MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương: Giá cà phê arabica sẽ phục hồi trong năm 2020

05-01-2020 - 09:46 AM | Thị trường

Giá cà phê arabica trong năm 2020 được dự báo sẽ phục hồi do xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm, trong khi nhu cầu tăng.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 12/2019, giá cà phê robusta trong nước giảm theo giá thế giới.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê robusta tháng 11/2019 đạt 94,5 nghìn tấn, trị giá 142,49 triệu USD, giảm 20,9% về lượng và giảm 29,6% về trị giá so với tháng 11/2018. Tính chung 11 tháng năm 2019, xuất khẩu cà phê robusta giảm 6,4% về lượng và giảm 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 1,376 triệu tấn, trị giá 2,081 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê robusta sang Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Algérie, Anh, Ấn Độ tăng; xuất khẩu sang Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nga, Hàn Quốc giảm.

Giá xuất khẩu bình quân cà phê robusta trong 11 tháng năm 2019 đạt 1.512 USD/tấn, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê robusta sang các thị trường trọng điểm như Mỹ đạt 1.476 USD/tấn; Đức đạt 1.482 USD/ tấn; Ý đạt mức 1.555 USD/tấn.

11 tháng năm 2019, xuất khẩu cà phê chế biến tăng 1% về lượng, nhưng giảm 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 34,9 nghìn tấn, trị giá 175,4 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê chế biến sang Nga tăng 57,6%; Trung Quốc tăng 104,4%; Mỹ tăng 9,2%; Ý tăng 24,1%. Ngược lại, xuất khẩu cà phê chế biến sang Nhật Bản, ASEAN giảm.

Giá xuất khẩu bình quân cà phê chế biến trong 11 tháng năm 2019 đạt 5.019 USD/tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê chế biến sang Nga đạt 6.149 USD/tấn, giảm 6,1%; sang Nhật Bản đạt 4.787 USD/ tấn, giảm 0,9%. Ngược lại, giá xuất khẩu bình quân cà phê chế biến sang một số thị trường tăng, gồm: Đức tăng 0,2%, lên mức 3.757 USD/tấn; Mỹ tăng 11,9%, lên mức 4.201 USD/tấn; Indonesia tăng 2,0%, lên mức 5.222 USD/tấn.

Hiện các sản phẩm cà phê của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê toàn cầu, đứng ở vị trí thứ 2 sau Brasil. Trong đó, cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu chiếm 5,9% thị phần, đứng ở vị trí thứ 5 sau Brasil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.

Về cơ cấu mặt hàng, hiện ngành cà phê Việt Nam vẫn tập trung xuất khẩu cà phê robusta dạng thô, chưa qua chế biến, chiếm tới 94% tổng lượng xuất khẩu. Do đó, giá trị xuất khẩu chưa cao, chưa có được vị trí tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành trên thị trường thế giới.

Hiện cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, tổng công suất thiết kế 1.503 triệu tấn, tổng công suất thực tế đạt 83,6%; 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, tổng công suất thiết kế 51,7 nghìn tấn sản phẩm/năm; 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan, tổng công suất thiết kế 36,5 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 97,9%; 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn, tổng công suất thiết kế 139,9 nghìn tấn sản phẩm/năm, tổng công suất thực tế đạt 81,6%.

Trên cơ sở này, cục Xuất nhập khẩu dự báo năm 2020 sẽ có sự chuyển dịch về cơ cấu mặt hàng, doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Trên thị trường thế giới, tháng 12/2019, giá cà phê robusta giao kỳ hạn trên thị trường thế giới giảm so với tháng 11/2019, trong khi giá cà phê arabica tăng.

Trong tuần cuối tháng 12/2019, thị trường cà phê giao dịch trầm lắng do các nhà nhập khẩu nước ngoài đang trong kỳ nghỉ lễ cuối năm và chuẩn bị choTết Dương lịch 2020. Giá cà phê robusta giảm do các quỹ tài chính bán bớt hợp đồng mua. Trong báo cáo tháng 12/2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã thay đổi sản lượng cà phê toàn cầu từ thiếu hụt sang dư thừa, do sản lượng cà phê robusta của Brasil tăng mạnh, bù đắp cho sản lượng cà phê arabica giảm vì chu kỳ “hai năm một”. Sản lượng cà phê robusta Brasil được dự báo tăng 1,5 triệu bao, đạt mức cao kỷ lục 18,1 triệu bao trong niên vụ 2019/20. Trong khi đó, nguồn cung cà phê ở Việt Nam dồi dào do người trồng cà phê đã thu hoạch được khoảng 60 - 70% sản lượng. Dự kiến vụ thu hoạch tại Việt Nam sẽ kéo dài tới cuối tháng 1/2020, đạt khoảng 29,5 triệu bao (loại 60 kg), tương đương với niên vụ 2018/19.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo năm 2020, giá cà phê arabica sẽ phục hồi do xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm, trong khi nhu cầu tăng. Theo USDA, niên vụ 2019/20, xuất khẩu cà phê toàn cầu dự kiến giảm 4,7 triệu bao, xuống còn 115,4 triệu bao do Brasil và Honduras giảm xuất khẩu; tiêu thụ cà phê toàn cầu niên vụ 2019/20 dự báo tăng 1,5% so với niên vụ 2018/19, lên 167,9 triệu bao. Trong đó, Trung Quốc sẽ là nước tiêu thụ cà phê chính trong năm 2020.

Quỳnh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên