bloomberg: Nhà đầu tư F0 Trung Quốc thao thức cả đêm, đổ xô đến chứng khoán Mỹ bất chấp thị trường trong nước vẫn tăng nóng - Ảnh 1.

Khối lượng giao dịch chứng khoán Mỹ trên ứng dụng Futu đang tăng mạnh.

Hoạt động giao dịch gặp ít quy định hạn chế hơn đã khiến chứng khoán Mỹ trở nên hấp dẫn ngay cả khi thị trường Trung Quốc vẫn tăng phi mã, ví dụ như các giao dịch bán khống và giới hạn được nới lỏng hơn về biến động giá. Trong năm nay, Shanghai Composite đã tăng 10%, trong khi S&P 500 tăng 4%.

Sự hứng khởi ngày càng tăng cao, ngay cả động thái kiểm soát vốn của Trung Quốc – mỗi cá nhân chỉ được phép chuyển 50.000 USD ra nước ngoài mỗi năm, cũng không thể ngăn các trader mang tiền ra ngoài. Futu không chuyển đổi đồng CNY cho khách hàng, có nghĩa là họ cần phải có vốn bằng ngoại tệ.

Một yếu tố quan trọng khác cũng là sức hút của chứng khoán Mỹ đó là nhận thức của nhà đầu tư. Tại Trung Quốc, nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm thị phần giao dịch lớn, khiến giá cổ phiếu dễ gặp biến động theo tâm lý chung.

Daphne Poon – nhà phân tích tại Citigroup, nhận định: "Trong thị trường cổ phiếu hạng A, nhà đầu tư thường ‘đuổi’ theo diễn biến của thị trường. Tại Hồng Kông và Mỹ, nhà đầu tư tổ chức có thị phần lớn hơn, do đó thị trường thường bị chi phối bởi giá trị hoặc các yếu tố cơ bản nhiều hơn."

Đó là điều đã thu hút David Zhou – 20 tuổi, bắt đầu đầu tư vào chứng khoán Mỹ khi còn đang theo học tại một trường địa học ở New York. Anh cho hay: "Tôi nghĩ rằng thị trường Mỹ ổn định hơn, bởi nhà đầu tư lý trí hơn và có lịch sử dài hơn để bạn có thể xem xét. Còn chứng khoán Trung Quốc có nhiều lần bùng nổ, vỡ tung và những mức định giá phi lý, khiến việc định giá thực sự khó khăn."

Dù cơ hội sở hữu những cổ phiếu vốn hóa lớn như Apple và Tesla là một điều hấp dẫn, nhưng khả năng đầu tư vào những gì bạn biết cũng vậy. Hiện tại, có hơn 400 công ty Trung Quốc đang niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ và một số cái tên nổi tiếng nhất, như Pinduoduo hay Bilibili, được niêm yết thông qua chứng chỉ lưu ký Mỹ (ADR), giúp nhà đầu tư có thêm động lực để mạo hiểm rót tiền ở nước ngoài.

Zhou bắt đầu đầu tư với các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, trong đó có Bilibili – được gọi là phiên bản Trung Quốc của Youtube với lượng người dùng rất lớn. Anh đã bán cổ phiếu này vào tháng 6, sau khi nó tăng hơn gấp đôi trong vòng 3 tháng. Zhou chia sẻ: "Một rào cản lớn khi cố gắng tìm đến những công ty Mỹ là tôi lại không sử dụng sản phẩm của họ, nên mọi thứ chỉ là vô hình. Trong khi đó, tôi lại sử dụng sản phẩm của các công ty Trung Quốc hàng ngày."

Do đó, một trong những "cơn gió ngược" mạnh nhất đối với tăng trưởng là căng thẳng địa chính trị gia tăng, có nguy cơ các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết tại Mỹ. Hiện tại, đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy các công ty đại lục đã tìm kiếm địa điểm khác để huy động vốn, tiêu biểu là việc tránh xa New York, niêm yết kép tại Hồng Kông và Thượng Hải của Ant Financial gần đây.

Kelvin Chu – nhà phân tích bảo hiểm tại UBS Group, nhận định: "Trước đây, nhiều công ty chất lượng cao được nhà đầu tư nhỏ lẻ yêu thích niêm yết ở Mỹ. Nhưng điều đó có thể sẽ thay đổi trong trung hạn." Ông cho biết, khi các công ty Trung Quốc niêm yết lần hai tại Hồng Kông hơn, thì dòng vốn từ nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể "theo" họ về đó. 

Tuy nhiên, ông không cho rằng xu hướng đầu tư của nhà đầu tư Trung Quốc tại những địa điểm ở nước ngoài sẽ bị xóa bỏ. Theo ước tính của CapitalWatch, khi tầng lớp trung lưu của Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn, số lượng nhà đầu tư muốn đa dạng hóa ở nước ngoài dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 66,3 triệu vào năm 2023. Chu cho hay: "Các khoản đầu tư vẫn tiếp tục được thực hiện, dù dòng vốn cho đi đến Mỹ hay một số nơi khác trên thế giới."

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên