Bộ Công an họp báo về việc bỏ hộ khẩu
Cuối năm 2018 đầu 2019, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ vận hành, giảm nhiều loại giấy tờ cho người dân.
- 06-11-2017Bỏ sổ hộ khẩu có ảnh hưởng việc chuyển đổi, cho tặng đất đai?
- 06-11-2017Bộ trưởng Công an: Bỏ sổ hộ khẩu nhưng "chắc chắn phải có quản lý"
- 06-11-20179 chia sẻ về nỗi ám ảnh mang tên... sổ hộ khẩu!
Sáng nay (7-11), Bộ Công an tổ chức họp báo về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ này. Buổi họp báo có sự tham dự của các cơ quan thuộc Bộ Công an về quản lý dân cư nhằm trả lời những thắc mắc liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đơn giản hóa để phục vụ nhân dân
Ngày 30-10-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112 đưa ra nhiều chính sách quan trọng liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Cụ thể, các giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân và một số loại giấy tờ khác sẽ bị bãi bỏ, thay thế vào đó chúng sẽ được cập nhật vào dữ liệu dân cư quốc gia, công dân sẽ được cấp số định danh cá nhân để Nhà nước quản lý.
Trao đổi nhanh với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói: “Đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ nhân dân nhưng chắc chắn phải có quản lý. Bộ sẽ có biện pháp, cách quản lý nhưng về giấy tờ sẽ đơn giản hóa thủ tục. Nhưng không phải bỏ một số giấy tờ là bỏ quản lý, nguyên tắc là thế”.
Trao đổi với báo chí về nội dung này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cho hay việc bỏ sổ hộ khẩu là hoàn toàn hợp lý. Quá trình này đã được chuẩn bị chu đáo nhằm giảm bớt thủ tục, giấy tờ cho người dân.
“Cơ sở dữ liệu quốc gia hiện đã được hoàn tất toàn bộ. Giờ đang triển khai chủ trương làm căn cước công dân, hiện Hà Nội đang triển khai việc này. Riêng các tỉnh sau khi có chủ trương của Bộ Công an sẽ đồng loạt triển khai ngay. Hiện trong cơ sở dữ liệu quốc gia đã rất đầy đủ nên khi quyết định bỏ các giấy tờ ấy sẽ không có vấn đề gì” - ông Hữu Cầu nói.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 6-11.Ảnh: T.PHÚ
Ông Hữu Cầu cho biết việc bỏ một số giấy tờ trên không gây áp lực quản lý xã hội đối với cơ quan chức năng vì các thông tin trên đã được cập nhật bằng dữ liệu điện tử, quản lý bằng công nghệ thông tin. Điều này giúp người dân thay vì phải mang một đống giấy tờ thì chỉ cần xuất trình số định danh cá nhân để cơ quan chức năng kiểm tra qua máy tính.
Khi xuất hiện vấn đề liên quan đến công dân thì việc kiểm tra để xác minh do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, còn công dân chỉ cần xuất trình, thông báo. Cho nên với một việc chuẩn bị rất chu đáo về cơ sở dữ liệu dân cư rồi thì có thể trả lời được ngay, chính xác. Ông Hữu Cầu ví dụ ở Nghệ An có hơn 3,2 triệu mã định danh. Tất cả vấn đề về chứng minh nhân dân của dân công an chỉ cần vào máy tính tra cứu là trả lời chính xác.
Ông Cầu cho hay lộ trình thực hiện bỏ sổ hộ khẩu và một số giấy tờ liên quan sẽ không kéo dài vì chủ trương ở Bộ Công an là sẽ làm đồng loạt. Trước mắt, Bộ Công an sẽ triển khai làm căn cước công dân. Hiện cơ sở dữ liệu đã kết nối đến từng địa phương, chỉ chờ địa phương thực hiện là xong.
“Hiện TP Hà Nội đang làm. Theo tôi được biết thì ngay từ năm sau, tất cả công an các địa phương sẽ triển khai. Như ở Nghệ An hiện dữ liệu dân cư đã kết nối về tận cấp xã rồi, tức các xã họ làm xong dữ liệu rồi chuyển lên, tỉnh quản lý về tận nơi nên nếu giờ triển khai thì rất nhanh” - ông Hữu Cầu nói.
Sắp thu thập dữ liệu dân cư
Cùng ngày 6-11, thông tin với PV, Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an), cho biết trong tháng 11-2017, Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ cơ sở này cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành nhập dữ liệu thông tin của hơn 90 triệu công dân Việt Nam vào hệ thống công nghệ thông tin.
15 thông tin cơ bản sẽ được công an trên cả nước thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Dự kiến khoảng cuối năm 2018 đầu 2019, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đi vào vận hành, đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.
Công dân thực hiện các giao dịch hành chính chỉ cần cung cấp ba loại thông tin cơ bản, gồm: Họ tên, mã số định danh và chỗ ở. Dựa trên ba thông tin này, cơ quan nhà nước sẽ tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia đầy đủ thông tin mà công dân không cần xuất trình các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh...
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân. Trong đó, theo Nghị quyết 112 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an thì sẽ xóa bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân…
15 thông tin cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Gồm: 1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh; 2. Ngày, tháng, năm sinh; 3. Giới tính; 4. Nơi đăng ký khai sinh; 5. Quê quán; 6. Dân tộc; 7. Tôn giáo; 8. Quốc tịch; 9. Tình trạng hôn nhân; 10. Nơi thường trú; 11. Nơi ở hiện tại; 12. Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; 13. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; 14. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; 15. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh