MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ cơ chế dùng ngân sách bình ổn, giá hàng Tết có tăng?

12-12-2016 - 09:29 AM | Thị trường

Sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng ra quyết định không dùng ngân sách Nhà nước cho vay lãi suất 0% đối với doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn giá hàng Tết.

Không ảnh hưởng tới lượng hàng Tết

Theo thông lệ hàng năm, Hà Nội dành vốn vay ưu đãi với lãi suất 0% để các DN chuẩn bị hàng Tết. Tuy nhiên, năm nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ thay đổi cơ chế. Theo đó, TP Hà Nội chỉ đứng ra kết nối DN tiêu thụ hàng hóa tới tay người dân và kết nối DN vay tín dụng ngân hàng trong việc mua hàng hóa phục vụ Tết. “Đó là con đường có hiệu quả nhất đảm bảo không thiếu hàng dịp Tết, đồng thời kết nối tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước để sản phẩm được cung ứng tốt nhất, tạo điều kiện cho DN quay vòng vốn”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định.

Trước quyết định này, có ý kiến lo ngại sẽ gây ảnh hưởng đến lượng cung hàng hóa ra thị trường, đẩy giá bán các loại hàng hóa trong dịp Tết tăng lên? Tuy nhiên, theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, từ năm 2013, TP đã không sử dụng vốn ngân sách để hỗ trợ DN tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết. “Thay vì dùng ngân sách, TP đã huy động các ngân hàng thương mại cho DN vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa đảm bảo cung-cầu ổn định. Nhờ đó, số DN tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết không hề giảm. Đặc biệt, số lượng hàng Tết vẫn tiếp tục tăng trưởng qua các năm”, bà Đào nói.

Ông Nguyễn Ngọc An Phó tổng giám đốc Vissan tại TP.HCM cho biết, khoảng 3-4 năm nay, DN đã không còn được ưu đãi vốn vay cho hàng Tết, hàng bình ổn nữa. “Chương trình bình ổn hàng Tết là chương trình tự nguyện của các DN. Việc DN không dùng ngân sách Nhà nước nhưng vẫn tham gia vào bình ổn cũng phù hợp với quy luật chung. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và thị trường, các DN cũng phải làm sao để cạnh tranh về giá cả, chất lượng... Nên khi tham gia vào chương trình bình ổn, phải bố trí lại quy trình sản xuất sao cho chi phí giá thành giảm được ở mức thấp nhất để đủ sức tham gia”, ông An chia sẻ.

Thị trường tết tăng không đáng kể

Tại TP HCM, dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2017 nhưng kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng gần như đã xong. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, bên cạnh những mặt hàng được UBND TP giao bình ổn giá, một số mặt hàng thiết yếu khác vẫn được đơn vị này chủ động tham gia giữ giá ở mức giảm hơn từ 5 -10% so với các mặt hàng cùng loại. Dự kiến trong những ngày cận Tết, Saigon Co.op sẽ cùng với một số nhà cung cấp tham gia giảm giá thêm hàng nghìn sản phẩm với mức khuyến mãi từ 10-50% kết hợp các dịch vụ tiện ích.

Nhiều ngân hàng ưu đãi lãi suất cho Doanh nghiệp tham gia bình ổn

“Đến nay, có khoảng 10 ngân hàng thương mại tham gia chương trình bình ổn hàng Tết, với hạn mức cho vay cam kết là 12.000 tỷ đồng, tăng gần 1.100 tỷ đồng so với năm trước. Mức lãi suất cho các chương trình này dao động từ 4,15-6,5%/năm tùy từng mặt hàng. Điều này cũng hỗ trợ DN rất nhiều trong việc tiếp cận vốn rẻ”, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết, đã chuẩn bị đưa ra khoảng 3.200 tấn thực phẩm chế biến, 3.000 tấn thực phẩm tươi sống. Riêng thịt heo hơi đã sẵn sàng có khoảng 40.000 con. Tổng nguồn ngân quỹ để phục vụ cho đợt Tết là 650 tỷ đồng. “Chúng tôi dự trù sẵn sàng khoảng 15-25% sản lượng, phòng khi thị trường có những biến động hay thiếu hụt”, ông An nói.

Đại diện Lotte Mart cho biết, các mặt hàng phục vụ Tết năm nay đã sẵn sàng. Về các loại bánh kẹo, cà phê, đồ uống, để chuẩn bị cho Tết, Lotte Mart chủ động tăng 30-40% nguồn hàng dự trữ so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng các mặt hàng thời trang tăng 25% các sản phẩm. Trong đó, đơn vị này cam kết hỗ trợ nhà sản xuất địa phương với 95% là hàng Việt Nam.

Mặc dù các đơn vị đều tăng sản lượng cung ứng hàng Tết và dự trù sẵn sàng hàng hóa nếu thị trường biến động, tuy nhiên ông Nguyễn Ngọc An nhận định: Năm nay, Tết Dương lịch và Âm lịch cách nhau chỉ khoảng một tháng nên nhu cầu trên thị trường cũng “nhúc nhích” tuy nhiên tăng không đáng kể. Hơn nữa, Tết hiện nay không còn như nhiều năm về trước, đời sống cao hơn, nhu cầu tăng, người dân ở nhiều TP lớn thích đi du lịch, nghỉ dưỡng hơn… “Mặt khác, các cửa hàng từ mùng 2 Tết đã mở cửa nên nhu cầu dự trữ của người dân không cao. Bởi vậy, thị trường có thể chỉ tăng từ 5-10% như năm ngoái“, ông An nói.

Theo Yên Trang

Báo Giao thông

Trở lên trên