MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công thương cần hỗ trợ doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong nước

Đây là nội dung được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu tại cuộc họp về tình hình, giải pháp quản lý, phát triển thị trường bán lẻ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước phát triển. Bên cạnh đó, các địa phương cần tuân thủ theo đúng quy định liên quan của pháp luật trong cấp phép, quản lý hoạt động phân phối, bán lẻ cho doanh nghiệp FDI.

Hiện tại, thị trường phân phối bán buôn, bán lẻ Việt Nam đang phát triển mạnh và thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm và được cam kết mở cửa theo lộ trình trong quá trình đàm phán gia nhập các điều ước quốc tế, mở cửa thị trường.

Tuy nhiên, công tác quản lý đối với thị trường phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước còn chưa có nhận thức thống nhất giữa các Bộ, ngành và địa phương. Việc thực hiện thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng. Trong khi đó, việc kiểm soát chấp hành pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa hiệu quả. Doanh nghiệp trong nước chưa được nhận nhiều biện pháp hỗ trợ hợp lý từ chính phủ để mở rộng hệ thống phân phối.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực phân phối, bán lẻ. Đồng thời, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện, nhất là đối với việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ Luật Đầu tư và lộ trình, cam kết quốc tế. Đi kèm với giấy phép hoạt động, nhà đầu tư nước ngoài phải có cam kết hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Thị trường phân phối, bán lẻ trong nước hiện đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp. Nhiều hãng bán lẻ quốc tế đã thâm nhập thị trường trong nước như BJC (Thái Lan), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản). Trong nước, VinGroup, Saigon Co.op, Hapro, Satra cũng tăng cường mở rộng hệ thống nhằm chiếm lĩnh những vị trí đắc địa. Một số doanh nghiệp nội khác chọn cách bắt tay với ông lớn nước ngoài hình thành nên các liên doanh Aeon Fivimart hay Aeon Citimart.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên