MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương khẳng định đưa Hoa Sen - Cà Ná vào quy hoạch là không “đốt cháy giai đoạn”

Dự án thép Cà Ná đã được tính toán để đi vào hoạt động trở lại nên ngay cả khi không có Tập đoàn Hoa Sen hay UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất, cũng sẽ nằm trong quy hoạch.

Đó là khẳng định của ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khi trao đổi với chúng tôi liên quan đến dự án Hoa Sen – Cà Ná có quy mô vốn đầu tư là 10 tỉ USD. Thông tin từ Tập đoàn Hoa Sen gửi trong Thông cáo báo chí, dự án này được Bộ Công Thương phê duyệt và đưa vào quy hoạch ngày 25/8, tức là chỉ trước hai ngày dự án này được công bố tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận.

Theo ông Hoài, dự án thép Hoa Sen Cà Ná được triển khai trên nền tảng từ dự án tổ hợp thép Vinashin – Lion từng được Thủ tướng xem xét, phê duyệt cách đây 8 năm. Có nghĩa, dự án này đã được nằm trong quy hoạch, nhưng do năng lực chủ đầu tư không thể tiếp tục triển khai do gặp khó khăn về tài chính… nên đã rút ra khỏi quy hoạch.

“Đặc thù của ngành thép là có nhiều dự án manh mún, nhỏ lẻ với công nghệ lạc hậu. Do đó, với chủ trương là xây dựng các tổ hợp thép quy mô đủ lớn, công nghệ hiện đại nên chúng tôi đã nghiên cứu và đưa dự án thép ở Cà Ná quay trở lại. Bởi đây là khu có vị trí thuận lợi để làm cảng, khá phù hợp với đặc thù triển khai dự án thép lớn là phải gần biển, có cảng. Nên việc bổ sung dự án thép là không “đốt cháy giai đoạn”.” – ông Hoài nói.

Theo đó, cùng với việc điều chỉnh lại quy hoạch ngành thép Việt Nam thì tháng 7 vừa qua, Ninh Thuận đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất. Nhận thấy, vị trí Cà Ná phù hợp với dự án nghiên cứu trước đó, nên Bộ đã bổ sung vào quy hoạch. Ông Hoài cho biết, tới đây nhà đầu tư là Tập đoàn Hoa Sen sẽ lập báo cáo tiền khả thi trình Bộ Kế hoạch đầu tư, thẩm định dự án sau đó mới trình lên Thủ tướng để xin chủ trương phê duyệt.

“Do đây là dự án thép quy mô lớn, dự kiến 16 triệu tấn một năm, nên sẽ xem xét phê duyệt theo từng giai đoạn, chứ không phải làm một lúc. Giai đoạn I triển khai thành công thì mới cấp phép giai đoạn II. Ngay cả khi tỉnh Ninh Thuận không đề xuất nhà đầu tư là Tập đoàn Hoa Sen làm thì Bộ cũng đưa dự án thép tại Cà Ná trở lại quy hoạch ngành và tìm nhà đầu tư sau, vì đây là thời điểm tiềm năng để đầu tư vào ngành thép” – ông Hoài nói.

Bởi theo vị này, hiện nay Việt Nam đang có tiềm năng về quặng sắt tại mỏ Thạch Khê và Tây Nguyên chưa được khai thác. Trong khi đó, nhập khẩu thép hàng năm vẫn rất lớn lên tới 6 – 7 tỷ USD, dự báo nhu cầu thép cả nước sẽ ở mức 27 triệu tấn nên ngay cả khi giai đoạn I của Formosa đi vào hoạt động thì vẫn thiếu đến hơn 22 triệu tấn vào 2025.

Ngoài ra, nhu cầu thép cho các ngành chế tạo, công nghiệp hỗ trợ hiện nay rất lớn. Mỗi năm quy mô ngành này lên tới 40 tỷ USD nhưng đều phải nhập khẩu và giá trị gia tăng thấp nên việc đầu tư là cần thiết. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ đình chỉnh phù hợp sản phẩm dựa trên quy hoạch mềm hiện nay của ngành thép, trên cơ sở hạn chế thép xây dựng và ưu tiên các sản phẩm khác.

Đối với vấn đề môi trường, ông Hoài cũng cho biết mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan giám sát nhưng Bộ Công Thương sẽ tham gia. Trong đó, theo quy định mới, với các dự án lớn, bộ chủ quản sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở và yêu cầu chủ đầu tư phải tuân thủ việc thẩm định đó.

M. Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên