MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ 3 VIC, VHM, VRE đóng góp gần 11 điểm vào đà tăng VN-Index, vốn hóa “nhóm VinGroup” tăng thêm gần 37 nghìn tỷ đồng trong phiên đầu tháng 11

Vốn hóa cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HoSE) kết phiên giao dịch đầu tháng 11 lên tới gần 3,44 triệu tỷ đồng, tăng 56.786 tỷ đồng (2,45 tỷ USD) so với phiên giao dịch trước, trong đó, vốn hóa "nhóm VinGroup" tăng thêm tổng cộng 36.786 tỷ đồng.

Phiên giao dịch đầu tháng 11 diễn ra bùng nổ khi chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.015,59 điểm, tương ứng mức tăng 16,77 điểm (1,68%). Đây cũng là phiên tăng điểm mạnh nhất của VN-Index kể từ 12/3 tới nay (gần 8 tháng).

Đà tăng ấn tượng của thị trường có sự đóng góp lớn từ nhóm cổ phiếu "họ VinGroup", bao gồm VIC, VHM, VRE. Trong đó, VHM tăng 6.200 đồng (tăng trần) sau thông tin VinHomes chuẩn bị mua tối đa 60 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 1,79% vốn. Tương tự, VRE cũng tăng 1.850 đồng (5,6%) sau thông tin Vincom Retail muốn mua tối đa 56,5 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng tỷ lệ 2,426%.

Trong khi đó, VIC với vai trò là cổ đông lớn nhất tại VHM và VRE cũng bứt phá trong phiên hôm nay với mức tăng 3.500 đồng (2,9%) lên 122.500 đồng.

Theo tính toán của chúng tôi, trong phiên 1/11, VHM là cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào đà tăng của VN-Index với 6,02 điểm, tiếp theo lần lượt là VIC (3,4 điểm), VRE (1,25 điểm), VNM (1,21 điểm), VCB (1,18 điểm).

Như vậy, tính riêng "nhóm VinGroup" đã đóng góp tổng cộng 10,67 điểm trên tổng số 16,77 điểm của chỉ số VN-Index trong phiên 1/11 (đóng góp gần 2/3 điểm số).

Bộ 3 VIC, VHM, VRE đóng góp gần 11 điểm vào đà tăng VN-Index, vốn hóa “nhóm VinGroup” tăng thêm gần 37 nghìn tỷ đồng trong phiên đầu tháng 11 - Ảnh 1.

Vốn hóa cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HoSE) kết phiên giao dịch đầu tháng 11 lên tới gần 3,44 triệu tỷ đồng, tăng 56.786 tỷ đồng (2,45 tỷ USD) so với phiên giao dịch trước, trong đó, vốn hóa "nhóm VinGroup" tăng thêm tổng cộng 36.786 tỷ đồng.

Tại giá đóng cửa phiên 1/11, vốn hóa VinGroup tương ứng 409.877 tỷ đồng (17,7 tỷ USD). Giá trị cổ phiếu Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nắm giữ lên tới 228.485 tỷ đồng (9,85 tỷ USD). Trong khi đó, theo danh sách Forbes, giá trị tài sản ông Phạm Nhật Vượng hiện vào khoảng 7,9 tỷ USD và là người giàu thứ 212 trên Thế giới.

Bộ 3 VIC, VHM, VRE đóng góp gần 11 điểm vào đà tăng VN-Index, vốn hóa “nhóm VinGroup” tăng thêm gần 37 nghìn tỷ đồng trong phiên đầu tháng 11 - Ảnh 2.

Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường tại ngày 1/11

Trong 9 tháng đầu năm, VinGroup đạt doanh thu hợp nhất toàn hệ thống 92.600 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 9.400 tỷ đồng, tăng trưởng 12%.

Về cơ cấu doanh thu, ngoại trừ mảng kinh doanh bất động sản ghi nhận doanh thu giảm - từ 57.000 xuống 49.500 tỷ đồng - do giảm số lượng bàn giao, các mảng kinh doanh khác đều tăng trưởng 2 chữ số so với cùng kỳ.

Tăng trưởng mạnh nhất là mảng bán lẻ với mức tăng trên 70%, từ 12.900 tỷ lên 21.900 tỷ đồng, đóng góp 24% tổng doanh thu. Mức tăng trưởng đáng kể này một phần đến từ việc Vingroup đã thực hiện mua lại một số doanh nghiệp lớn như Viễn Thông A, Fivimart cũng như đẩy mạnh mở mới hệ thống Vinmart/Vinmart+.

Mảng sản xuất - bao gồm cả điện thoại VinSmart và ô tô, xe máy VinFast - đạt 4.300 tỷ đồng doanh thu trong khi cùng kỳ chưa phát sinh. Doanh thu của mảng này chỉ trong quý 3 gần tương đương với doanh thu của nửa đầu năm.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên