Bộ Công Thương bị "nghi oan” về giá xăng dầu?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: Nguyễn Việt
Bộ Công Thương bị “nghi oan”, vì người dân có suy nghĩ giá xăng dầu là do Bộ Công Thương, nhưng Bộ Công Thương không có quyền quyết định giá.
- 08-11-2022Việt Á, Tân Hoàng Minh và nhiều vụ án tham nhũng bị Ủy ban Tư pháp "điểm tên"
- 08-11-2022Chuyên gia Trung Quốc ấn tượng với hiệu quả điều hành kinh tế của Chính phủ Việt Nam
- 08-11-2022"Một số nhà thầu chuyên đi dự thầu chỉ để trượt, "lót đường" cho nhà thầu trúng sẵn"
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp bên hàng lang Quốc hội về giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng.
- Ông đánh giá như thế nào khi quỹ bình ổn giá xăng dầu tiếp tục duy trì?
Quỹ bình ổn giá xăng dầu mang tính nhân văn, mục đích của quỹ là để bình ổn hàng hoá, dịch vụ có tính thiết yếu đối với cuộc sống liên quan đến xăng dầu, nhưng mặt hàng này lại có tính biến động lớn. Đây cũng là cách để chúng ta duy trì và bình ổn kinh tế vĩ mô.
Theo tôi đây là cách tiếp cận rất tốt. Chỉ có điều thực hiện quỹ này như thế nào, vì cái gì cũng có tính hai mặt, không có cái gì tuyệt đối đúng hoặc tuyệt đối sai. Do đó, cần phải xem chính sách nào phù hợp với điều kiện kinh tế của chúng ta hiện nay.
- Ông có thể phân tích sâu hơn về quỹ bình ổn xăng dầu?
Một là, khi đóng quỹ bản chất là người tiêu dùng đã trả tiền trước cho một lượng xăng dầu. Tại thời điểm giá thế giới chưa tăng người dân đã phải trả trước 300 đồng/lít.
Nếu chúng ta cần kích thích tăng trưởng, tức là chấp nhận tăng lạm phát thì việc trích quỹ là tốt. Nhưng trong bối cảnh lạm phát chúng ta phải chi trước một khoản tiền chưa phải chi, cùng với giá biến động trên thế giới thì sẽ làm lạm phát tăng cao.
Hai là, quỹ bình ổn xăng dầu được thành lập nhưng cơ chế quản lý vận hành lại rất “cồng kềnh”.
Thời gian qua, hiện tượng thiếu xăng dầu đã được Bộ Trưởng Bộ Công Thương giải thích nhiều lần. Đó là chúng ta không thiếu xăng, vấn đề là giá thế giới biến động, vận chuyển tăng, các công thức tính không thay đổi kịp… dẫn đến việc các đại lý, các nhà phân phối không có tỉ lệ chiết khấu cho đại lý.
Từ đó dẫn đến tình trạng “găm hàng” không bán ra, vì càng bán càng lỗ. Bởi kinh doanh mà để thua lỗ thì làm sao kinh doanh? Còn quy trách nhiệm cho bộ, ngành thì bộ nào? Bộ Công Thương quản lý nhà nước nhưng không quyết định được về giá xăng. Để sử dụng quỹ bình ổn, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ đề xuất, các bộ, ban, ngành khác cũng tham gia. Khi đó, Chính phủ quyết định thì mới thực hiện được.
Như vậy, việc vận hành quỹ bình ổn xăng dầu không đủ linh hoạt. Mặc dù trong Luật Giá (sửa đổi) lần này cũng có đề cấp việc giải ngân quỹ phải thực hiện linh hoạt, đáp ứng nhu cầu… Nhưng thực tế không đáp ứng được một tiêu chí nào. Đây là điểm nghẽn, gây ra ách tắc.
Trong trường hợp này, theo tôi Bộ Công Thương đã bị “oan”. Vì người dân có suy nghĩ xăng dầu là do Bộ Công Thương, nhưng Bộ Công Thương không có quyền quyết định giá.
Vấn đề ở đây là khi “nút” tháo gỡ là công thức tính không được thay đổi, quỹ bình ổn xăng dầu không được giải ngân kịp thời… thì hiện tượng tư nhân, các nhà phân phối không bán xăng dầu vẫn xảy ra, người dân vẫn phải đối diện với câu chuyện không có đủ xăng dầu cung cấp hàng ngày.
- Vậy, ông có đề xuất gì về vấn đề này?
Thứ nhất, chúng ta không thể vội vàng nói bỏ quỹ bình ổn xăng dầu vì ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Vấn đề bây giờ là các nhà kinh tế phải “tính toán” xem nếu tiếp tục dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu thì ảnh hưởng đến lạm phát như thế nào? Tác động đến kinh tế vĩ mô ra sao?
Thứ hai, nếu không bỏ thì vận hành quỹ bình ổn này như thế nào? Giải ngân ra sao? Vấn đề này phải có cơ chế rõ ràng.
Theo tôi đây là hai câu trả lời quan trọng nhất cho quỹ bình ổn xăng dầu. Là đại biểu Quốc hội, trong khuôn khổ tôi chỉ nêu ý kiến, còn quyết định như thế nào thì do đóng góp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, người làm chính sách, các bộ, ban, ngành tư vấn cho Chính phủ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Diễn đàn doanh nghiệp